‘Đám cưới chuột’ phiên bản rock

26/01/2020 08:00 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Trên đời này không có gì là không thể, ví như một đám cưới chuột nổi tiếng từ hàng trăm năm nay trong tranh dân gian Đông Hồ đặc sắc của dân tộc bỗng đâu lại “kết duyên” với rock, một loại nhạc đầy kích động đến từ nửa bên kia bán cầu. Ấy thế mà có khá nhiều điều thú vị cho thấy hiệu quả của việc khai thác yếu tố bản địa, yếu tố truyền thống vào trong nghệ thuật đương đại.

Rocker  10 tuổi “phiêu” với “Đám cưới chuột”

Rocker 10 tuổi “phiêu” với “Đám cưới chuột”

Cậu bé 10 tuổi Cao Hà Đức Anh đã suýt không được vào bán kết vì bị GK Huy Tuấn kịch liệt phản đối trong vòng lựa chọn đã chứng tỏ khả năng của mình với ca khúc rock Đám cưới chuột

1. ŒTranh dân gian vốn chẳng thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt. Còn nhớ những năm thập niên 80-90 thế kỷ trước, nhà nào chưa có đôi bức tranh Ông cá chép dán hai bên bàn thờ gia tiên hoặc vị trí trang trọng nhất trong nhà từ ngày Tết ông Táo, thì nhà đó Tết chưa đến, Xuân còn nhạt lắm. Ngoài ra còn nhiều những bức tranh rực rỡ sắc màu khác trang trí khắp nơi.

Nội dung những bức tranh vốn hết sức đa dạng đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ ở những nghệ thuật khác để rồi, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật phái sinh độc đáo. Ví như nghệ thuật múa có những tác phẩm múa dân gian Hứng dừa, Đánh ghen… đã trở nên quen thuộc với công chúng. So với những bức tranh cùng thể loại thì Đám cưới chuột tương đối phức tạp khi muốn “chuyển thể” sang một loại hình nghệ thuật biểu diễn, bởi lẽ, những bức tranh dân gian được “chuyển thể” thường là tương đối đơn giản, chỉ xuất hiện vài ba nhân vật, nội dung chủ đề tập trung vào một khía cạnh cụ thể. Trong khi đó, Đám cưới chuột là một tác phẩm với nhiều nhân vật, nội dung đề cập tới đám cưới, tức là một nghi lễ mà trong đó đã bao hàm cả đời sống người Việt.

Vậy mà cuối cùng Đám cưới chuột đã được khai thác và trở thành những tác phẩm âm nhạc riêng biệt hoặc kết hợp với múa có quy mô lớn, tương đối độc đáo.

Chú thích ảnh
Từ “Đám cưới chuột” của tranh Đông Hồ...

 2. Đám cưới chuột hay ở chỗ nó là tác phẩm đề cập tới vấn đề xã hội ở khía cạnh vừa hài hước, vừa châm biếm sâu xa. Đám rước dâu với đầy đủ bầu đoàn của họ hàng bên đằng trai đi đón cô dâu chuột. Nhưng để đám rước không gặp trở ngại, thì đoàn rước phải chuẩn bị sẵn nào cá, nào chim đi ngay đầu đoàn để mèo nhìn thấy vật phẩm cống nạp. Đám cưới chuột cho thấy được phần nào bộ mặt của xã hội phong kiến xưa. Câu chuyện đó ít nhiều cho tới ngày hôm nay vẫn còn giá trị thực tiễn.

Nhưng để gây niềm hứng khởi vào trong tác phẩm âm nhạc, tôi vẫn nghĩ, Đám cưới chuột chỉ phù hợp với một tác phẩm khí nhạc có khuôn khổ lớn. Cho nên cách nay hơn 10 năm khi nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tĩnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh sáng tác tác phẩm âm nhạc không lời cho dàn nhạc dân tộc cổ truyền, được dàn dựng công diễn có cả một đoàn múa minh họa tôi đã rất chú ý. Bởi, nó là tác phẩm phái sinh từ bức tranh dân gian Đám cưới chuột. Vì thế, tôi đã từ Hà Nội sang Bắc Ninh để dự buổi công diễn.

Song với Đám cưới chuột phiên bản rock, khi tiếp cận tôi mới thực sự cảm thấy bất ngờ...

Chú thích ảnh
...đến rock “Đám cưới chuột”

3. Quãng năm 2005- 2006 khi tôi còn phụ trách Ban Biên tập Băng đĩa của Nhà xuất bản Âm nhạc thì nhóm nhạc rock Gạt Tàn Đầy mang bộ bản thảo, bản thu âm demo tới để hợp tác xuất bản đĩa nhạc của nhóm. Công việc này sau đó được giao cho nhà lý luận âm nhạc, nhạc sĩ Cù Minh Nhật phụ trách.

Không lâu sau khi được giao, Cù Minh Nhật đã gặp tôi với vẻ mặt đầy hứng khởi. Anh đã khen ý tưởng nội dung, cách thể hiện và đặc biệt là chất rock của Gạt Tàn Đầy mà theo anh, nó giống như một thứ có thể được gọi là “Việt hóa” rock hay nói ngắn gọn hơn là rock Việt. Trong số những bài của album, Cù Minh Nhật đặc biệt thích thú với Đám cưới chuột. Tuy nhiên nhạc sĩ băn khoăn ở một vài chi tiết, nếu cắt bớt đi, nếu thay thế thì nội dung sẽ sáng hơn, âm nhạc sẽ khúc thức hơn nhưng nghệ sĩ vốn cá tính, nhất lại là nghệ sĩ ở dòng nhạc được coi là cá tính nhất, liệu nhóm tác giả có cảm thấy không thoải mái khi đón nhận sự trao đổi thẳng thắn, dù mục đích chỉ là để cho tác phẩm trở nên hoàn thiện hơn, chất lượng hơn?

Sau đó, bản Đám cưới chuột đã đến với công chúng qua đĩa nhạc trong album cùng tên. Sau này, qua chương trình Bài hát Việt của VTV, Đám cưới chuột càng trở nên phổ biến.

Chú thích ảnh
Ban nhạc Gạt Tàn Đầy biểu diễn “Đám cưới chuột” trong chương trình “Bài hát Việt"

4. Tất nhiên, mọi sự góp ý chỉ là thứ yếu, một tác phẩm nghệ thuật đến được với công chúng tự khắc nó phải có giá trị, phải hay và ẩn chứa những thú vị trong nghệ thuật. Đám cưới chuột đã hội đủ điều đó. Có thể coi là phái sinh của bức tranh dân gian Đông Hồ, nhưng Đám cưới chuột phiên bản nhạc rock có nhiều điểm lạ.

Độc đáo nhất có lẽ là thủ pháp thậm xưng. Ngay đầu bài hát, “Ai mang cá đến cho con mèo hoang tàn ác”, vẫn là sự cống nạp nhưng tác giả đã nói quá lên con mèo thành mèo hoang. Và tác giả cũng đã sử dụng hình ảnh chuột nhắt ở ngay đầu sau đó mới là cô chuột đồng. Chính thủ pháp này đã tạo nên sự tương phản rõ rệt. Ngay cả cách dùng từ “con” chứ không phải “ông” gắn với “mèo hoang”, và từ “anh/chị” để gắn với “chuột nhắt/chuột đồng” cũng có ý tứ và thông điệp riêng của nó.

Quan trọng hơn nữa, nghèo nhưng có cộng đồng, có người thân như hình ảnh đoàn chuột rước dâu tưng bừng kia còn hạnh phúc gấp ngàn lần kẻ mạnh, nhưng tham lam vô độ để rồi cuối cùng chỉ biết than trách “Một mình ta cô đơn chốn góc hang”. Vậy giàu có, quyền lực rồi cũng để làm gì?!

5. Ngoài nội dung được lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đám cưới chuột thì chất Việt trong bài rock này còn ở nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn như ngay phần mở đầu chỉ sử dụng tiết tấu gõ cùng âm hưởng giống như kèn môi sau đó mới bùng nổ khi có sự tham gia của toàn bộ ban nhạc cùng giọng hát đã tạo sự độc đáo, sự gần gũi với truyền thống, khiến người nghe cảm nhận ngay được chất Việt ở đó.

Hay Đinh Tiến Đạt, ca sĩ hát chính của Gạt Tàn Đầy sở hữu chất giọng kim, hát tự nhiên và đầy chất lửa khiến người nghe dễ cảm nhận được tinh thần của những người đàn ông làng quê Bắc bộ tràn đầy nhiệt huyết nhưng cũng không ngại ngần chìm vào những cơn say mềm mỗi ngày làng quê họ hàng tổ chức hội hè hay đám cưới…

Chính vì vậy, trong bản thân Đám cưới chuột phiên bản rock chứa hai đám cưới. Một là đám cưới chuột mà câu chuyện đã hiện lên trong phần ca từ và một đám cưới còn lại là đám cưới Đông - Tây. Đó là sự kết duyên giữa yếu tố dân gian truyền thống dân tộc Việt với rock của âm nhạc phương Tây & Mỹ.

6. Dù đã ra đời tới nay chừng 14 năm nhưng bài rock Đám cưới chuột của nhóm rock Gạt Tàn Đầy vẫn là một bài độc đáo của làng rock Việt, đáng nghe đối với công chúng. Mặt khác, đây cũng là một trong những thành công khẳng định việc khai thác yếu tố bản địa, yếu tố truyền thống vào các giá trị nghệ thuật, âm nhạc mới được du nhập từ nước ngoài vào là một cách để Việt hóa tốt nhất. Nó đặc biệt cần trong giai đoạn thế giới hội nhập ở cả thế giới thực và không gian ảo của thời 4.0.

N.Q.Long
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm