Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói về phim 16+: Muốn ổn định thì vẫn phải chờ thời gian

29/10/2014 15:05 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - * Theo quan sát của anh, khi điện ảnh bắt đầu phân loại khán giả độ tuổi trên - dưới 16 tuổi, các nhà làm phim đón nhận thế nào?

- Về nội dung, sẽ thoải mái hơn trong quá trình sáng tác. Những vấn đề của người trưởng thành sẽ được đề cập sâu hơn, trực tiếp hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện tại việc phân loại khán giả dường như có ý nghĩa ở hình thức thể hiện hơn là nội dung. Nghĩa là các nhà làm phim sẽ thoải mái hơn khi dùng những cảnh sex hay bạo lực hơn mà không lo bị cắt.

* Hiện nay có khá nhiều nhà sản xuất tận dụng tối đa mác 16+ để PR cho bộ phim của mình. Anh đánh giá thế nào về điều này?

- Điều này thì dân mình giỏi, cơ hội và tận dụng các khía cạnh để trục lợi là một lối nghĩ hết sức nguy hiểm. Tôi nghĩ họ không chỉ tận dụng mác 16+ mà còn ăn theo cả những vấn đề đau lòng của xã hội khiến nhiều người có chút lương tri phải cúi mặt. Nhưng không thể trách họ được, xã hội nào thì con người ấy. Rồi mọi thứ sẽ khác, nhưng vẫn vậy, cần có thời gian.

* Theo anh với tình hình phát triển của điện ảnh hiện nay, cần bộ phân loại khán giả chi tiết đến độ tuổi nào là hợp lý?

- Điện ảnh Việt với số lượng phim ít ỏi, lại rất ít những phim nhạy cảm không phải là vấn đề. Việc phân loại khán giả ngày càng cần thiết đối với những phim nhập khẩu. Tôi nghĩ phân loại càng chi tiết thì càng dễ cho những nhà phát hành, họ có thể nhập những phim nhạy cảm hơn không chỉ về hình thức mà còn là nội dung nữa. Chúng ta không phải ở trong một đất nước Hồi giáo hay trong một hình thái xã hội kiểu Triều Tiên, trong một tương lai gần việc cấp nhãn phân loại phim sẽ thay thế hệ thống kiểm duyệt. Vấn đề cuối cùng vẫn là thời gian.

Phân loại tuổi ư? Chúng tôi ủng hộ!

Đạo diễn Cường Ngô: “Trên poster phim xuất hiện các nhãn phân loại độ tuổi là điều rất tốt, vì thế giới đã làm lâu rồi, giờ Việt Nam áp dụng theo, lẽ đương nhiên. Điều này sẽ giúp người làm phim xác định “gu” phim và giới hạn độ tuổi người xem ngay từ đầu, để câu chuyện phim được diễn ra đúng bản chất và thể loại của nó. Cũng nên lưu ý rằng, giới trẻ Việt Nam hiện nay gắn liền với Internet, nơi mà loại phim nào họ cũng có thể xem được, cho nên việc dán nhãn chỉ có ý nghĩa nhiều về việc minh bạch và thượng tôn pháp luật, chứ không phải là rào cản tuyệt đối”.

Đạo diễn Đỗ Thành An: “Mới nhìn thì việc dán nhãn sẽ khiến bất lợi về doanh thu, có thể gây tổn thất chừng 20%. Thế nhưng, nếu biết PR theo kiểu dán nhãn ngay từ đầu thì sẽ lấy lại được 20% đó từ đối tượng khán giả khác. Tôi ủng hộ việc phân loại phim nhiều cấp độ, điều này sẽ cho đạo diễn nhiều cơ hội sáng tạo hơn, xóa bỏ bớt nỗi lo bị cấm làm, cấm chiếu”.

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn: “Tôi chưa được đọc bảng tiêu chí phân loại để dán nhãn của Cục Điện ảnh, nhưng có thể hình dung khi công bố, về mặt kỹ thuật thì vẫn còn tranh luận, do Việt Nam chưa có kinh nghiệm, giữa bên phân loại và người nhận phân loại chưa hiểu nhau. Tôi mong muốn và ủng hộ một bộ tiêu chí dán nhãn khoa học, rành mạch… để nền điện ảnh Việt Nam thêm đa dạng, phát triển”.

Văn Bảy (thực hiện)

Ngọc Diệp (ghi)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm