Nghệ sĩ Minh Tân - gương mặt thầm lặng sau hàng chục phim kinh điển

31/01/2019 07:21 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Hàng chục năm “ẩn mình” sau màn ảnh, vậy nhưng Minh Tân là cái tên rất quen thuộc và thân thiết với giới điện ảnh. Bởi thế, sự ra đi bất ngờ của chị ở thời điểm sát tết Đinh Hợi (ngày 24/1) khiến bè bạn và đồng nghiệp không khỏi tiếc nuối và xót xa.

Cơ hội hiếm hoi xem lại ‘Làng vũ đại ngày ấy’ với phụ đề tiếng Anh

Cơ hội hiếm hoi xem lại ‘Làng vũ đại ngày ấy’ với phụ đề tiếng Anh

Bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam “Làng Vũ Đại ngày ấy” sẽ được chiếu tại Hãng phim Truyện Việt Nam (Số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) vào ngày 25/5 tới.

TT&VH xin giới thiệu bài viết của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, để giúp độc giả hiểu rõ hơn về công việc, cũng như con người, của nghệ sĩ Minh Tân.

1. Con gái Hàng Gai, chị là một người đẹp của Lớp Diễn Viên Điện Ảnh Khóa I - một thế hệ diễn viên tài sắc từng làm nên một thuở vàng son cho điện ảnh nước nhà. Chị đẹp theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này, bởi với nhan sắc từng gây sóng gió cho nhiều trái tim đàn ông, chị đã nép mình phía sau người đàn ông rất Đàn Ông của mình – Nhà quay phim lừng danh Nguyễn Quang Tuấn.

Chú thích ảnh
Vợ chồng nghệ sĩ Minh Tân - Nguyễn Quang Tuấn

Chị làm vợ, làm mẹ theo cách rất đặc trưng của người đàn bà Hà Nội cổ điển, nhưng cũng không quên tự tìm cho mình một vị trí thích hợp trong chuỗi lao động nghệ thuật điện ảnh mà chị đam mê. Từ một diễn viên trẻ mới được đóng các vai phụ trong các phim điện ảnh thuở ban đầu như Một ngày đầu thu, Chim vành khuyên, Vợ chồng A Phủ… chị đã chủ động rời màn ảnh, dù chưa có cơ hội tỏa sáng, để tham gia vào một công đoạn khác: dựng phim.

Trong lý lịch tự khai của mình, chị gọi đây là bước ngoặt lớn trong đời, bởi việc dựng phim là công việc hoàn toàn ẩn mình sau màn ảnh. Thậm chí cho đến tận bây giờ, vai trò của “Người Dựng Phim” trong điện ảnh Việt vẫn chưa được coi là một lao động nghệ thuật đúng nghĩa. Chị đã chọn vị trí ấy một cách bình thản, và còn có chút tự hào là với nó - nghề dựng phim - chị sẽ “đóng góp được nhiều hơn” cho sự nghiệp điện ảnh nước nhà. Đó là cách nói của chị.

Nhưng cũng là phụ nữ, tôi nghĩ chị đã chọn Nó, bởi với vị trí ấy, chị có thể làm đầy lên khoảng trống trong đời sống gia đình mà người chồng tài năng của mình để lại trong những chuyến đi làm phim liên miên. Với vai trò là nhà quay phim, Cố Nghệ sĩ Ưu tú Quang Tuấn sinh thời gần như không nghỉ ngơi bởi các đạo diễn luôn muốn bộ phim của mình được đảm bảo nhờ những khuôn hình tuyệt đẹp của Ông.

Và tôi cũng nghĩ, Minh Tân đã chọn đúng một vị trí thích hợp cho chính mình trong đời, cũng như trong nghề. Điều này không phải ai cũng làm được, nhất là với một người đẹp như chị.

Điều này cũng cho thấy dường như từ bẩm sinh, cái tâm lý Sống Thiền đã ngự trị trong trái tim Minh Tân. Chủ động chọn một vị trí, một công việc, một lối sống không nổi bật, đầy tận tụy và ẩn nhẫn… chị đã góp sức khiến cho hàng chục tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam được tỏa sáng một cách xứng đáng.

Chú thích ảnh
Minh Tân (phải) với một vai phụ trong phim "Vợ chồng A Phủ"

2. Minh Tân là người dựng phim chính trong 12 bộ phim truyện và 19 bộ phim tài liệu của Xưởng Phim Truyện VN, tiền thân của Hãng Phim truyện VN (VFS), trong đó những phim Bài ca ra trận, Sao tháng Tám của cố đạo diễn Trần Đắc. Rồi, Những đứa con, Mẹ vắng nhà của cố đạo diễn Khánh Dư, Làng Vũ Đại ngày ấy, Chị Dậu, Sẽ đến một tình yêu của cố đạo diễn Phạm Văn Khoa…

Có thể nói không ngoa rằng, phía sau những cái tên đạo diễn lẫy lừng của Điện ảnh Việt một thời có bóng dáng của một người đàn bà đẹp âm thầm ngồi bên bàn dựng phim. Cũng như vậy, phía sau những khuôn hình đầy ấn tượng của Cố nghệ sĩ quay phim Nguyễn Quang Tuấn có bóng dáng một người đàn bà đẹp với nụ cười yên ả trên môi làm ấm căn bếp, ngôi nhà của Ông.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Minh Tân

2. Tôi từng làm biên tập cho nhiều phim, tuy chưa bao giờ được trực tiếp ngồi bên bàn dựng cùng chị. Nhưng tôi luôn tâm niệm: dựng phim chính là sáng tác nghệ thuật lần cuối. Những câu tôi thường được nghe từ người dựng phim của mình là “Có lẽ nên thế này chăng?” hoặc “Có lẽ thế này mới đủ ép phê” hoặc “Không, có lẽ theo tôi nên bớt thế này”… Luôn luôn là những đề nghị khiêm nhường, nhưng đầy hiệu quả cho ấn tượng của dòng kịch tính hoặc ấn tượng thị giác gây bất ngờ. Thậm chí, có lúc nào đó tôi từng hoang mang vì điều mình đang làm với chuỗi hình ảnh ấy, thì lại nhận được những lời động viên đầy chân tình của người dựng phim

Hơn ba mươi năm trong nghề làm phim, tôi luôn biết ơn những người dựng phim của mình. Và bây giờ, đọc lại những ghi nhận thành tựu của chị, tôi càng thấm thía về lao động thầm lặng và không thể thiếu của những người như chị.

Chị là người dưng phim - nữ diễn viên đã chủ động từ giã màn ảnh. Ra đi ở tuổi 78, chắc chắn tôi sẽ còn nhớ chị rất lâu.

Trịnh Thanh Nhã

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm