Ca khúc 'Creep' của Radiohead: Niềm vui trong nỗi buồn 'quy hồi vĩnh cửu'

16/01/2022 06:49 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - “Thánh ca” Creep rõ ràng là hit lớn nhất của Radiohead nhưng nó cũng là niềm đau lặp lại vô tận với ban nhạc. Với vô số kiệt tác tạo ra trong gần 40 năm sự nghiệp, việc một ca khúc cũ (mà chính họ chẳng ưa) lại vẫn là tâm điểm của mọi người, phải chăng là một hiện tượng “quy hồi vĩnh cửu”?

Radiohead có album hay nhất trong của ¼ thế kỷ qua

Radiohead có album hay nhất trong của ¼ thế kỷ qua

Đĩa CD OK Computer của ban nhạc alternative rock Anh Radiohead đã được độc giả tạp chí Q bình chọn là album vĩ đại nhất trong ¼ thế kỷ qua và như vậy đã “vượt mặt” các album của ban nhạc Nirvana và Oasis.

Từ thời cổ đại, khái niệm về “quy hồi vĩnh cửu” đã được nhắc tới. Đó là lý thuyết về sự lặp đi lặp lại vô tận cùng một sự việc.

Khi ca khúc được tái phát hành vào năm 1993, nó đã “phóng” ban nhạc từ những nghệ sĩ ít được biết tới thành một phần nổi bật của nền nhạc alternative ở Anh, là “one-hit-wonder” (một hit để đời). Trần Anh Hùng, khi làm phim Xích lô với bối cảnh ở Việt Nam cùng khoảng thời gian đó, cũng đã chọn Creep làm nền cho phân cảnh nội tâm biến đổi của nhân vật Lộc (Lương Triều Vĩ đóng).

One-hit-wonder

Tất nhiên, cùng với thời gian, Radiohead đã chứng minh rằng họ có thể là bất cứ gì trừ “one-hit-wonder”, nhưng ở thời điểm đó, nhóm đã vấp phải thái độ thù địch từ chính giới underground khi phiên bản đài phát thanh được sửa đổi cho thuần tai hơn. Đó là trường hợp giống như Basket Case của Greenday, xuất hiện sau đó ít lâu.

Creep trở thành hit underground của nhóm ở Mỹ, nơi nó vang lên trong khu ký túc xá của sinh viên ở California lẫn trên đài phát thanh ở San Francisco. Phiên bản kiểm duyệt càng giúp nó được phổ biến, trở thành “thánh ca” alt-rock ở Mỹ.

Chú thích ảnh
Bìa gốc đĩa đơn “Creep”, phát hành năm 1992

Nhưng chỉ trong vài năm lưu diễn tiếp theo, ban nhạc bắt đầu mất kiên nhẫn với ca khúc cũng như kiểu khán giả kéo tới buổi hòa nhạc. “Chúng tôi thường sống hết lần này tới lần khác 4 phút rưỡi của đời mình. Đó là điều vô cùng đáng kinh ngạc” -guitar chính Johnny Greenwood nói về những chuyến lưu diễn đầu tiên, thậm chí nhớ lại cách khán giả sẽ hét lên “Creep” rồi rời đi ngay lập tức khi ca khúc kết thúc.

Khi Radiohead làm album tiếp theo, hãng đĩa và khán giả đều mong một đĩa đơn dạng Creep. Đáp lại, họ hát trong ca khúc My Iron Lung: “Đây là ca khúc mới của chúng tôi/ cũng giống như bài trước/ một sự lãng phí thời gian”. Ấy vậy mà họ vẫn không được buông tha. “Mọi người định hình phạm vi cảm xúc của chúng tôi với một ca khúc, Creep. Tôi đọc bài đánh giá My Iron Lung, nói rằng nó giống như Creep. Khi phải đối diện với những chuyện như vậy, chúng tôi chỉ muốn nói: Cút đi. Lũ người này sẽ không bao giờ chịu lắng nghe” - Thom Yorke tức giận nhớ lại.

Tới chuỗi ngày quảng bá album thứ 3 Ok Computer (1997) - trong khi Creep thuộc album ra mắt - thì Yorke đã tỏ thái độ ra mặt khi bị hỏi về Creep và từ chối diễn nó.

Một đêm ở Montreal, chuyện leo thang tới mức Yorke hét vào mặt khán giả: “Khốn kiếp, chúng tôi chán nó lắm rồi”. Sau màn diễn ngẫu hứng Creep vào năm 2001 khi sự cố thiết bị khiến một ca khúc khác bị dừng lại, khán giả không còn được nghe “đứa con ghẻ” này trong nhiều năm nữa.

Giai điệu bệ phóng của Radiohead, “Creep”:

Quy hồi vĩnh cửu

Ca khúc Creep được Thom Yorke viết thời đang học Đại học Exeter, ở nửa sau thập niên 1980. Theo Greenwood, nó lấy cảm hứng từ một cô gái mà Yorke để ý khi tới một sự kiện của nhóm. Cô gái ấy trong mắt Yorke giống như một thiên thần, một người vô cùng đặc biệt. Thế nhưng, anh lại tự ti rằng mình chỉ là một “creep” (kẻ lập dị). Anh ao ước mình có một thân hình đẹp, một tâm hồn đẹp, cũng đặc biệt như cô. Nhưng anh phải chấp nhận trong đau đớn rằng chẳng thể được như vậy và cô gái đang rời đi.

“Hồi thập niên 1990, tôi loay hoay để trở thành một người đàn ông. Bất cứ người đàn ông nào nhạy cảm hay có lương tâm với người khác giới đều gặp vấn đề. Để khẳng định bản thân một cách nam tính mà không trông giống như mình chơi hard-rock quả là điều khó khăn. Nó phản ánh trong âm nhạc chúng tôi viết, không yếu mềm nhưng cũng không tàn bạo trong sự kiêu ngạo của nó. Đó là một điều tôi luôn nỗ lực: Khẳng định tính đực nhưng ngược lại, cố gắng phủ nhận nó một cách tuyệt vọng”- Yorke chia sẻ.

Dù thế nào, Radiohead ngay từ phút đầu cũng đã ít nhiều khó chịu với Creep. Yorke chẳng ngại nói thẳng rằng anh không hài lòng với ca từ. Anh “thấy nó hơi tào lao”.

Chú thích ảnh
“Creep” từng là nỗi thất vọng không ngừng trở lại với Radiohead

Greenwood cũng chán ghét Creep khi vừa nghe thử. Anh đã tìm cách phá hỏng nó bằng cách chơi guitar gằn tiếng khó nghe. Thế nên, khán giả có thể giật mình khi Yorke đang rền rĩ thất tình thì tiếng guitar bỗng ầm ầm lao tới phá đám.

Không ngờ, chính tiếng guitar chết chóc đó lại thành điểm nhấn. Cả đến khi mang ca khúc đi thu âm, Yorke vẫn còn trêu đùa các nhà sản xuất rằng đây là ca khúc của Scott Walker và họ chỉ cover lại thôi!

Với những ai đã quen thuộc với âm nhạc của Radiohead về sau, thái độ khúm núm và âm thanh bốc lửa quả không phải là đặc trưng của ban nhạc. Nhưng nói gì thì nói, Creep đã ghi nhận đúng thời kỳ điêu tàn hậu Nirvana. Miếng bánh danh tiếng có khi ngọt quá tới mức khó nuốt nhưng phần chia này cũng đã giúp ích cho Radiohead rất nhiều. Chỉ với Creep, họ đã không còn mắc nợ hãng đĩa và do đó, có nhiều quyền tự do hơn trong album tiếp theo, The Bends. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu.

Từ thời cổ đại, khái niệm về “quy hồi vĩnh cửu” đã được nhắc tới. Đó là lý thuyết về sự lặp đi lặp lại vô tận cùng một sự việc. “Điều gì xảy ra, nếu một ngàyhay đêm nào đó, một con quỷ đuổi theo bạn vào chỗ cô đơn nhất của bạn và nói với bạn rằng: Cuộc sống này như bây giờ bạn đang sống và đã sống, bạn sẽ phải sống một lần nữa và vô số lần nữa; và sẽ không có gì mới trong đó, nhưng mọi nỗi đau và mọi niềm vui, mọi suy nghĩ và tiếng thở dài và mọi thứ dù nhỏ hay lớn trong cuộc sống của bạn sẽ phải quay trở lại với bạn, tất cả đều theo cùng một chuỗi và tuần tự - kể cả con nhện này và ánh trăng giữa cây cối, và ngay cả khoảnh khắc này và bản thân tôi. Chiếc đồng hồ cát vĩnh cửu của sự tồn tại bị đảo lộn hết lần này đến lần khác, và bạn cùng với nó, một hạt bụi!” - như Nietzsche viết trong The Gay Science.

Cũng như với Radiohead, mỗi lần họ ra album mới, Creep lại được “quy hồi” lại một lần nữa và với gần nửa thế kỷ trôi qua, chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nhưng cũng như Nietzsche nói, sự tái diễn này nên là một sự thật đáng vui mừng, bởi chính Creep đã đóng vai trò thúc đẩy Radiohead tạo nên những album đầy thử thách như OK Computer hay Kid A, một trong những nền tảng rock đột phá nhất trong nửa thế kỷ qua.

Chúng ta đang lặp lại điều gì? Nỗi đau hay niềm vui? Đó hoàn toàn chỉ là một cách nhìn nhận.

May mắn có ca khúc được toàn cầu yêu thích

Phải sau 8 năm gián đoạn, Radiohead mới bất ngờ biểu diễn lại Creep, đó là ca khúc mở màn cho màn diễn mang tính biểu tượng của họ ở Reading Festival năm 2009. Ca khúc một lần nữa trở lại từ bóng tối trong chuyến lưu diễn quảng bá A Moon Shaped Pool năm 2017 khi một người hâm mộ kiên trì gào tên nó suốt buổi diễn và ban nhạc quyết định chiêu đãi khán giả để “xem phản ứng là gì, chỉ để xem cảm giác đó thế nào”.

Với một sức sống mới, họ lần nữa mang Creep trở lại vào buổi diễn cũng thuộc hàng kinh điển ở Glastonbury Festival cuối năm đó. Sau màn diễn, Ed O’Brien nói: “Thật tuyệt khi chơi vì những lý do chính đáng. Mọi người thích nó và muốn nghe nó. Chúng tôi đã lầm lỗi khi không chơi nó bởi không muốn có cảm giác diễn vì tiền”.

Cũng trong cùng buổi phỏng vấn, Yorke cởi mở: “Cũng có khi khá thú vị nhưng cũng có khi tôi muốn dừng lại giữa chừng bởi cảm giác chuyện này sẽ không xảy ra”. Phải thừa nhận rằng sự hòa giải này đến cùng với tuổi tác. Theo thời gian, Radiohead bắt đầu hiểu rằng họ may mắn thế nào khi có một ca khúc được yêu thích toàn cầu như Creep.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm