Ca khúc 'Autumn Leaves': Mùa thu lá úa... mãi xanh tươi

14/04/2019 19:05 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Autumn Leaves là phiên bản phái sinh của Les Feuilles Mortes - bản tình ca buồn sinh ra để làm nền cho những đổ nát, hoang tàn, những nghi kị, ly tán của nước Pháp hậu Thế chiến II. Đó là sự kết hợp giữa một bên là bậc thầy viết nhạc và người còn lại là thi sĩ siêu thực hàng đầu mà những gì họ để lại đã được hậu thế xếp vào hàng di sản.

Ca khúc 'If I Were A Boy': Phụ nữ nhỏ lệ, đàn ông giật mình

Ca khúc 'If I Were A Boy': Phụ nữ nhỏ lệ, đàn ông giật mình

Không cần "lên gân" bằng những tuyên ngôn đanh thép hay giai điệu hùng hồn (đặc điểm thường thấy ở dòng ca khúc nữ quyền), "If I Were A Boy" đã kể câu chuyện bình đẳng giới theo cách cực nhẹ nhàng song vẫn đầy cương quyết.

Không nhiều người biết đến nhạc sĩ người Hungary Joseph Kosma. Nhưng với những người quan tâm, ông được xếp vào hàng ngũ bậc thầy của nhạc phim, người góp phần đổi mới thể loại chanson Pháp, đồng thời là một trong những nhạc sĩ viết ca khúc và phổ thơ hàng đầu thế kỷ 20.

Trong đó, thành tựu lớn nhất của ông nằm ở sự kết hợp với người bạn thân – thi sĩ Jacques Prévert. Sinh thời, Joseph Kosma được nhắc đến như người có công “chắp cánh” cho những vần thơ siêu thực của Jacques trở thành những chanson nổi tiếng. Nổi tiếng nhất phải kể đến Les Feuilles Mortes (tạm dịch từ tiếng Pháp: Lá chết)

Chú thích ảnh
Danh ca Yves Montand - người đầu tiên thể hiện ca khúc “Les Feuilles Mortes” hay về sau là “Autumn Leaves”

Tình ca của những mối tình ngang trái...

Nhiều người ví phong cách sáng tác của bộ đôi Joseph Kosma - Jacques Prévert khi kết hợp thì thành ra giống như Bob Dylan hay Trịnh Công Sơn. Tinh hoa nằm ở cả nhạc và lời, mỗi ca khúc có thể coi là tác phẩm văn học và quan trọng hơn, 2 bộ phận nhạc - lời hòa quyện không thể tách rời. Có lẽ, chỉ Joseph Kosma mới đủ sức “hóa giải” những áng thơ siêu thực của Jacques Prévert.

Les Feuilles Mortes xuất hiện lần đầu vào năm 1945 dưới dạng bài thơ với cấu trúc khá phức tạp, dài 32 câu. Nó được viết như một phần trong toàn bộ kịch bản của vở ballet Le Rendezvous (Cuộc hẹn hò), do Joseph Kosma và Jacques Prévert cùng bắt tay thực hiện. Bên cạnh vai trò thi sĩ, Jacques Prévert cũng khá nổi tiếng với công việc biên kịch.

Vở ballet không mấy thành công, nhưng nó lại lọt vào “mắt xanh” của đạo diễn Marcel Carné, thôi thúc ông chuyển thể nó thành tác phẩm điện ảnh. Bộ phim được lấy tên Les Portes De La Nuit, trong đó có sự hợp tác của Jaques Prévert về kịch bản, ca từ và Joseph Kosma về âm nhạc. Chỉ mất vỏn vẹn 1 ngày để Joseph Kosma phổ xong bài thơ Les Feuilles Mortes.

Bộ phim Les Portes De La Nuit kể về nước Pháp những ngày hậu Thế chiến II, với khung cảnh hoang tàn, ly tán, đầy nghi kị và điểm nhấn là mối tình ngang trái giữa chàng công nhân trẻ Jean Diego với cô nàng Malou xinh như mộng.

Chú thích ảnh
Bộ đôi thi sĩ Jacques Prévert (trái) và nhạc sĩ Joseph Kosma

Theo dự tính, ca khúc Les Feuilles Mortes sẽ chỉ xuất hiện ở phân cảnh ngắn, và cũng chỉ được ngân nga bởi nhân vật nam và nữ chính vốn được nhắm cho hai ngôi sao Jean Gabin và Marlene Dietrich. Song Jean Gabin từ chối tham gia, và đạo diễn Marcel Carné, trong lúc tuyệt vọng đã tìm đến Yves Montand - giọng ca nổi tiếng nhưng chưa từng có kinh nghiệm diễn xuất.

Bởi đặc tính thơ của Jaques Prévert nên cấu trúc bài hát cuối cùng lại khá “bất thường”. Mở đầu với 24 nhịp, với 2 lần thay đổi âm điệu và giai điệu. Tiếp theo đó là điệp khúc gồm 16 nhịp. Ca khúc thực sự khó, khiến chẳng ai có thể nghĩ đến việc “đại chúng hóa” nó.

Nhưng Yves Montand thì nghĩ khác. Khi mà cả bộ phim tiếp tục mang về kết quả tệ hại chẳng hơn gì vở ballet nguyên gốc, thì Yves Montand nhận thấy ông có thể vớt Les Feuilles Mortes lên từ vũng bùn và biến nó thành “hit” của mình. Nhưng cũng phải mất vài năm để giai điệu buồn sầu, phức tạp của Les Feuilles Mortes được công chúng chấp nhận. Năm 1949 Les Feuilles Mortes trở thành bài hit được yêu cầu nhiều nhất của Montand.

Đến nay, Les Feuilles Mortes đã trở thành bài hát huyền thoại gắn liền với tên tuổi Yves Montand. Ca khúc được nhiều nghệ sĩ về sau thể hiện từ Edith Piaf, Dalida đến Juliette Gréco - “nàng thơ của Saint Germain-des-Prés”, chính Montand cũng thu đi thu lại nhiều lần.

Nhưng không phiên bản nào sánh được với lần đầu tiên, Yves Montand đã hát vào đúng thời điểm Edith Piaf rời bỏ ông theo tình nhân mới. Giọng hát run rẩy vang vọng từ trái tim rỉ máu, và sẽ chẳng thể có được phiên bản nào tốt hơn cho một bài hát của số phận.

Thay đổi để thành lịch sử

Les Feuilles Mortes là bài hát của mối tình tan vỡ, mang theo bao xót xa, luyến tiếc và thương nhớ. Bởi thế mà nó được dùng với hình ảnh “lá chết” thay vì lá vàng dù bản chất, chẳng khác gì nhau.

Bước ngoặt để Les Feuilles Mortes trở nên nổi tiếng chính là khi nó được viết lời tiếng Anh. Người làm việc này, tiếp tục là một “huyền thoại” khác: nhạc sĩ Johnny Mercer - người đứng sau nhiều ca khúc nhạc phim quen thuộc mà điển hình là Moon River.

Johnny Mercer nhận yêu cầu làm việc này từ Michael Goldsen của hãng Capitol’s music. Mãi đến vài tháng sau, khi Michael gọi giục thì Johnny mới “sực nhớ” và hứa sẽ đi tàu đến tận nơi cùng với bản viết lời hoàn chỉnh. Cuối cùng chuyện cũng xong, nhưng điều thú vị là Johnny Mercer chỉ thực sự bắt tay vào viết trong đúng 15 phút đợi Michael ở ga tàu.

“Nghe xong tôi xúc động muốn khóc. Đưa bất kỳ ai nghe, họ cũng đầy vẻ xúc động” - Michael Goldsen kể lại.

Johnny Mercer về sau đã tiết lộ với Goldsen rằng Autumn Leaves đã mang về cho ông tiền tác quyền nhiều hơn mọi sáng tác khác. Phiên bản tiếng Anh của Johnny so với bản gốc có phần nhẹ nhàng hơn trong cách thể hiện nỗi buồn, từ “lá chết” trở thành “lá Thu”. Đặc biệt, chỉ phần điệp khúc 16 nhịp được giữ lại khiến ca khúc “gọn gàng” và dễ hát hơn rất nhiều dù phần nào mất đi tinh thần gốc.

Ước tính, Autumn Leaves và trước đó là Les Feuilles Mortes đã được thu âm tổng cộng gần 2.000 lần bởi cả các nghệ sĩ mainstream lẫn làng nhạc jazz. Tại Mỹ, đây còn được xem là bài học bắt buộc cho những ai muốn đến với jazz.

Tại Việt Nam, ca khúc nổi tiếng với nhiều phiên bản lời Việt như Lá thu vàng (Lữ Liên), Lá úa (Y Vân), Lá rụng (Phạm Duy), Lá rụng (Nguyễn Đình Toàn) hay Mùa Thu lá úa (Phạm Ngọc Lân).

Joseph Kosma và Jacques Prévert - “Cặp đôi hoàn hảo”

Sinh thời, Joseph Kosma (1905 - 1969) và Jacques Prévert (1900 - 1977) được ví như “cặp đôi hoàn hảo” trong cả âm nhạc lẫn đời sống. Joseph Kosma là người Hungary, còn Jacques Prévert là người Pháp.

Nếu Joseph Kosma được xem là một trong những nhạc sĩ viết ca khúc và phổ thơ hàng đầu thế kỷ 20, thì những vần thơ siêu thực của Jacques Prévert lại ngập tràn trong văn hóa Pháp, được đưa cả vào chương trình dạy học.

Hơn 80 tác phẩm của Jacques Prévert qua bàn tay Joseph Kosma đã trở thành những ca khúc nổi tiếng thế giới, trong đó nổi tiếng nhất là Les Feuilles Mortes (Lá chết).

Hà My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm