Lần theo dấu vết tập 4: Giải mã vụ lừa đảo hàng loạt người Trung Quốc qua tổng đài VOIP

30/07/2018 14:10 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Tập 4 series Lần theo dấu vết với chủ đề Giải mã sẽ tái hiện lại vụ án nhóm tội phạm sử dụng tổng đài VOIP để lừa đảo hàng loạt công dân Trung Quốc với số tiền lên tới hơn 20 triệu Nhân dân tệ.

Tập 4 series Lần theo dấu vết với chủ đề Giải mã phát sóng 22h45 thứ ba (ngày 31/7) trên VTV1. Khán giả có thể xem trực tiếp phim tài liệu, ký sự truyền hình Lần theo dấu vết tập 4 tại đây.

Từ năm 2014 đến đầu năm 2015, tại thành phố Giang Môn tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc liên tục xảy ra hàng loạt vụ án sử dụng công nghệ VOIP để lừa đảo qua điện thoại. Bọn tội phạm đột nhập vào các trang mạng, đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản và các giao dịch mua bán của người bị hại. Chúng sử dụng tổng đài VOIP gọi điện thoại giả danh là công an, kiểm sát viên, toà án... yêu cầu những người này phải nộp một số tiền lớn và chiếm đoạt luôn số tiền này. Thành lập chuyên án, công an thành phố Giang Môn phát hiện có khoảng 40 đối tượng nghi vấn.

Chú thích ảnh

Ngày 11/5/2015, Bộ Công an Việt Nam nhận được công hàm của Bộ Công an Trung Quốc đề nghị hợp tác truy tìm nhóm tội phạm này bởi hầu hết các địa chỉ IP liên quan đến các cuộc gọi lừa đảo nằm trong lãnh thổ Việt Nam.

Các đối tượng này lần lượt nhập cảnh vào Việt Nam 11 lần từ ngày 22/10/2013 đến 14/3/2015, hầu hết qua cửa khẩu quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, cho đến nay chưa có dấu hiệu xuất cảnh. Để nhanh chóng làm rõ hoạt động của nhóm tội phạm, xác định địa điểm thực hiện lừa đảo, lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50 đã báo cáo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát xác lập chuyên án mang bí số TQ2015.

Đại tá Lê Minh Loan - Trưởng phòng 3 Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Phó trưởng Ban Chuyên án TQ2015 cho biết: "6 người bị hại thống kê được trong quận Giang Môn của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với số tiền suýt soát 20 triệu Nhân dân tệ.

Bên phía Trung Quốc xác định đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo lại thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam nên phía Trung Quốc rất mong muốn cảnh sát Việt Nam hỗ trợ để nhanh chóng truy tìm".

Chú thích ảnh

Hàng tháng trời, các trinh sát Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phải ngồi nghe hàng nghìn cuộc ghi âm từ các địa chỉ IP phía bạn cung cấp để thu thập thông tin dữ liệu liên quan, giải mã các tín hiệu từ các cuộc gọi để đi tìm bằng chứng. Khi các cuộc gọi thoại đều là tiếng nước ngoài, làm thế nào để xác minh trong hàng trăm ngàn cuộc gọi qua internet ấy có những file dữ liệu trùng khớp với những giao dịch lừa đảo tại Trung Quốc là một vấn đề không hề đơn giản.

Thông qua biện pháp nghiệp vụ, Ban Chuyên án xác định có 1 nhóm đối tượng đang sử dụng hàng chục thiết bị viễn thông kết nối internet thực hiện các cuộc điện thoại VOIP tại khu vực chung cư Everrich đường 3/2 quận 11 và chung cư Bình Dân 86 Tản Đà Quận 5, TP.HCM. Trong số những người bị lừa đảo tống tiền có không ít quan chức cấp cao tại Trung Quốc, có người còn là uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc… chúng đã dùng những kịch bản gì mà lừa được một số tiền lớn lên tới hơn 20 triệu nhân dân tệ?

Anh Trần Văn Kiệt - Công dân Trung Quốc cho hay: "Sau khi nghe nhiều cuộc điện thoại của 2 nam và 1 nữ bảo tôi là liên quan đến vụ án buôn lậu, tôi không tin thì họ bảo tôi vào website của Viện Kiểm sát Trung Quốc, tôi nhìn thấy đúng là có hình tôi trên đó nên tôi rất lo sợ và chuyển cho họ tiền để họ giúp tôi để không tiếp tục điều tra nữa".

Chú thích ảnh

Để thực hiện hành vi lừa đảo, bọn tội phạm chia thành nhiều nhóm khác nhau, nhóm có nhiệm vụ giả danh là công an, tòa án, viện kiểm sát đe dọa người gọi điện, thông báo họ đang bị điều tra bí mật vì liên quan đến những vụ án nghiêm trọng như rửa tiền, buôn lậu, ma tuý, tham nhũng... Điều này đã tác động mạnh vào tâm lí người nghe, khiến họ sợ sệt, lo lắng, buộc phải thực hiện theo hướng dẫn của chúng. Chiêu thức lừa đảo này tuy không mới nhưng được dựng trong hoàn cảnh các nạn nhân lo ngại mình phạm tội nên nhiều người đã không đủ minh mẫn để nghĩ rằng mình bị lừa.

Vì sao bọn tội phạm mượn địa bàn Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo các công dân Trung Quốc? Những biện pháp nghiệp vụ nào được cảnh sát Việt Nam áp dụng để truy tìm nhóm đối tượng này khi chỉ có bằng chứng là các cuộc ghi âm từ phía bị hại do công an Trung Quốc cung cấp? Làm thế nào để phát hiện hang ổ của nhóm lừa đảo và triệt phá toàn bộ đường dây này?

Chú thích ảnh

Một cuộc phục kích với đầy đủ các lực lượng của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã cùng phối hợp bao vây 2 địa điểm là Chung cư Everrich Đường 3/2 và chung cư 86 phố Tản Đà, TP.HCM để bắt 24 đối tượng người nước ngoài trong đường dây lừa đảo này.

"Việc thu thập chứng cứ và dữ liệu điện tử là yêu cầu then chốt cho việc xác định hành vi phạm tội, cũng như là căn cứ để phá án. Nó có đặc điểm những dữ liệu này được lưu giữ trên thiết bị có thể nó sẽ bị xoá bất kể lúc nào. Nhất là lúc phá án chúng ta không kiểm soát được nhanh trong vòng 20 đến 30 giây thì việc nó xoá dữ liệu hoặc thay đổi hệ thống thì sẽ cực kỳ khó khăn cho công tác điều tra xử lý" - Đại tá Lê Minh Loan nhận định.

Ban Chuyên án đã làm rõ các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam theo chỉ đạo của 1 tổ chức tội phạm tại Trung Quốc, đứng đầu là 1 nhóm người Đài Loan (Trung Quốc). Họ được giao nhiệm vụ thực hiện các thao tác để dựng kịch bản, sử dụng công nghệ cao giả mạo đầu số điện thoại, xây dựng giao diện là các trang web giả mạo để đánh lừa nạn nhân phía Trung Quốc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Chú thích ảnh
Chiêu trò lừa đảo tuy không mới nhưng nhóm tội phạm này tinh vi hơn khiến nhiều người không đủ tỉnh táo nhận ra mình đã bị lừa

Chú thích ảnh

Một thủ đoạn khá tinh vi của nhóm tội phạm là khi nhận được tiền từ các nạn nhân, ngay lập tức chúng chuyển sang nhiều tài khoản khác nhau ở ngân hàng nước ngoài, sau đó tất cả số tiền này được rút ở các ngân hàng tại Đài Loan (Trung Quốc). Với phương thức chuyển tiền này chúng có thể trốn tránh được sự theo dõi của công an việt Nam lẫn công an Trung Quốc.

Do các nghi can trong băng tội phạm này chỉ sử dụng lãnh thổ Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo, nên theo thỏa thuận quốc tế Bộ Công an VN đã chuyển giao 24 đối tượng này cho cảnh sát Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục điều tra, xử lý.

Chi tiết vụ án sẽ được tái hiện trong tập 4 series Lần theo dấu vết với chủ đề Giải mã phát sóng 22h45 thứ ba (ngày 31/7) trên VTV1.

Tiểu Phong. Ảnh: VTV

‘Lần theo dấu vết’: Phim về ‘ông trùm’ Tàng Keangnam, Phương Linh hột lên sóng VTV1

‘Lần theo dấu vết’: Phim về ‘ông trùm’ Tàng Keangnam, Phương Linh hột lên sóng VTV1

Chân dung những "ông trùm" xã hội đen, trùm ma túy hay những tử tù khét tiếng như Tàng Keangnam, Phương Linh hột, Thọ sứt, Tú khỉ… sẽ được tái hiện trong các tập phim thuộc series phim tài liệu, ký sự truyền hình "Lần theo dấu vết".

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm