50 năm đĩa đơn 'Chuck Berry’s Come On': Rolling Stones 'lăn' mạnh hơn The Beatles

10/06/2013 07:45 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Khi ban nhạc rock Rolling Stones phát hành đĩa đơn đầu tiên - Chuck Berry’s Come On (1963) cách đây 50 năm, The Beatles đã có mặt trong phòng thu Abbey Road cùng với nhà sản xuất George Martin được gần 1 năm và đã là những ngôi sao ở Anh. Kể từ đó người ta đã luôn đưa ra những sự so sánh về 2 ban nhạc đồng xứ này.

Các chuyên gia từng định nghĩa về 2 nhóm nhạc này như sau: Beatles là những nhà cách tân và là thần tượng toàn cầu, trong khi Stones là những kẻ chống lại Beatles.

Ban nhạc chiếu dưới?

Hiện nay, để có thể tới xem một chương trình hòa nhạc của Rolling Stones trong chuyến lưu diễn 50 and Counting ở Bắc Mỹ, người hâm mộ phải chi 600 USD để mua một chiếc vé. Vậy nên nhiều người khó có thể tưởng tượng được rằng ban nhạc từng bị xem thường như thế nào.

Nhân kỷ niệm 50 năm Rolling Stones tung ra đĩa đơn đầu tiên, nhiều người cho rằng đã đến lúc cần phải đánh giá lại vai trò của ban nhạc.

Ban nhạc Rolling Stones

Liệu ban nhạc này có tạo nên cuộc cách mạng về âm nhạc giống như Beatles hay không? Chắc chắn là không. Song thời gian họ tung ra album dài gần gấp đôi Beatles và các sản phẩm âm nhạc của họ trong kỷ nguyên này, kéo dài từ năm 1963 đến năm 1981, mang tính kiên định, lâu bền và đa dạng đến mức rất ít ban nhạc trong bất cứ kỷ nguyên nào có thể sánh kịp, kể cả Beatles.

Khi The Beatles thu âm album Let it Be vào năm 1969, ban nhạc đã xảy ra những mâu thuẫn và họ đã tan rã chỉ một thời gian ngắn sau khi “lắp ghép” những nhạc phẩm để đưa vào kiệt tác cuối cùng là Abbey Road.

Đĩa đơn đầu tiên của Rolling Stones đã lọt vào bảng xếp hạng pop và vài tháng sau đó họ có ca khúc ăn khách đầu tiên khi trình bày lại nhạc phẩm I Wanna Be Your Man do John Lennon và McCartney sáng tác. Chuyện này xảy ra bởi khi đó, Lennon và McCartney nổi tiếng ở Anh đến mức có thể trao những nhạc phẩm chưa thu âm của mình cho “đối thủ” rồi quan sát xem họ có thể làm nên “trò trống” gì với ca khúc đó hay không.

“Theo gót” Beatles trên đất Mỹ

Beatles đã xâm chiếm và làm mê hoặc nước Mỹ với chương trình The Ed Sullivan Show diễn ra hồi tháng 2/1964. 6 năm sau, họ vẫn là ban nhạc rock nổi tiếng nhất thế giới.

Rolling Stones đã “theo chân” Beatles đến Mỹ vài tháng sau đó. Tuy nhiên, họ chỉ là tâm điểm chế nhạo của Dean Martin trong chương trình truyền hình tạp kỹ kém tiếng hơn là Hollywood Palace.

Trong chuyến tới Mỹ, Rolling Stones còn tới thăm “thánh đường” của họ là phòng thu Chess Records. Tại đây, chỉ trong 2 ngày 11 và 19/6/1974, họ đã thu âm 16 nhạc phẩm. Việc làm của họ đã tạo nên nỗi ám ảnh cho các nghệ sĩ từng thu âm ở phòng thu này như Berry, Muddy Waters và Howlin’ Wolf.

Song không giống với Beatles, vốn không chỉ là các ngôi sao rock mà còn là những nhà tiên phong pop, Rolling Stones chưa bao giờ muốn dẫn đầu một cuộc cách mạng nào. Từ trước tới nay, Rolling Stones bao giờ cũng chỉ nhận mình là một “ban nhạc blues Chicago” và thậm chí khi bắt đầu chuyến lưu diễn tại các sân vận động ở Bắc Mỹ mới đây, cả Jagger và Richards đều nhắc lại điều đó.

Ban nhạc The Beatles

Trong 6 năm, Beatles đã tung ra hàng chục ca khúc ăn khách. Họ là một trong những ban nhạc rock đầu tiên sử dụng phòng thu như một nhạc cụ và tạo nên một chuẩn mực mới trong sáng tác ca khúc pop, với những giai điệu thanh nhã như Tomorrow Never Knows.

Trong khi đó, vào năm 1965, Rolling Stones đã chuyển thành một ban nhạc rock đa dạng. Trong 3 album đầu tiên của Rolling Stones, người ta chỉ thấy chủ yếu là bản cover các ca khúc dòng nhạc blues và R&B. Nhưng khi Jagger và Keith Richards bắt đầu cùng nhau sáng tác, ban nhạc đã tiếp nhận mọi dòng nhạc, từ pop tới những âm hưởng phương Đông.

Khi thành viên của Beatles là George Harrison hợp tác với nghệ sĩ đàn sitar huyền thoại người Ấn Độ Ravi Shankar, Brian Jones của Rolling Stones cũng có màn trình diễn đàn sitar trong đĩa đơn Paint It, Black (1965) của ban nhạc. Ông còn chơi cả mộc cầm trong nhạc phẩm Under My Thumb (1966), đàn ximbalum trong ca khúc Lady Jane (1966) và kèn oboa trong Ruby Tuesday (1967).

Năm 1967, ban nhạc phát hành album Their Satantic Majesties Request (1967). Mặc dù thời kỳ đầu nó bị chỉ trích thậm tệ và bị coi là “câu trả lời” vô cùng nhạt nhẽo với album Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band của Beatles, nhưng sau đó album đã lọt vào vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng Anh và thứ 2 bảng xếp hạng Billboard 200. Album được đánh giá có những ca khúc pop xuất sắc như 2000 Light Years from Home, She’s A Rainbow.

“Đá lăn” mạnh mẽ, bền lâu

Và khi các hoạt động âm nhạc của Beatles bắt đầu trùng xuống thì Rolling Stones lại trở lại vô cùng mạnh mẽ, với việc tay guitar Mick Taylor gia nhập ban nhạc vào năm 1969. Họ đã tung ra những album Sticky Fingers (1971) và Exile On Main Street (1972). Những album này  được xem là các kiệt tác phòng thu,  tương đương với những gì mà Beatles đã từng làm với album Abbey Road.

Khi xúc tiến 2 album này, các thành viên của Rolling Stones cũng có những thời gian dài ở trong những phòng thu khác nhau, cách phối âm của họ cũng đa màu sắc.

Rolling Stones tiếp tục đi qua những năm 1970 với việc tiếp nhận thành công dòng nhạc reggae, Philadelphia (Philly) soul, funk và thậm chí cả disco. Có thể thấy Beatles đã tạo nên những xu thế trong thập kỷ 1960, song địch thủ của họ không chỉ là những chàng trai khét tiếng với thói ăn chơi sa đọa, mà còn là những nghệ sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại, với lượng đĩa bán ra tới nay đã đạt hơn 200 triệu bản trên toàn thế giới.

Việt Lâm (theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm