Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chia tay Hodafilm

04/11/2010 11:12 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát sẽ chia tay Hãng phim Hội Điện ảnh (Hodafilm) sau 5 năm gắn bó, để giao lại “trọng trách” này cho đạo diễn Thanh Vân. Trước cuộc chia tay “định mệnh”, chị có cuộc trò chuyện thân mật với TT&VH.

Leo 4 nhịp cầu thang dốc ngược, lần đầu tiên, tôi đặt chân tới trụ sở Hãng phim Hội Điện ảnh. Hình như những lần trước, bà giám đốc cũng ngại tiếp phóng viên ở đây, nên thường hẹn gặp ở văn phòng Hội... Trụ sở là căn phòng độ 4m2, có lẽ chỉ vừa vặn với một người nhỏ nhắn như chị Ngát. Vậy mà 5 năm nay, một hãng phim mà giám đốc hầu như kiêm từ A-Z, đã sản xuất được những: Nhìn ra biển cả, Đừng đốt, Em muốn làm người nổi tiếng, Người con của rồng (hoạt hình)... Không bàn đến chuyện phim hay, dở, nhưng để có được số đầu phim này, từ con số 0, rõ ràng đã là điều đáng nói...

Tôi không ân hận gì


Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

* Sau 5 năm gây dựng thương hiệu Hodafilm, giờ chị được “sắp xếp” vào một vị trí mới, và bàn giao lại hãng phim cho người khác. Chị có thấy nuối tiếc với “cuộc chia tay” này?


- Tôi không ân hận bởi cái gì làm được tôi đã làm rồi và sau đây, phải cho những người khác ghé vai vào. Biết đâu, những người trẻ tuổi hơn, sung sức hơn, lại có thể làm ra bộ phim hay hơn. Trong cuộc sống, không có gì vĩnh cửu. Tôi bây giờ được tín nhiệm trở thành cánh tay phải của chủ tịch Hội, nên san bớt việc cho anh em khác là chuyện đương nhiên...

Với từng ấy dự án, mà hầu như tôi phải khởi động và thân chinh làm từ A-Z nên mất nhiều sức lắm. Trông bề ngoài tưởng như chả mất cái gì, vẫn thong dong, vẫn “váy vủng”, tươi cười, nhưng nhiều lúc làm việc mụ mẫm cả người. Thí dụ một cú điện thoại cho những người có trách nhiệm, làm sao mọi người biết được. Thế rồi, chuyện đi xin tiền ngân sách là cực kỳ khó vì rất nhiều nơi duyệt, nhiều nơi có liên quan, thuyết phục người ta để họ duyệt cho mình, đâu phải chuyện đơn giản.

Suốt 5 năm, hãng phim có một mình tôi. Tôi không ăn lương, chỉ được trả “quản lý phí” theo dự án. Trong các dự án, tôi rất tôn trọng nghệ sĩ thế nhưng nhiều khi mình làm cật lực 5 năm mà không được quý bằng nhiều người chẳng làm gì. Vì người ta không va chạm. Còn tôi, chắc chỉ có những người tử tế đứng đắn mới có thể quý mình.

* Trước kia, khi chị làm giám đốc Hãng phim Truyện VN, rồi Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, những cái ghế ấy mới “nóng” chứ?

- Tôi đã từng làm giám đốc hãng phim, từng làm Phó Cục trưởng, những năm tháng đấy rất vất vả mà không... “chết”, huống hồ từ biệt tất cả những cương vị ấy, tôi càng không chết! Tôi làm công việc này không phải vì kiếm sống mà là vì đam mê, yêu thích. Tôi cũng chỉ như người đứng ra tập hợp trí tuệ anh em trong ngành. Nó trôi nổi, lãng đãng đâu đó, mà đa phần anh em do thủ tục hành chính cứ 60, 55 tuổi phải nghỉ. Thế nhưng, khổ nỗi, đúng tuổi ấy là tuổi chín của các nghệ sĩ. Thế mà bạn thử nhìn xem, họ đi như “bèo dạt mây trôi”, làm thêm chỗ nọ chỗ kia.

Trong nghệ thuật, khi mà mọi người cứ phải nhìn nhau, phải đố kỵ nhau thì không thể phát triển được! Rất là buồn, đáng nhẽ như ở các nước, ai thành công cái gì, làm được cái gì thì người ta mừng cho nhau. Hoặc, ít nhất, người ta thấy đấy là người lao động chân chính... Đạo lý cực kỳ ngược đời, ngay cả những người mà mình lăn lưng ra vì họ, họ cũng lại ghét mình. Mình lo đủ mọi thứ cho người ta nhưng không hề cám ơn mà quay lại mắng mình.

* Chị bị rơi vào tình huống khó xử như thế?

- Có chứ, những lúc như thế tôi lại tròn mắt ra ngạc nhiên. Hiểu ra rằng, người đó là người như thế nào. Tôi là phụ nữ, lại là nghệ sĩ, nên nhẹ dạ lắm.

"Có khi cứ tưởng người ta tốt thật"

* Tôi không nghĩ thế, tôi thấy chị rất sắc sảo...

- Tôi chỉ sắc sảo trong công việc, thí dụ kịch bản này, bộ phim này hay, giao cho đạo diễn này thì hay đạo diễn kia thì hỏng. Chứ còn về con người, trong cuộc sống, ai tôi cũng quý, cũng tin. Thành ra, tưởng người ta tốt thật, nhưng người ta chỉ đãi bôi. Thôi không sao, cuộc sống cũng công bằng! Nhưng, sau cùng, tôi vẫn tin cuộc sống còn nhiều người tử tế, người tốt. Tôi chỉ nghĩ, tôi đã lấy hết sức mình ra để làm.

* Vậy nếu không có quyết định của Hội, chị có tiếp tục chèo lái hãng phim này?

- Tôi mê tổ chức sản xuất phim. Tôi có thể liên kết mọi người vào với mình để sản xuất ra sản phẩm. Chứ bạn cứ hình dung, nếu tôi cứ làm việc đơn lẻ, viết kịch bản xong ai mua thì mua, ai không mua thì vứt đấy... Nhưng khi tôi ở vai trò tổ chức, những kịch bản nằm im lìm nhiều năm trong ngăn tủ đã được dựng dậy, cho nó có đời sống của nó. Đời cát, rồi Bến không chồng cũng vậy. Người ta sợ không dám làm, tôi cho làm, rồi kịch bản Em muốn làm người nổi tiếng bao năm nằm ở Cục. Lúc nghỉ hưu, tôi đã đọc lại, nghĩ có vẻ hấp dẫn mọi người trong ngày Tết, lại phủi đi rồi làm. Ở công việc tổ chức sản xuất, tôi đơn lẻ. Tôi thấy thú vui ở đấy. Nếu người ta vẫn để tôi làm, tôi sẽ nhận... Nhưng dù thôi chức giám đốc hãng, cũng không sao, khi nào có dự án, tôi lại đưa về đây cho các anh ấy làm. Mà biết đâu, tôi lại thành lập hãng phim tư nhân thì sao. Không biết gì trước cả nếu mình vẫn còn đam mê, còn sức khỏe.

Tôi thấy rất thanh thản. Tôi nghĩ, gánh nặng đường xa, mỗi người gánh một đoạn để thấy vất vả như thế nào chứ không phải chỉ có vinh quang. Mà vinh quang thì cũng vừa phải thôi chứ không phải có lợi lộc gì nhiều. Chủ yếu, tôi làm cho thỏa niềm say mê.

* Vừa rồi, bộ phim Hoa đào theo kịch bản của chị bị chê quá...

- Tôi viết nó rất tâm huyết. 50 năm nay, tôi ở Hà Nội, tôi chỉ thích sống ở phía Hồ Tây. Tôi rất yêu vùng đất “đầu rồng” này. Ngày xưa, mỗi khi mệt mỏi, bao giờ tôi cũng đạp xe quanh đường Thanh Niên, đi xung quanh hồ tự dưng thanh thoát. Giờ, mỗi lần đi qua Lạc Long Quân, chỗ tôi ở, các đô thị đang mọc liên tiếp... đào không còn nhiều. Tôi đã viết kịch bản và xin tiền làm, chắc chắn Tết 2007, cùng lắm là 2008, là có phim. Nhưng không hiểu sao, phim được giao cho Hãng phim Truyện 1. Suốt quá trình làm phim, đạo diễn “rũ tung” kịch bản cũng không hề trao đổi hay hỏi han gì tác giả. Họp báo ra mắt phim, tôi cũng không được mời... Nếu được đóng vai người sản xuất, tôi sẽ làm khác nhiều.

* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Thu Hằng (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm