Ca khúc 'I Walk The Line': Johnny Cash - Tiếng hát của lòng đất triệu năm

30/05/2021 19:11 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Với nhiều người, có một chất giọng được coi là biểu trưng cho dòng nhạc đồng quê Mỹ và chất giọng đó thuộc về Johnny Cash. Trong gần 50 đã biểu diễn và ghi âm rất thường xuyên, một làn sóng mới những người yêu nhạc trẻ lại phát hiện ra Cash thật tuyệt vời làm sao - điều vốn không có gì xa lạ với những người đã nghe ông từ thập niên 1950.

Phát hành album hiếm của Johnny Cash

Phát hành album hiếm của Johnny Cash

Vào ngày 25/3/2014, Tổ chức quản lý di sản Johnny Cash sẽ phát hành album chưa hề được công bố trước đây của ông.

Hit lớn đầu tiên của Johnny Cash xuất hiện vào năm 1956. I Walk The Line (Thẳng đường mà đi) rạng danh trên cả BXH đồng quê lẫn pop. Nhưng quan trọng hơn, ca khúc đã tạo dựng nên giọng hát và cá tính định hình lịch sử của Cash, đồng thời tạo ảnh hưởng lên cuộc đời của nhiều nhạc sĩ trẻ.

Tới từ lòng trái đất

Tuổi thơ của Johnny Cash bình yên ở Dyess, Arkansas (Mỹ) hồi thập niên 1930. Thời đó, cha mẹ ông - những nông dân trồng bông -thường giữ cho những khúc gỗ mại châu xanh âm ỉ cháy ngày đêm trong nhà xông khói. Trong cuốn hồi ký của mình, Cash nhớ lại: “Hương khói mại châu là một ký ức nữa đã ăn sâu vào xương tủy tôi”. Và làn khói đó dường như cũng đi sâu vào chất giọng của ông. Nhưng nếu nhờ các nhạc sĩ đồng nghiệp miêu tả “chất giọng” đó, họ sẽ tìm tới những thứ vĩ đại hơn: “Chất giọng của sự thật, của trí tuệ, của sấm sét, của Mỹ, một thứ gì đó cổ xưa, không tuổi, tới từ lòng của trái đất”.

“Giọng của Johnny Cash, mọi người biết đấy, nếu núi Rushmore có thể mở miệng - bất cứ tượng điêu khắc nào trên núi Rushmore có thể mở miệng và hát - thì âm thanh sẽ giống như thế” - nhạc sĩ Rodney Crowell cảm thán. Crowell là nhạc sĩ được kính trọng bậc nhất ở Nashville và từng kết hôn với Rosanne Cash, con gái Johnny Cash. Nhưng mối liên hệ của ông với Cash đi xa hơn thế nhiều.

Chú thích ảnh
Bìa đĩa đơn giản của “I Walk The Line”

Crowell nhớ lần đầu tiên nghe I Walk The Line là lúc ngồi ở ghế sau chiếc xe bố mượn để đi câu, khi mới 5 tuổi. Ca khúc đã khiến cậu bé 5 tuổi khi đó mờ mắt đi và sau này, chỉ có thể miêu tả trải nghiệm đó là “thế giới bên kia”.

“Khi lớn lên, tôi thật sự suy ngẫm xem ca khúc đó có thể bắt nguồn từ đâu? Tôi không thể tìm thấy trong nhạc của Roy Acuff hay Jimmie Rodgers dù nó cùng từ nền nhạc đồng quê. Tuy nhiên, ca khúc này lại giống jazz nữa. Nó như Charlie Parker phiên bản người đàn ông da trắng miền Nam”.

Các hợp âm của I Walk The Line khá kỳ lạ khi thay đổi, đi lên rồi đi xuống. Mà đó là vào những năm 1950, thời trước Bob Dylan. Crowell luôn kinh ngạc trước điều này và do đó, luôn mở to mắt mọi lúc có thể để dõi theo Cash, chứng kiến những đỉnh cao mà ông vươn tới.

Khởi đầu một huyền thoại

Nếu đọc đủ nhiều các bài báo, các cuộc phỏng vấn hay dòng ghi chú, người hâm mộ có thể lờ mờ chắp nối để ra câu chuyện về những gì đã truyền cảm hứng cho I Walk The Line, nhưng Johnny Cash là bậc thầy về kể chuyện. Ngay cả người bạn thân Kris Kristofferson cũng nói ông nửa thật, nửa hư cấu.

Tiếng ngâm nga ở đầu mỗi phiên khúc? Cash nói mình nhặt được nó đâu đó từ Hollingsworth, một bác sĩ ở quê ông, người lúc nào cũng ngân nga. Rồi về ca từ “Tôi luôn luôn mở to mắt” thì Cash tiết lộ là dựa vào lời khuyên từ khóa học kinh doanh của Dale Carnegie. Giai điệu ư? Chà, trong cuốn tự truyện của mình, Johnny Cash giải thích rằng khi ông ở trong lực lượng không quân ở Đức, ông đặt một cuộn băng vào máy ghi âm và nghe thấy “một chiếc máy bay không người lái với những hợp âm thanh đôi kỳ lạ đầy ám ảnh, thứ gì đó nghe như âm nhạc nhà thờ ma quái”. Hóa ra đó là một bản ghi âm của ban nhạc của ông, Landsberg Barbarians, nhưng bị phát ngược.

Chú thích ảnh
Johnny Cash bên trong nhà tù Folsom, chuẩn bị biểu diễn buổi thứ tư cho tù nhân ở đây

Nhưng theo Rodney Crowell: “Một lần khác, tôi đã tới nói chuyện với Johnny. Chúng tôi nói về thời ông ở trong quân đội - ông thuộc Lực lượng Không quân. Và công việc của ông ở Lực lượng Không quân là ngồi bên tai nghe, cố nhặt nhạnh, tôi nghĩ, là mã morse của Đức. Mọi người hiểu cảm giác khi mã morse chạy qua tai nghe suốt 8 tiếng làm việc đấy. Tôi nói: Này, tôi thấy như đó là nơi giai điệu của ông sinh ra. Và ông ấy đáp: Rõ ràng. Ông nói: Khi tôi bắt đầu viết nhạc, tôi thường giữ một cuốn sổ nhỏ và ghi chép mọi thứ quanh mình với mã morse chạy qua đầu”.

Xuất ngũ, Cash trở thành nhân viên bán thiết bị tận nhà nhưng tình yêu âm nhạc không bao giờ gián đoạn. Ông thu âm vài đĩa đơn với nhà sản xuất nhạc phúc âm Sam Phillips. Và không lâu sau đó, ông trở thành người hát mở màn cho Elvis Presley 20 tuổi, người đang trên đà trở thành… Elvis. Bất cứ nơi nào Elvis tới, các cô nàng đáng yêu đều chạy theo. Cash khi đó 23 tuổi và đã cưới vợ đầu, Vivian Liberto.

Trong chuyến lưu diễn, Cash vấp phải vô vàn cám dỗ và điều đó khiến ông viết I Walk The Line như một tuyên ngôn về lòng chung thủy, rằng dù thế nào thì vì cô gái, chàng trai cũng thẳng đường mà đi, không xao lòng dù vì bất cứ điều gì.“Ca khúc như một lời nhắc nhở với bản thân tôi: Thẳng thớm nào, Johnny” - Cash nói về I Walk The Line.

Ban đầu, Cash chơi với tốc độ chậm nhưng Sam Phillips lại muốn tăng tốc. Ông còn nhét cả giấy vào thùng đàn để tạo nên tiếng nhiễu. Dù vậy, khi nghe ca khúc trên đài phát thanh, Cash không thích nó và gọi cho Phillips xin đừng gửi bản thu đi nữa. “Hãy cho nó một cơ hội” - Phillips trả lời. Và chỉ với vài ngày cơ hội, I Walk The Line đã kịp thành hit toàn quốc.

Nghịch lý thú vị là thành công khiến Cash càng khó mà sống như chàng trai trong ca khúc: “Cậu trai quê trong tôi cố gắng thoát khỏi vòng vây và trở lại với đồng quê, nhưng âm nhạc mạnh hơn. Sự cám dỗ của phụ nữ, những cô gái tôi thích, rồi thuốc kích thích ít lâu sau đó”.

Cuộc đấu tranh chống lại mặt tối của Cash giờ đã trở thành huyền thoại, nhưng xem ra nó không khiến ông mất đi người hâm mộ nào. Ngược lại, còn được coi là một nét quyến rũ riêng có, như Crowell nói: “Johny Cash là sự kết hợp tuyệt vời của một tối thứ Bảy và sáng Chủ nhật, tất cả hòa làm một”. Và cả 2 mặt này, nếu nghe kỹ, sẽ thấy đều có ở I Walk The Line.

Từ I Walk The Line, bừng nở ra ở Cash những cuộc đấu tranh với ác quỷ - của những người say rượu, kẻ giết người, hay kiểu không trung thực - nhưng không bao giờ bị quỷ ám. Đôi khi nó khiến Cash xa lạ với những khán giả đồng quê vốn quen với sự an toàn, không khó chịu. Dù vậy, Cash không bao giờ cúi đầu. Ông làm nhạc mình thích. I Walk The Line, từ một tình khúc về chung thủy, trở thành phương châm sống dũng cảm, không lùi bước của Cash.

Cash, tới cuối cùng, là một tâm hồn sâu sắc và cao thượng, nhưng cũng là một người đàn ông mà không ai muốn gây chuyện, một người sống ở cả 2 phía. Trên thực tế, ngôi nhà mà Johnny Cash lớn lên ở Arkansas nằm ngay bên cạnh đường ray. Khó có một ẩn dụ nào tốt hơn thế.

Ca khúc "I Walk The Line" của Johnny Cash:

Ca khúc đồng quê vĩ đại nhất mọi thời đại

I Walk The Line phát hành dưới dạng đĩa đơn năm 1956, thuộc album Johnny Cash With His Hot And Blue Guitar!. Đây là hit No.1 BXH Đồng quê Billboard đầu tiên của Cash và thứ 17 trên BXH Pop. Ca khúc trụ hạng suốt 43 tuần, bán được hơn 2 triệu bản. Đông đảo nghệ sĩ lừng danh thuộc nhiều thế hệ đã ghi âm lại I Walk The Line như The Carter Sisters, Dolly Parton, Glen Campbell hay Halsey.

Ca khúc được đưa vào danh sách 500 ca khúc định hình rock and roll của Đại sảnh Danh vọng rock and roll. Năm 2004, tạp chí Rolling Stone xếp I Walk The Line đứng thứ 30 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại và No.1 trong danh sách 100 ca khúc đồng quê vĩ đại nhất mọi thời đại vào tháng 6/2014.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm