Ca khúc 'All Along The Watchtower' của Bob Dylan: Gã hề kéo đổ tháp Babel

26/06/2022 19:00 GMT+7 | Giải trí

Một tác phẩm được hoài thai từ một huyền thoại âm nhạc như Bob Dylan đã là chuyện rất đáng nói rồi. Thế nhưng, lại có thêm một “bố nuôi” kiệt xuất không kém như Jimi Hendrix thì thật hiếm có ca khúc nào may mắn hơn All Along The Watchtower (Dọc tháp canh).

Ca khúc 'Subterranean Homesick Blues': Bob Dylan - Lao vào vùng băng giá

Ca khúc 'Subterranean Homesick Blues': Bob Dylan - Lao vào vùng băng giá

Bí quyết để duy trì sự hợp thời, đó là đừng bám vào những công thức. Cũng tốt thôi nếu ở yên trong địa hạt đang thành công.

All Along The Watchtower ngày nay được nhìn nhận như một kiệt tác, đứng thứ 40 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone. Thế nhưng, số phận của nó có thể đã khác nếu không có Jimi Hendrix.

Gã hề

Ca khúc All Along The Watchtower nằm trong album kinh điển John Wesley Harding (1967) của Bob Dylan. Album là sự trở lại của Dylan với âm thanh acoustic gốc rễ của ông, sau tai nạn xe máy. Trong 18 tháng nằm nhà phục hồi sức khỏe, sống trong không khí gia đình ấm cúng với hai đứa trẻ nhỏ, Dylan đã viết rất nhiều ca khúc. All Along The Watchtower ra đời trong một đêm dông bão, theo lời kể của ông.

Nhưng thay vì mang tới ca từ mang tính thời sự như chủ đề Chiến tranh Việt Nam, Dylan tiếp tục những hình ảnh siêu thực, gợi liên tưởng như đã làm ở ba bản thu trước – Bringing It All Back Home, Highway 61 Revisited Blonde On Blonde – đầy đột phá, thêm vào hình ảnh kinh thánh được cho là báo trước về giai đoạn hồi sinh sau này của Dylan.

Chú thích ảnh
Bob Dylan trên bìa đĩa đơn “All Along The Watchtower”

Mang hình ảnh đẹp nhưng phức tạp, ca khúc miêu tả cuộc xung đột giữa hai tầng lớp xã hội qua cuộc trò chuyện giữa một gã hề và một kẻ trộm. Đây là hai nhân vật sống ngoài rìa xã hội, nhìn thương nhân uống rượu, thợ cày cày trên đất của họ. Cuộc đời buồn chán như một trò đùa nhưng họ tin đó không phải số phận của mình. Đoạn trò chuyện kết thúc bằng lời nhắc nhở “muộn rồi” như thể họ có dự tính khác.

Phía bên kia, hoàng tử sau cả ngày phè phỡn với những người đẹp, đang dõi mắt nhìn dọc hết thảy các tháp canh. Ngoài trời giá lạnh, mèo rừng gầm gừ, bỗng có hai kỵ binh tới gần và gió bắt đầu hú lên, như báo hiệu cho một cuộc cách mạng sắp nổ ra.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong All Along The Watchtower, Dylan đang nói về chính hoàn cảnh của mình. Ở đó, ông là gã hề còn quản lý Albert Grossman là kẻ trộm. Kẻ thù bị nhắm tới là ban quản lý cũng như đài CBS – những người đưa ra mức phí bản quyền mà Dylan cảm thấy không xứng đáng với vị thế của mình.

Các nhà phê bình cũng chỉ ra rằng All Along The Watchtower là tiếng vọng từ Cựu ước, Sách Isaiah, Chương 21 về Babel sụp đổ, câu 5-9: “Người ta dọn bữa tiệc, trải khăn trải thảm, rồi bắt đầu ăn uống. Hỡi các tướng lãnh, hãy đứng lên! Hãy thoa dầu vào khiên vào thuẫn! Quả thật, Chúa Thượng phán với tôi thế này: Hãy đi đặt người đứng canh, thấy gì thì nó phải báo. Khi thấy một cỗ song mã, một người cưỡi lừa một người cưỡi lạc đà, thì nó phải quan sát cho kỹ. Người lính canh hô lớn: Lạy Chúa thượng, suốt ngày con đứng ở chòi canh, đêm đêm con trực nơi vọng gác. Và kìa, con thấy một người đang tới trên cỗ xe song mã. Người này lên tiếng: Babel đã sụp đổ, sụp đổ rồi! Tất cả các tượng thần của nó đều rơi xuống đất vỡ tan tành”. Đó được coi như điềm báo về tương lai của Dylan trong thập kỷ tới, khi ông phá tung mọi gông cùm bằng sức mạnh âm nhạc của mình.

All Along The Watchtower sau này cũng được ca ngợi hết lời với lối kể chuyện thao túng thời gian, phần kết lại như phần mở cùng nhiều kỹ thuật như đảo ngữ, lặp từ, đa nghĩa và đặc biệt gợi hình ảnh. Các yếu tố âm nhạc, được phân định rõ ràng về số lượng và chất lượng, tuy rất đơn giản (nhất là với tiêu chuẩn của Dylan) với chỉ ba hợp âm và tiếng harmonica réo rắt nhưng khi kết hợp với nhau, tạo nên ấn tượng về sự luân chuyển không ngừng, và một khi tích lũy lại, truyền tới cảm giác không phải về chuỗi nhạc, mà về một bầu không khí lơ lửng.

Nhưng đó là sau này. Đương thời, khi mới ra mắt ở dạng đĩa đơn, ca khúc thất bại thảm hại trên các BXH. Phải nhờ tới Jimi Hendrix với phiên bản riêng cùng ban nhạc The Experience, công chúng mới thật sự đón nhận All Along The Watchtower.

“Chúng ta không thể quên Jimi Hendrix. Cậu ấy lấy vài ca khúc nhỏ của tôi mà chẳng ai để ý, đưa chúng ra ngoài tầng bình lưu, biến tất cả chúng thành tác phẩm kinh điển” - (Bob Dylan phát biểu khi được MusiCares vinh danh là Nhân vật của năm vào năm 2015).

Phiên bản của Jimi Hendrix

Jimi Hendrix nổi tiếng là người hâm mộ cuồng nhiệt Bob Dylan. Ông luôn mang sổ bài hát của Dylan trong túi du lịch, suýt gây lộn trong hộp đêm ở Harlem vì đòi DJ chơi Blowin’ In The Wind (không ngạc nhiên, khiến dân tình lục tục rời sàn nhảy), thậm chí là suốt ngày quấy rầy guitar Robbie Robertson của Dylan để hỏi xem thần tượng viết những ca khúc tuyệt diệu ấy như thế nào (Robertson trả lời: “Thường là trên máy đánh chữ”). Ông còn tán đổ bạn gái nhờ dùng ca từ của Dylan trong bài Most Likely You Go Your Way (And I’ll Go Mine). Trên hết, nhờ ảnh hưởng từ Dylan, vô vàn ca khúc dở dang do bí từ của Hendrix được thành hình.

Trước khi album John Wesley Harding chính thức được phát hành, Hendrix đã xoay xở kiếm được một bản cát-xét. Khỏi phải bàn, Hendrix mê mẩn, nghe đi nghe lại. Hơn thế, ông ngay lập tức biết mình phải cover một trong các ca khúc này. Ban đầu, ông dự định thu âm I Dreamed I Saw St. Augustine. Nhưng sau khi cân nhắc kỹ lưỡng hơn, ông đã chọn All Along The Watchtower. Ông cảm thấy một lực hút tự nhiên từ ca khúc này.

Chú thích ảnh
Bob Dylan phải cảm ơn Jimi Hendix (giữa) khi tiếp thêm sức mạnh cho “All Along The Watchtower”

“Những ca khúc của Dylan thường gần gũi với tôi tới mức tôi cảm giác như thể chính bản thân mình viết ra nó” – ông nói thêm – “Với All Along The Watchtower, tôi cũng có cảm giác đó”.

Chưa đầy hai tháng sau khi Dylan thu bản gốc, Hendrix đã ở phòng thu để thực hiện phiên bản của mình. Dùng câu “And the wind began to howl” làm bàn đạp, Hendrix xây dựng thành màn solo bốn phần huyên náo, biến đổi tiên đoán súc tích của Dylan thành cơn bão điện tử.

Mặc dù bản của Dylan không lọt BXH, Hendrix đã leo tới No.20 với bản cover của mình, là đĩa đơn xếp hạng cao nhất của ông ở Mỹ. “Ông ấy yêu Bob Dylan” – nhà sản xuất Eric Kramer nói trong một buổi phỏng vấn với Sound on Sound – “Ông ấy bị cuốn hút bởi màu sắc và tông của của ca từ và tất nhiên là chuỗi hợp âm tuyệt vời. Đó là một ca khúc rất đặc biệt”.

Trong cuộc phỏng vấn với Sun Sentinel, Dylan miêu tả phản ứng của mình khi nghe phiên bản của Hendrix. “Nó thật sự làm tôi choáng ngợp” – ông nói – “Cậu ấy thật tài năng. Cậu ấy có thể tìm thấy những điều ẩn sâu trong một ca khúc và phát triển chúng một cách mạnh mẽ. Câu ấy tìm thấy những điều mà người khác không nghĩ tới việc tìm ở đây. Cậu ấy có thể nâng cấp nó bằng không gian của mình”.

Hơn cả những lời khen, hành động về sau của Dylan – vốn nổi tiếng kiêu kì – đã nói lên tất cả sự ngưỡng mộ với bản thu của Hendrix: ông thường diễn All Along The Watchtower theo phiên bản của Hendrix và thậm chí trong bản live LP Before The Flood. “Tôi thích bản thu của Jimi Hendrix và từ khi cậu ấy qua đời, tôi đã chơi nó theo cách đó… Thật kì lạ, mỗi khi hát nó, tôi luôn có cảm giác đang tri ân cậu ấy theo cách nào đó” - Dylan nói trong sách thuộc boxset Biograph.

Những cuộc gặp gỡ

Tuy ngưỡng mộ nhau là vậy, trong đời, Bob Dylan và Jimi Hendrix gần như chưa từng trò chuyện đúng nghĩa. Hendrix hớn hở kể có lần gặp Dylan ở Anh nhưng khi đó thần tượng say xỉn nên chắc không nhớ gì.

Người bạn Charles Cross của Hendrix thì nhớ có lần thấy Dylan ở New York, Hendrix đã hét to tên thần tượng rồi vội lao qua đường. Sự nhiệt tình này khiến Cross rất ngạc nhiên. Dylan cũng hơi ngẩn ra khi bỗng thấy có người gào tên mình. Một huyền thoại như Hendrix đã mở lời: “Bob, ừm, tôi là ca sĩ, anh biết không, ừm, gọi là Jimi Hendrix”. Khi Dylan khen ngợi bản All Along The Watchtower của Hendrix là “Tôi không biết liệu có ai có thể chơi ca khúc của tôi hay hơn cậu” rồi vội vã rời đi thì Hendrix đã ở trên chín tầng mây vì sung sướng.

Vài tháng trước khi Hendrix qua đời, Dylan gặp lại người hâm mộ nổi tiếng của mình trong một tình huống cũng không kém phần kịch tính. Dylan đang đạp xe trên đường thì thấy Hendrix ngồi thụp trong limousine. Như một cặp đôi bẽn lẽn, hai huyền thoại âm nhạc bỗng luống cuống không biết nói gì. Rồi Hendrix lao đi như tên lửa còn Dylan cũng tương tự như bị bắn từ đại bác ra, theo miêu tả của Dylan.

Chỉ có All Along The Watchtower còn lại mãi, được đông đảo nghệ sĩ cover. Có thể kể tới một vài nhân vật đình đám như Slash, U2, Neil Young, Eric Clapton, Lenny Kravitz, Taj Mahal, Bruce Springsteen, Eddie Vedder, Ed Sheeran hay John Mayer. Thú vị, khi được vinh danh tại Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll năm 1988, Dylan đã thể hiện ca khúc cùng George Harrison, Ringo Starr, Mick Jagger, Elton John, Mike Love và nhiều người khác.

Thư Vĩ (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm