'Au Clair De La Lune': Giai điệu cổ nhất từng được ghi lại trong lịch sử

19/04/2020 18:56 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Câu hỏi đâu là âm thanh đầu tiên được ghi lại trong lịch sử nhân loại dường như không khó trả lời. Nó được ghi bởi Edouard-Leon Scott de Martinville tại Paris vào cuối những năm 1850, gần 2 thập kỷ trước cuộc gọi điện thoại đầu tiên của Alexander Graham Bell (1876) hay máy ghi âm của Thomas Edison (1877).

Ca khúc 'Livery Stable Blues': Những tranh cãi về bản thu nhạc jazz đầu tiên

Ca khúc 'Livery Stable Blues': Những tranh cãi về bản thu nhạc jazz đầu tiên

Vào ngày 26/2/1917, ban nhạc Original Dixieland Jass (ODJB) đã thực hiện bản thu nhạc jazz đầu tiên trong lịch sử "Livery Stable Blues" cho hãng thu âm Victor. Các giám đốc điều hành Victor đã nhanh chóng phát hành bản thu và nó lập tức trở thành hit. Tuy vậy, quanh hit này là những chủ đề gây tranh cãi cho tới tận ngày nay, sau hơn 100 năm.

Nhưng hóa ra, trong khi câu trả lời thì rõ ràng, câu hỏi lại có phần phức tạp.

Bản ghi không dùng để phát

Vấn đề nằm ở chỗ, khi Scott ghi âm những âm thanh này, ông không bao giờ nghĩ là mọi người có thể nghe được nó. Thay vào đó, ông nghĩ họ sẽ đọc được nội dung thông qua bản ghi chấn động âm, được vạch trên các tờ giấy phủ muội mịn. Thế nên, âm thanh được Scott ghi không nhằm mục đích để phát lại. Việc phát lại âm thanh đã được ghi phải đợi đến Edison.

“Ý tưởng về việc bằng cách nào đó đưa những tín hiệu này trở lại âm thanh, chưa bao giờ nảy ra trong đầu Scott, cũng không nảy ra với bất kỳ ai trên trái đất cho tới năm 1877” - theo nhà sử học âm thanh David Giovannoni.

Điều đó không có nghĩa là ngày nay bạn không thể nghe được những âm thanh đầu tiên được ghi này. Môt nhóm các nhà sử học âm thanh Mỹ đã tìm thấy các bản ghi trong một kho lưu trữ ở Paris vào năm 2008. Ngay sau đó, dự án First Sounds mà Giovannoni là người đồng sáng lập đã nỗ lực đưa những bản ghi của Scott về dạng âm thanh.

Và điều này cũng không có nghĩa là bản ghi của Scott không đáng được ghi nhận là bản ghi đầu tiên trong lịch sử. “Nó là một bản ghi âm thanh hoàn chỉnh, không nghi ngờ gì nữa, giống như bản ghi địa chấn các trận động đất” - theo nhà sử học âm thanh - truyền thông đồng thời là người đồng sáng lập First Sounds, Patrick Feaster. “Chẳng ai đổ lỗi cho các bản ghi địa chấn khi không thể phát lại trận động đất”.

Chú thích ảnh
Máy ghi chấn động âm do Scott phát minh

Vậy Scott đã ghi âm gì? Những nỗ lực đầu tiên của Scott vẫn được lưu trữ, tuy nhiên, nó quá ngắn và thô sơ đến mức khó có thể coi là một bản ghi âm (Giovannoni từng miêu tả chúng như những tiếng chim quang quác). Scott sau đó đã nhiều lần cải tiến kỹ thuật và do đó, chất lượng các bản ghi cũng tăng dần. Ở một mức độ nào đó, các nhà nghiên cứu hiện đại đánh giá bản ghi đầu tiên (cho “đáng mặt” bản ghi) là một đoạn dân ca Pháp Au Clair De la Lune (Dưới ánh trăng), do một phụ nữ trình bày vào ngày 9/4/1860. Kỷ lục Guinness thế giới cũng đã ghi nhận đây là bản ghi giọng người cổ nhất trong lịch sử.

Bài dân ca “Au Clair De La Lune”

Mặc dù mới ra đời vào thế kỷ 18- tức là không quá cổ xưa - nhưng Au Clair De La Lune là một trong những ca khúc dân gian nổi tiếng nhất của Pháp và được ưa chuộng, đặc biệt là cho trẻ em, ở nhiều nơi trên thế giới.

Tuy được coi là nhạc thiếu nhi nhưng Au Clair De La Lune lại có nội dung khá… người lớn. Ca khúc kể câu chuyện giản dị nhưng không kém phần lãng mạn về một anh chàng tên là Lubin. Dưới ánh trăng, Lubin đã sang nhà hàng xóm - Pierrot - để hỏi mượn bút lông viết thư. Pierrot đáp rằng anh không có bút lông nhưng Lubin có thể sang hỏi nhà bên, một cô gái tóc nâu thân thiện.

Chú thích ảnh
Bản nhạc “Au Clair De La Lune” trong một cuốn sách ảnh cho trẻ nhỏ đầu thế kỷ 20

Lubin gõ cửa và được cô gái mời vào nhà. Dưới ánh trăng mờ ảo khó có thể thấy gì, họ tìm bút rồi tìm nến nhưng không biết có tìm thấy gì không, chỉ biết rằng cửa đã tự đóng phía sau họ.

Không chỉ ca từ giản dị, giai điệu của nó cũng rất đơn giản nên thường được dùng để dạy cho những người mới học nhạc. Tuy vậy, nó lại là nguồn cảm hứng nghệ thuật bất tận. Rất nhiều nhà soạn nhạc tên tuổi đã lấy Au Clair De La Lune làm nền tảng cho một số sáng tác của mình như Ferdinand Herold, Erik Satie, Samuel Barber, Marc Blitzstein, đặc biệt là Claude Debussy - người cũng có một tác phẩm nổi tiếng mang tên tương tự là Clair De Lune. Không chỉ trong âm nhạc, Au Clair De La Lune cũng nhiều lần được nhắc tới trong hội họa và văn học kinh điển.

Dân ca là bài hát không có tác giả, nó là sáng tạo tập thể qua một thời gian dài hoặc qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, ban đầu nó cũng được một người hoặc một nhóm người sáng tạo ra. Trong một tuyển tập các ca khúc xuất sắc nhất của tác giả Jehan Chardavoine, phát hành năm 1576, có thể tìm thấy một phần giai điệu của Au Clair De La Lune ở đây. Nó cũng từng được coi là sáng tác của Jean Baptiste Lully, một nhà soạn nhạc ở thế kỷ 17 do những tương đồng xuất hiện trong bản opera Cadmus Et Hermione (1673). Nhưng một lần nữa, sự tương đồng cũng không quá lớn. Thiếu vắng những dấu vết rõ rệt.

Au Clair De La Lune rất thịnh hành và được yêu thích rộng khắp từ cuối thế kỷ 18. Thế nên, không ngạc nhiên khi Scott chọn nó để thu âm, không chỉ một mà ít nhất 3 lần. Trong đó, có 1 lần, theo các nhà nghiên cứu, do chính ông hát.

Bi kịch cho một phát minh vĩ đại

Edouard-Leon Scott de Martinville (25/4/1817 - 26/4/1879) là một nhà phát minh, người làm in ấn và sách người Pháp. Ông quan tâm tới việc ghi lại lời nói tương tự như cách máy ảnh ghi lại hình ảnh.

Từ năm 1853, ông say mê nghiên cứu cách ghi lại âm thanh. Tháng 1/1857, Scott đã gửi bản thảo chi tiết về sáng chế của mình tới Viện Khoa học Pháp, mô tả những gì mà ông hy vọng nó sẽ đạt được một ngày nào đó.

Cùng năm này, ông cũng nộp đơn xin cấp bằng sáng chế. Sau đó, Scott nhiều lần cải tiến thiết bị. Tuy nhiên, vào thời đó, không giống như thời điểm năm 2008, chẳng có thiết bị phát lại nào và do đó, Scott rơi vào một tình huống bi đát là không thể chứng minh được phát minh của mình (dù nó thật sự vô cùng thành công). Sau tất cả, ông đã từ bỏ dự án với rất nhiều cay đắng.

Ngược lại, gần 20 năm sau, năm 1877, khi Thomas Edison hé lộ về “máy nói”, một thiết bị có thể vừa ghi âm, vừa phát lại, Edison đã được trọng vọng chào đón từ trước khi chính thức ra mắt sản phẩm và sau đó, tới Washington trình bày máy ghi âm của mình trước Quốc hội và Tổng thống. Bản thu đầu tiên của chiếc máy này là Mary Had A Little Lamb, một ca khúc dân gian của thế kỷ 19.

Cũng trong lần tới Washington này, Edison có ghé thăm Viện Smithsonian, nơi ông lần đầu biết đến máy ghi chấn động âm của Scott. Theo báo cáo, ông đã rất ấn tượng nhưng ngạc nhiên khi ai đó từng sáng tạo chiếc máy này nhưng lại không nghĩ tới việc phát lại bản ghi thành tiếng.

Scott lại có thái độ ngược lại. Khi Edison được cấp bằng sáng chế cho máy ghi âm, Scott đã rất phẫn nộ khi tuyên bố: “Còn đâu là quyền của các nhà sáng chế trước những kẻ cải tiến?”. Scott cảm thấy Edison đã chiếm đoạt hay nói một cách ít tử tế hơn, là ăn cắp các phương pháp của ông. Mục tiêu cuối cùng của công nghệ ghi âm nên là “viết ra các bài phát biểu”, chứ không phải tái tạo âm thanh, theo Scott.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng công trình của Edison là sự nghiên cứu hoàn toàn độc lập. Không có bằng chứng nào chứng minh công trình của Edison xuất phát từ phát minh của Scott và sản phẩm của Edison có sự khác biệt cơ bản với sản phẩm của Scott.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm