Hồi hộp với "Giao lộ định mệnh"

16/09/2010 06:00 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - “Tâm lý ly kỳ là thể loại không xa lạ với đa số khán giả thích phim ảnh nhưng lại là thể loại mới với phim Việt Nam nên ít nhiều nó cũng gây hồi hộp cho chính nhà sản xuất và những người làm phim như tôi” - Victor Vũ thổ lộ trước khi bộ phim thứ hai anh làm tại Việt Nam, Giao lộ định mệnh, chuẩn bị ra rạp vào ngày 17/9 tới đây. Trước đó, bộ phim Chuyện tình xa xứ của Victor Vũ đã nhận giải Khán giả bình chọn Cánh diều 2008.

* Trông vẻ ngoài khó ai nghĩ anh thích làm những phim ly kỳ kiểu Oan hồn, Giao lộ định mệnh. Anh đặc biệt thích thể loại “đứng tim” này?

- Tâm lý ly kỳ là thể loại mà tôi thích nhất nhưng tôi chọn thể loại đó để làm chỉ đơn giản vì đó là cách kể phù hợp câu chuyện mà tôi muốn nói trong Giao lộ định mệnh. Thường khi nghĩ ra một cốt truyện, tôi cũng sẽ nghĩ ngay về thể loại. Tôi thích cách kể chuyện này vì nó lôi cuốn, hồi hộp với những phần bí ẩn trong đó. Đây là một thể loại không xa lạ gì với đa số khán giả thích phim ảnh nhưng lại là thể loại mới với phim Việt Nam nên ít nhiều nó cũng gây hồi hộp cho chính nhà sản xuất và những người làm phim như tôi. Tuy nhiên, khán giả luôn khao khát tiếp cận cái mới và vì họ quá rành các thể loại như vậy khi xem phim nước ngoài nên tôi nghĩ tôi chọn cách kể chuyện này cũng là tự nhiên thôi.


Đạo diễn Victor Vũ
* Không muốn so sánh nhưng tôi nghĩ sự so sánh này cũng là tự nhiên thôi, khi mà mới đây, bom tấn Inception được chiếu ở Việt Nam cũng khó đánh giá mức độ thành công về khán giả…

- Dĩ nhiên sự so sánh đó là tự nhiên nhưng tôi cũng nghĩ là không nên so sánh bởi ngay từ kinh phí sản xuất đã có sự cách biệt quá xa rồi. Khi làm Giao lộ định mệnh, tôi và nhà sản xuất cũng xác định tập trung vào câu chuyện, vào nhân vật chứ không phải vào kinh phí hay kỹ thuật. Inception có đến được với khán giả hay không là do câu chuyện chứ không phải do thể loại. Nếu làm phim mà ý tưởng như trên mây, khó chạm tới khán giả thì tất nhiên sẽ khó thành công. Tôi chọn câu chuyện Việt Nam với những chi tiết gần với khán giả Việt để họ có thể cảm nhận được câu chuyện tôi muốn kể.

* Trên poster phim có câu slogan: “Có những bí mật cần phải chôn vùi”, anh có thể tiết lộ đôi điều về những ý tưởng hàm chứa trong câu slogan này cũng như trong bộ phim không?

- (Cười). Nếu nói ra thì khán giả sẽ hết cái để xem rồi, tôi chỉ nói sơ sơ thôi. Câu đó là ý tưởng mà bộ phận PR cùng bàn bạc với tôi để khơi gợi trí tò mò nơi khán giả, tuy nhiên nó cũng dựa theo tâm lý của các nhân vật trong phim, đồng thời nó cũng rất hợp với thể loại tâm lý ly kỳ. Tất cả các bí mật của các nhân vật đều quan trọng, và tất cả các nhân vật đều có bí mật. Những gì muốn biết thì chỉ có thể biết sau khi… xem hết phim.

* Vậy có gì liên quan đến cuộc sống thực của anh không?

- Tôi nghĩ thông điệp tôi đưa ra liên quan đến cuộc sống của tất cả chúng ta. Sự thất bại của các nhân vật trong phim là do họ muốn che giấu những việc xấu họ đã làm. Cũng như trong cuộc sống thực, dù mình cố gắng che giấu sự thật đến mấy nhưng rồi cũng sẽ bị lộ, sẽ không bao giờ tránh được quả báo với những việc không tốt mình đã làm. Các nhân vật trong phim luôn có cuộc đấu tranh giữa bản năng và lý trí. Ai trong chúng ta cũng từng như vậy, có những lúc mình bị đẩy vào tình huống phải làm việc gì đó không tốt, thậm chí tàn nhẫn với người khác nhưng chắc chắn sẽ không thoát được hậu quả. Đó cũng chính là thông điệp tôi muốn đưa ra với khán giả khi kết thúc bộ phim. Có một chi tiết liên quan đến cái tên của bộ phim - Giao lộ định mệnh - đó là một vòng tròn, sự việc bắt đầu ở giao lộ đó thì cũng kết thúc chính ở nơi đó, khán giả sẽ bị “buộc” phải quay lại chính nơi sự việc bắt đầu để hiểu được câu chuyện là như thế nào. Giống như ngoài đời, nếu đã là định mệnh thì ta sẽ phải đối đầu với nó.


Poster phim Giao lộ định mệnh

* Từ năm 2001, anh đã muốn làm bộ phim Oan hồn ở Việt Nam nhưng việc đó không thể thực hiện được vì kịch bản không được duyệt. Vậy với Giao lộ định mệnh, chuyện kiểm duyệt có khiến anh gặp khó?

- Hồi 2001 tôi không được duyệt kịch bản Oan hồn có lẽ vì ở thời điểm đó cách kể chuyện tôi chọn chưa phù hợp. Với Giao lộ định mệnh, tôi vẫn phải cắt đi một số chi tiết nhưng ít thôi và chủ yếu cắt bớt sự bạo lực, còn thì câu chuyện vẫn được giữ nguyên. Chuyện kiểm duyệt trong điện ảnh là rất bình thường. Ở Mỹ chẳng hạn, có kiểu kiểm duyệt của Mỹ. Bạn có thể làm gì tùy thích nhưng khi ra rạp, hội điện ảnh sẽ đánh giá xếp hạng những gì bạn làm để hạn chế khán giả. Nếu bạn không muốn mất bớt một đối tượng khách nào đó thì buộc bạn phải cắt đi những gì đã làm. Nước nào cũng có những nét văn hóa riêng và cách nhìn riêng nên làm phim ở đâu cũng cần hiểu và tôn trọng những sự khác biệt đó. Làm nghệ thuật là thực hiện những ý tưởng lạ, kể những câu chuyện mình muốn kể một cách hợp lý, đúng nội dung mình muốn kể nhưng theo cách mà các nhà quản lý cho phép. Đó là thử thách lớn mà người làm nghệ thuật phải vượt qua.

* Tôi biết đó cũng là cái khó đối với những Việt kiều về nước làm phim như anh. Tuy nhiên anh có vẻ bắt nhịp rất nhanh với môi trường làm phim trong nước, bằng chứng là bộ phim đầu tiên, Chuyện tình xa xứ, đã lấy được điểm từ khán giả tại giải Cánh diều vàng 2008. Giao lộ định mệnh ra rạp bất kể thời điểm không rơi vào lễ, Tết. Và nghe nói anh lại đã có tiếp dự án làm phim thứ ba vào đầu năm sau...

- Làm phim là việc không dễ, về đây hay ở đâu cũng có những thử thách. Tôi ra trường từ năm 1998, đến giờ đã làm được 4 bộ phim. Nhưng ngay từ khi ra trường, tôi đã biết con đường mình sẽ đi là luôn luôn làm phim Việt Nam. Vì thế mà chuyện tôi trở về Việt Nam làm phim là việc rất tự nhiên. Tôi nghĩ tôi may mắn nhưng tôi cũng đã rất nỗ lực và nếu không nỗ lực thì chắc sẽ chẳng đi được trên con đường này.

* Được biết, trước khi làm phim, anh đã làm kĩ xảo trong 5 năm cho những bộ phim lớn của Hollywood như X-Men, Contact, Starship Trooper… Tại sao anh bỏ công việc đó để làm những bộ phim mà đối tượng khán giả hẹp hơn?

- Bước vào làm phim Việt Nam là bước vào một thế giới nhỏ hơn, với kinh phí nhỏ hơn nhưng với thị trường Việt Nam thì những bộ phim mà tôi muốn làm là hợp lý. Làm kỹ xảo là một công việc tốt. Tôi còn mở một công ty sản xuất phim quảng cáo, nhưng sau một thời gian, tôi thấy vẫn thiếu gì đó có ý nghĩa hơn, điều này thúc đẩy việc làm phim của tôi.

Nếu nhìn vào thị trường phim Việt Nam những năm gần đây, tất cả các nhà làm phim đều phải vui mừng bởi thay vì chỉ có một mùa phim Tết, bây giờ phim có thể ra bất cứ lúc nào. Nếu đứng về phía nhà sản xuất mà nói thì làm Giao lộ định mệnh, phát hành vào dịp này cũng là một sự không an toàn (vì không phải phim hài, không chiếu vào Tết) nhưng họ vẫn tin tưởng và sẵn sàng đầu tư để làm, như thế là quá thuận lợi. Và tuy tôi không thể chắc chắn khán giả sẽ thích hay không nhưng điều quan trọng là tôi đã đưa ra được một kiểu làm phim theo thể loại mới lạ có sự tìm tòi (với Việt Nam), cho khán giả cơ hội cảm nhận một cách kể chuyện không lạ với phim thế giới nhưng lạ với phim Việt.

* Anh có tính làm một bộ phim sử dụng nhiều kỹ xảo vốn là thế mạnh của anh khi còn ở Mỹ?

- Đó là điều tôi rất muốn. Hiện tôi đã có 2 kịch bản. Tuy nhiên tôi cần biết rõ mình có đủ khả năng không, khả năng ở đây chính là sự đầu tư. Khi mình chỉ có 5 thì hãy cố làm với 5 cho thật tốt chứ đừng cố nhét 10 vào làm gì. Dự án sang năm sẽ là một phim hành động - ly kỳ, dự định bấm máy vào tháng 3/2011, tôi sẽ thực hiện điều tôi muốn. Nhưng tôi nghĩ khán giả xem phim sẽ chỉ quan tâm phim hay hay dở thôi chứ không mấy để ý đến kinh phí hay công nghệ đâu. Quan trọng là mình kể chuyện có hay không thôi.

* Vậy anh thấy làm phim ở Việt Nam khác với làm phim ở Mỹ như thế nào?

- Tôi làm Buổi sáng đầu nămOan hồn ở Mỹ với một ê-kíp Mỹ rồi làm Chuyện tình xa xứ, Giao lộ định mệnh với ê-kíp đa số là người Việt thì cũng phát hiện ra những điều thú vị. Làm với ê-kíp toàn người Mỹ thì mọi chuyện luôn rõ ràng, trắng là trắng mà đen là đen còn làm với người Việt thì giống như một gia đình, không phải lúc nào trắng cũng là trắng mà đen cũng là đen. Ở Mỹ diễn viên Việt Nam quá hiếm nên không nhiều người giỏi để lựa chọn, còn ở Việt Nam thì quá nhiều diễn viên có khả năng, quá nhiều người giỏi trong ê-kíp, nhiều người hợp với việc mình cần nên công việc nhẹ đi rất nhiều.

* Anh có bị sốc vì “thấy trắng mà lại không phải trắng” không?

- Không có gì đáng kể. Dần dần tôi thấy cũng dễ thích nghi và phát hiện ra rằng chuyện trắng đen không rõ ràng cũng có cái hay của nó. Dù sao tôi cũng là người Việt nên việc hướng về tình nghĩa cũng là bình thường, tôi hoàn toàn có thể thích nghi và chưa bị ảnh hưởng tới công việc.

Dương Vân Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm