Ca khúc 'Sealed With A Kiss': Những cover hay hơn bản gốc

06/10/2018 07:00 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Trong số những tình khúc được gắn mác “vượt thời gian”, Sealed With A Kiss là đại diện tiêu biểu nhất cho mảng đề tài tình yêu học trò. Hay nhiều người thích gọi nó là “tình khúc mùa Hè”.

Nếu nói một ca khúc đẹp là khi nó tồn tại trong tâm thức người nghe và luôn sẵn sàng để được trở lại cùng những kỷ niệm, thì Sealed With A Kiss mang đúng vẻ đẹp ấy.

Vàca khúc này cũng là minh chứng hoàn hảo cho câu chuyện “cover hay hơn bản gốc”. Rất nhiều ca sĩ đã thành công với ca khúc này, chỉ trừ những giọng ca đầu tiên.

Hát lại vì bản gốc quá… dở

Không hề có một câu chuyện cảm hứng, hay “chất xúc tác” gì cho sự ra đời của Sealed With A Kiss. Đơn giản vì 2 vị “cha đẻ” của nó là những nhạc sĩ thuần thục.

Sealed With A Kiss được sáng tác ở thời kỳ đỉnh cao của bộ đôi nhạc sĩ Peter Udell và Gary Geld. Hành trình viết nhạc của bộ đôi này bắt đầu từ những năm 1960 và trải dài với hơn 100 sáng tác.

Chú thích ảnh
Ca sĩ Brian Hyland đã có công lớn cho thành công của “Sealed With A Kiss”

Trong đó Sealed With A Kiss thuộc nhóm những sáng tác đầu tiên và cũng là thành công nhất. Nó được viết vào năm 1960 gần như chỉ sau một bài tập luyện ngón của Gary Geld và đến tai công chúng lần đầu qua giọng hát của nhóm Four Voices.

Phong cách của Four Voices gần như tương tự bộ tứ ăn khách cùng thời The Brothers Four, họ chú trọng vào bè phối và lối nhả chữ chỉn chu mực thước. Song cũng chính vì thế Sealed With A Kiss vốn đã chậm rãi qua giọng hát của Four Voices lại càng trở nên lê thê và có phần vô hồn. Cùng với đó việc lạm dụng bè phối cũng tạo cho bản thu đầu tiên này những chỗ thêm thắt hơi “chướng tai” chẳng có tác dụng gì ngoài… thể hiện.

2 năm sau, Four Voices tan rã cũng là lúc Sealed With A Kiss trở lại khi Brian Hyland, một tên tuổi của thể loại pop những năm 1950 - 1960 “cảm nắng” ca khúc này đồng thời nhìn thấy những khiếm khuyết “khó đỡ” của bản gốc.

“Nặng nề và chẳng có tí sức sống nào, nó không thành hit cũng đúng. Tôi đặt vấn đề với hai nhạc sĩ là hãy để tôi hát lại” - Brian Hyland tâm sự trong cuốn .1000 UK #1 Hits (tạm dịch: 1.000 bản hit đứng đầu BXH Vương quốc Anh), của Jon Kutner và Spencer Leigh. Trước đó, Brian Hyland cũng từng có hit nhờ bộ đôi Peter Udell và Gare Geld là Let Me Belong To You.

Nói là làm, Brian Hyland huy động một ban nhạc mà anh cho là “chuẩn” để phục vụ dự án này trong đó tác giả Gary Geld giữ vị trí chơi piano. Để thêm phần “kịch tính”, Brian quyết định bổ sung thêm kèn harmonica với nhạc công Blackie Shackner.

Thành công của Sealed With A Kiss đã giúp nối dài chuỗi thành tích của Brian Hyland trên bảng xếp hạng. Ca khúc cùng đứng vị trí thứ 3 ở cả BXH Anh và Mỹ, liên tục được phát trên đài phát thanh đặc biệt vào các mùa Hè.

Chú thích ảnh
Ca sĩ Jason Donovan, người có bản cover nổi tiếng nhất ở thị trường châu Á

Giọng hát tình cảm, bản phối nhịp nhàng phát huy tối đa chất hoài niệm cùng ca từ đơn giản mộc mạc về nỗi buồn chia ly mùa Hè, phiên bản của Brian Hyland được đón nhận đặc biệt với giới nghe nhạc tuổi teen.Sức lan tỏa của nó cũng khiến hình ảnh “sealed with a kiss” (dán bức thư bằng nụ hôn) trở thành biểu tượng.

Sealed With A Kiss cũng là bản hit có thành tích tốt thứ hai trong sự nghiệp của Brian Hyland chỉ sau ca khúc có tiêu đề dài ngoằng Itsy Bitsy Teenie Weenie Yellow Polka-Dot Bikini. Sau thành tích này, Brian Hyland tiếp tục hợp tác với hai nhạc sĩ Peter Udell và Gary Geld trong nhiều sản phẩm về sau nhưng không để lại dấu ấn đáng kể như Sealed With A Kiss.

Song trên thực tế thì con đường thành công này của Sealed With A Kiss quả thật nằm ngoài sức tưởng tượng của nhạc sĩ Gary Geld. Vốn sáng tác khi tập bài luyện ngón dựa trên tác phẩm của Bach, Gary nghĩ ca khúc khi hát lên sẽ mang hơi hướm cổ điển thính phòng, hay nói cách khác thì đúng như cách mà Four Voices đã thể hiện.

Hàng trăm bản cover

Brian Hyland đã “lột xác” bản gốc của Sealed With A Kiss, vậy anh nghĩ gì về những ca sĩ đi sau tiếp tục làm mới dựa trên phiên bản F1 của anh.

“Tôi không lấy gì làm phiền lắm. Cậu ấy đã làm đúng” -đây là lời nhận xét của Brian Hyland dành cho phiên bản của Jason Donavon. Đây là phiên bản duy nhất Brian Hyland công khai nhận xét.

Sealed With A Kiss là ca khúc thứ 3 nằm trong album ra mắt của Jason Donavon ra mắt năm 1989. Được đẩy nhanh tiết tấu, với hòa âm dày dặn và khỏe khoắn hơn so với bản cũ nhưng giọng hát của Jason thì vẫn ẩn chứa những nức nở.

Để có được Sealed With A Kiss trong album đầu tay, Jason Donavon đã phải gạt sang một bên 3 ca khúc do chính mình sáng tác. Một sự đánh đổi khá xứng đáng bởi Sealed With A Kiss đã mang về cho Jason Donovan thứ hạng quán quân tại BXH Anh. Phiên bản của anh qua nhiều cuộc khảo sát cũng cho thấy độ phổ biến hàng đầu ở thị trường châu Á.

Đối lập với sắc thái của Jason Donovan là phiên bản mong manh da diếtcủa giọng ca nữ người Trung Quốc Yao Si Ting.

Tính đến nay đã có hàng trăm bản cover Sealed With A Kiss, trong đó nổi bật nhất là bản của Gary Lewis, nhóm The Toys, hay phiên bản của Bobby Vinton còn sáng tạo với việc sử dụng trống bongo ngay đoạn mở đầu.

Tại Việt Nam, Sealed With A Kiss có tới 2 phiên bản “Việt hóa” của tác giả Trường Hải (Hạ vàng biển xanh) và Trường Kỳ (Tình yêu trong đời).

“Nặng nề và chẳng có tí sức sống nào, nó không thành hit cũng đúng. Tôi đặt vấn đề với hai nhạc sĩ là hãy để tôi hát lại”- ca sĩ Brian Hyland

Lập “hat-trick” tại Pháp

Sealed With A Kiss đã được viết lời với rất nhiều thứ tiếng, như Nhật, Italy, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha… Trong đó, phiên bản tiếng Pháp với tên Derniers Baisers (Những nụ hôn cuối cùng) trở thành một trong những ca khúc hiếm hoi ba lần lập kỷ lục doanh số trên thị trường nước này.

Derniers Baisers do nhạc sĩ người Pháp Pierre Saka, người nổi tiếng với biệt tài đặt lời cho bài hát nước ngoài, chắp bút. Ban nhạc Les Chats Sauvages với giọng ca chính Mike Shannon là những người đầu tiên thu âm ca khúc này, đạt doanh số kỷ lục vào năm 1963 với hơn 2 triệu bản bán ra.

Tiếp tục, đến năm 1986 nữ nghệ sĩ C. Jérôme xác lập kỷ lục bán ra trong năm lần thứ hai với phiên bản pop ballad. Và gần đây nhất, năm 2006 Laurent Voulzy dẫn đầu thị trường khi làm mới hoàn toàn bằng bản phối theo tiết tấu bossa nova.

Hà My

Ca khúc 'I Don’t Want To Miss A Thing': Đỉnh cao chỉ đến một lần

Ca khúc 'I Don’t Want To Miss A Thing': Đỉnh cao chỉ đến một lần

Thành công của I Don’t Want To Miss A Thing giúp Aerosmith kéo dài đủ thứ, từ một tour diễn đang ở ngưỡng èo uột đến rộng hơn là hàng chục năm sự nghiệp. Nhưng ban nhạc rock xuất sắc nhất nước Mỹ này lại chưa một lần tái lập được thành tích của I Don’t Want To Miss A Thing trên BXH.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm