Đạo diễn Cường Ngô: Ra đi là để trở về

13/04/2010 08:31 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Bộ phim ngắn Cây trâm vàng (The Golden Pin) đã giúp đạo diễn Cường Ngô đạt giải phim ngắn hay nhất tại Canada (tháng 5/2009) và giải nhì của Cục Điện ảnh Canada (tháng 11/2009). Anh đang có mặt tại Việt Nam để làm những bộ phim ngắn Ngọc Viễn Đông về thân phận những người phụ nữ Việt Nam.

* Tốt nghiệp ngành diễn viên của trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, nhưng lại “biến mất” nơi xứ người, và rồi trở về. Điều gì khiến anh có những quyết định bất ngờ như vậy?

- Lý do tôi ra đi là để trở về. Ngay từ đầu, tôi đã xác định cho mình học diễn xuất không phải để trở thành diễn viên mà để trở thành bạn của diễn viên, hiểu được nghệ thuật biểu diễn là gì và phân tích kịch bản như thế nào. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp ngành diễn viên thì tôi qua học đạo diễn tại trường Đại học York (Toronto, Canada). Theo tôi nghĩ, đạo diễn phải có kinh nghiệm, kiến thức bền vững mới có thể kết nối những người làm việc với mình để có được một sản phẩm tốt. Chính vì vậy mà đường đi của tôi hơi…dài. Ở Canada, ngoài học đạo diễn còn phải học về biên kịch, quay phim, diễn xuất… Khi qua đó, tôi không phải theo học lớp diễn xuất vì đã tốt nghiệp ở trong nước.

Với tôi, ước mơ là được trở về Việt Nam làm phim. Điện ảnh Việt Nam là nền điện ảnh đang phát triển, và tôi cảm thấy phải có trách nhiệm khi mình là người Việt Nam, mình phải trở về để góp phần vào công cuộc phát triển đó. Tôi rất tin tưởng vào điện ảnh Việt Nam vì đây là một nền điện ảnh trẻ, thế hệ trẻ làm phim ở Việt Nam thì rất cầu tiến, ham học hỏi.

* Vậy kế hoạch trở về của anh sẽ là…

- Tôi nghĩ là mình sẽ đi đi về về. Canada là một đất nước đẹp, yên tĩnh để tôi có thể chú tâm vào viết, nghiên cứu kịch bản và chuẩn bị cho những bộ phim quay ở Việt Nam. Trong tương lai tôi sẽ về Việt Nam thường xuyên và sẽ làm những bộ phim ở đây. Mong muốn của tôi là được kể những câu chuyện về Việt Nam đến bạn bè, khán giả quốc tế. Những câu chuyện mang tính toàn cầu để những người ở bất cứ đâu trên thế giới đều có thể liên tưởng đến cuộc sống của mình.

* Ý niệm làm phim Ngọc Viễn Đông được bắt đầu như thế nào, thưa anh?

- Cách đây hai năm, tôi có dự định làm những phim ngắn, những câu chuyện giống như những bài thơ nói về thân phận, tình yêu, ước mơ, khao khát của những người phụ nữ Việt Nam. Tôi muốn đi sâu khai thác vào đời sống nội tâm của họ. Nhìn vào bản đồ Việt Nam, tôi nghĩ đời sống nội tâm của những người phụ nữ ở đây phức tạp giống như những địa danh của Việt Nam vậy! Cùng một nước nhưng mỗi vùng miền lại có nhiều nét văn hóa khác nhau.

Vì phải sửa chữa kịch bản nhiều lần và vì lý do kinh phí nên phải đến năm nay, dự án đó mới được thực hiện.

* Khai thác đời sống nội tâm của những người phụ nữ là đi tìm những vẻ đẹp trong con người họ. Trong quá trình tìm hiểu và làm phim, anh đã “tìm” được những gì rồi?

- Phụ nữ Á Đông nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng, cái đẹp của họ tiềm ẩn bên trong. Bởi vậy nên tôi mới đặt tên cho chuỗi phim này là Ngọc Viễn Đông. Nó là những hòn ngọc được xâu chuỗi lại với nhau. Đó là lý do vì sao phim này tôi khai thác thế giới nội tâm của những người phụ nữ. Và tôi cũng muốn tìm hiểu tâm lý của họ tác động như thế nào tới những hành vi, cử chỉ, hành động của họ…

* Ở xa Việt Nam, liệu sự cảm nhận của anh về vẻ đẹp của “ngọc phương Đông” còn  đủ nét và chân thực?

- Tôi xa Việt Nam đến nay là hơn 7 năm. Và tôi nghĩ sự cảm nhận của mình vẫn còn rất đầy đủ. Bởi vì càng đi xa quê hương thì mình mới càng thẩm thấu cái đẹp của con người và văn hóa Việt Nam. Càng đi xa mình càng hãnh diện khi là người Việt Nam. Dù có chết hay đầu thai một lần nữa thì tôi vẫn muốn là người Việt Nam. Đó là câu mà tôi vẫn thường nói với bạn bè của mình.

Sau 7 năm trở lại, tôi thấy Việt Nam đã mất dần đi chất lãng mạn, mất đi vẻ đẹp xưa. Đôi khi đọc sách lịch sử, tôi rất muốn quay về chỗ đó để xem, để tìm hiểu nhưng bây giờ khi quay về thì nó đã không còn. Tôi cảm thấy tiếc vô cùng, rất muốn giữ lại được những điều đó. Tuy nhiên, xã hội cũng cần phải thay đổi và phát triển. Hiện giờ, tôi thấy Việt Nam mình có những đường phố rất đẹp.


Một cảnh trong phim Thức
* Còn những người phụ nữ, đối tượng chính trong chuỗi Ngọc Viễn Đông thì sao?

- Phụ nữ bây giờ hiện đại hơn rất nhiều, họ làm nhiều việc mà trước đây không ai nghĩ là dành cho phụ nữ. Tôi nghĩ, không riêng gì phụ nữ Việt Nam mà phụ nữ ở đâu cũng vậy, không bút sách nào mà có thể viết hết được vì họ rất khó hiểu. Họ giống như một bức tranh trừu tượng vậy!

* Thể loại phim ngắn liệu có đủ tầm để phác họa cho khán giả những vẻ đẹp tiềm tàng trong tâm hồn người phụ nữ không, thưa anh?

- Ngọc Viễn Đông là một câu chuyện dài với thời lượng 120 phút, được chia thành 6 bộ phim ngắn có thời lượng từ 15 đến 20 phút. 6 câu chuyện này, tôi chọn những khoảnh khắc ngắn của người phụ nữ trong một ngày, qua đó thấy được đời sống nội tâm, sự tinh tế và phức tạp của họ. Với thời lượng thời gian như thế để truyền tải một câu chuyện là điều rất kì công và không kém phần thử thách.

* Cho tới nay, phim đã thực hiện tới đâu rồi thưa anh?

- Hiện tại, đoàn phim đã quay xong bộ phim thứ ba. Tôi cũng đã chọn xong 6 địa danh cũng như mời 6 diễn viên thể hiện trong 6 bộ phim, là NSƯT Như Quỳnh, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trương Ngọc Ánh, Hồng Ánh, Ngô Thanh Vân và bé Phương Quỳnh. Tôi rất vui mừng và biết ơn các nghệ sĩ này vì họ nhiệt tình đóng góp cho nghệ thuật mà không hề tính đến chuyện cát sê.

Tháng Năm tới đây tôi sẽ về Canada để lo hậu kỳ cho phim. Sau đó, tôi sẽ về Hà Nội dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tôi rất mong bộ phim Ngọc Viễn Đông sẽ được chiếu vào dịp đó; còn nếu không sẽ được chiếu rạp vào dịp Noel.

* Chỉ với 6 bộ phim ngắn thì e rằng, vẻ đẹp của những người phụ nữ phương Đông khó mà “tỏa sáng” hết được. Tới đây, anh có định tiếp tục hành trình đi tìm “ngọc” nữa hay không?

- Như tôi đã nói, đây chỉ là những bài thơ, khoảnh khắc, những bức tranh tâm lý trừu tượng. Nó làm cho khán giả phải tham gia vào câu chuyện và phải suy nghĩ thật nhiều. Sắp tới tôi có những dự án khác, hợp tác cùng hai nhà văn: Nguyễn Thị Minh Ngọc và Bùi Anh Tấn.

* Về Việt Nam, ngoài hình trình đi tìm “ngọc” phương Đông, anh có quan tâm tới điện ảnh nước nhà hay không? Đạo diễn nào ở trong nước nằm trong mối quan tâm của anh?

- Tôi quan tâm tới đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Anh Chuyên có cách kể chuyện rất hay, hoàn toàn đi ngược với cách kể truyền thống. Ngoài ra còn có đạo diễn Đặng Nhật Minh.

* Quan tâm đến Bùi Thạc Chuyên hẳn nhiên anh không thể bỏ qua bộ phim Chơi vơi?

- Đây là bộ phim mà tôi rất thích. Mặc dù có nhiều người khen và nhiều người chê nhưng đối với tôi đó là một bộ phim hay. Bùi Thạc Chuyên là một đạo diễn có tài, can đảm, đổi mới. Chơi vơi có thể xem là một cuộc cách mạng về hình ảnh. Anh Chuyên dám đi ngược dòng, dám làm ngược với truyền thống. Về phim Chơi vơi, có hay không có thông điệp mà anh ấy muốn gửi nhưng theo tôi để có can đảm đứng ra làm bộ phim như vậy thì đã rất hay rồi!

* Trong tương lai, một bộ phim nhựa dài hơi về Việt Nam có nằm trong kế hoạch của anh không?

- Thánh Gióng là một câu chuyện hay mà hình như mới chỉ có phim hoạt hình. Tôi rất mê và muốn được làm phim về Thánh Gióng. Ở nước ngoài, người ta làm phim về người dơi, người nhện hay những anh hùng của Mỹ rất nhiều. Mình cũng có anh hùng, mình có Thánh Gióng. Tôi nghĩ là trong tương lai, mình có thể chuyển thể Thánh Gióng thành một kịch bản phim và thực hiện nó.

* Cám ơn anh!

Hồ Huy Sơn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm