Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Có luật điện ảnh sao không có luật bảo vệ âm nhạc?

01/01/2010 07:59 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Bên lề Hội nghị triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2010 tại Đà Nẵng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã dành cho TT&VH cuộc trao đổi về hoạt động của âm nhạc Việt Nam trong năm.

Âm nhạc năm Trâu được đấy chứ!

* Ông có thể điểm lại một vài nét nổi bật của âm nhạc Việt Nam trong một năm?

- Năm 2009 là năm chuẩn bị những tác phẩm lớn để hướng đến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngay từ đầu năm, hội đã phát động các nhạc sĩ cả nước viết về nhiều đề tài, như những bản hợp xướng, những bản giao hưởng nhiều chương, hoặc liên khúc hợp xướng. Song song đó, hội đã chọn lọc, đề cử những tác phẩm tốt viết về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã chọn 5 tác phẩm xuất sắc gửi lên ban chỉ đạo cuộc vận động, đều được công bố vào tháng 3 và 5 năm 2009.

Về lĩnh vực biểu diễn, nổi lên hai dấu ấn, đấy là hội diễn ca múa nhạc toàn quốc tại Nghệ An và Nha Trang. Nhiều tác phẩm đã đoạt giải cao, trong đó có sự đóng góp của nhiều nhạc sĩ trẻ. Hai hội diễn này, các nhạc sĩ như Đức Trịnh, Xuân Thủy, Trọng Đài, Đặng Hùng, Nguyễn Tiến... đã tỏa sáng.

* Và còn gì nữa, thưa ông?

- Tháng 9, lần đầu tiên dàn nhạc trẻ của học viện âm nhạc quốc gia tham gia vào liên hoan âm nhạc Beethoven tại Bonn (Đức). Đây là sự kiện âm nhạc mang tầm quốc tế. Có hai tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam trình bày và được đón nhận: Giao hưởng thơ Lệ Chi viên cho dàn nhạc và violin của nhạc sĩ trẻ Trần Mạnh Hùng; Rhapsody Việt Nam của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Dàn nhạc giao hưởng New York (New York Philharmonic) nổi tiếng đã sang biểu diễn tại Hà Nội cũng là một sự kiện lớn.

Ngoài ra, chúng tôi cũng ghi nhận sự lớn mạnh dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng hợp xướng Nhạc vũ kịch TP.HCM. Họ đã có nhiều chương trình dàn dựng công phu, và có tính chuyên nghiệp cao trong năm.

Cần có Luật Âm nhạc

* Tất nhiên, năm 2009 cũng xảy ra không ít scandal âm nhạc, trong đó hát nhép, đạo nhạc vẫn nóng bỏng. Rồi những bài hát với ca từ rẻ tiền, biểu diễn lai căng vẫn bùng nổ...

- Đúng là nhiều bức xúc. Nhưng trường hợp trên chỉ xảy ra ở một bộ phận nhỏ thôi, trên sân khấu âm nhạc phổ thông. Tác giả là một vài cá nhân không có trình độ chuyên môn cao, không có lòng tự trọng hay không thực sự tâm huyết nghệ thuật. Ca sĩ, nghệ sĩ chân chính họ không làm điều đó.

Cũng phải thừa nhận ở môi trường âm nhạc ta, sự kiểm soát các sản phẩm không tốt. Chưa có chế tài đủ mạnh trong việc kiểm soát đầu ra các sản phẩm âm nhạc, chẳng khác gì an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay chúng ta chưa cấm những bài hát thiếu tính sáng tạo. Chúng ta cần phải có một “bộ lọc” gạt những tác phẩm kém chất lượng, kém sáng tạo, tác động không tốt đến sự thưởng thức thẩm mỹ của công chúng. Trong bối cảnh hội nhập thế giới hiện nay, luồng âm nhạc giải trí, âm nhạc “xả stress” đang ảnh hưởng tới VN sâu sắc. Nếu không có chế tài và những quy định khắt khe, loại nhạc này không chỉ “giết” âm nhạc trong sáng của dân tộc mà còn “đầu độc” tâm hồn cả một thế hệ trẻ.

* Như vậy theo ông thực trạng đó là rất đáng lo và cần phải kiểm soát giống như kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm vậy?

- Bức tranh âm nhạc đang đứng trước nhiều thách thức, chúng tôi nghĩ rằng cần phải có Luật Âm nhạc như là Luật Điện ảnh. Tại sao chúng ta có luật bảo vệ điện ảnh lại không có luật bảo vệ âm nhạc?

Chính việc sản xuất hàng loạt như hiện nay theo đơn đặt hàng, đáp ứng nhu cầu tức thì của một bộ phận công chúng mà nhạc trẻ bùng phát mạnh. Điều đó, khiến sự ra đời của các nhạc sĩ nhiều lên, đồng thời cũng chi phối sáng tác của một số nhạc sĩ có tay nghề. Một khi nó đã được sản xuất hàng loạt như hàng hóa thì đương nhiên là kém chất lượng, hình thành xu hướng sáng tác nghiệp dư hoá . Nghĩa là người sáng tác không được trang bị kiến thức cơ bản, không được học hành cơ bản, tự học, tự mày mò sáng tác. Điều đó như một cái vòng luẩn quẩn.

Cháy một rừng cây chúng ta có thể trồng trong 10 năm, nhưng ảnh hưởng đến một thế hệ âm nhạc, chúng ta phải mất hàng trăm năm. Tôi thực sự lo ngại về chất lượng của nhạc trẻ hiện nay. Những bài hát nhạt nhẽo, vô vị cứ được phát, được người ta nghe nhiều sẽ thành thói quen. Những bạn trẻ sẽ cảm nhận âm nhạc theo cách của họ - với những cái trống rỗng, nhạt nhẽo. Một thế hệ trẻ không còn nghe Sông Lô, Suối mơ, Đêm Đông nữa...thì tự dưng nhạc truyền thống sẽ biến mất. Nhưng điều tôi thấy đau hơn, nguy hiểm hơn ở đây chính là việc hình thành tâm hồn, nhân cách cho một thế hệ. Chúng thường xuyên nghe những bản nhạc uỷ mị, tầm thường, phản cảm... thế rồi tâm hồn chúng sẽ ra sao?

* Xin cảm ơn ông.

Hữu Quý (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm