Giá như cuộc sống có... VAR

29/01/2019 06:45 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “VAR” là từ mà chúng ta nhắc tới nhiều nhất trong tuần qua, khi trận tứ kết Asian Cup 2019 giữa Việt Nam và Nhật Bản là sự kiện chi phối tâm trí tất cả mọi người.

Công nghệ VAR đã giúp Việt Nam tránh được bàn thua như thế nào?

Công nghệ VAR đã giúp Việt Nam tránh được bàn thua như thế nào?

Trận Việt Nam - Nhật Bản là lần đầu tiên trong lịch sử, công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) được áp dụng ở Asian Cup. Và tình huống đầu tiên, VAR đã giúp Việt Nam tránh được một bàn thua.

Chúng ta vỡ òa vì VAR cứu cho Việt Nam một bàn thua vào phút 24. Và, chúng ta cũng ngậm ngùi chấp nhận, khi VAR là tác nhân dẫn tới bàn thua duy nhất của Việt Nam gần 30 phút sau đó.

Vắn tắt, VAR là công nghệ hỗ trợ bằng video, được sử dụng nhằm giúp các trọng tài bóng đá có thể đưa ra những quyết định chính xác nhất. Và quan trọng, nó chỉ được sử dụng trong một số tình huống nhất định trong một trận đấu, tức là “phạt nóng” khi mà trận đấu vẫn đang diễn ra.

Chú thích ảnh
VAR là công nghệ hỗ trợ bằng video. Ảnh: Internet

Thực tế, không chỉ bóng đá, công nghệ số đã phủ bóng lên hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống trong vài thập kỷ qua. Những gì ta thấy từ VAR là điều tất yếu, khi công nghệ cho phép lưu trữ và kiểm tra sự chính xác tuyệt đối của những hành động, sự việc được quan tâm.

Và tự dưng, trong những câu chuyện xảy ra dịp sát Tết, tôi bỗng ước cuộc sống đời thường cũng có “VAR” để hỗ trợ, dựa trên những hệ thống dữ liệu được lưu giữ và kiểm tra khi cần thiết.

Chẳng hạn như vụ tai nạn giao thông tại Hải Dương vừa xảy ra hôm 21/1, dư luận đang bức xúc về thiết kế thiếu hợp lý của cây cầu vượt bộ hành gắn với vị trí có tai nạn. Với “VAR”, chúng ta chỉ việc kiểm tra dữ liệu để làm rõ về trách nhiệm của những người có liên quan trong việc thiết kế, phê duyệt và cho phép đưa vào vận hành cây cầu này.

Rồi chưa đến Tết, tình trạng khan vé phổ thông đường dài (loại vé phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng) của ô tô, máy bay, tàu hỏa như những năm trước lại được nhắc tới - cho dù, theo thông tin của ngành quản lý, hàng ngàn chuyến bay và hàng chục chuyến tàu hỏa đã được tăng cường. Có “VAR”, chúng ta sẽ kiểm tra tình trạng cháy vé – cũng như việc phân phối lượng vé đang có - là như thế nào trên thực tế, để từ đó hoặc khẳng định, hoặc bớt đi những bức xúc hồ nghi.

Thậm chí, thời điểm cuối năm là dịp nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao; đồng thời đối tượng gian lận thương mại cũng hoạt động mạnh. Nếu có “VAR” cung cấp dữ liệu từng có về những điểm bán hàng không trung thực, những sản phẩm bị phát hiện gian dối, chúng ta sẽ bớt hoang mang, khi mà hàng loạt siêu thị, cửa hàng từ lớn đến nhỏ đang đồng loạt khuyến mãi, giảm giá, nhưng không ai rõ về chất lượng hàng.

***

Viết đến đây, tôi bỗng hoang mang khi nhận ra: ước muốn về “VAR” của mình thật ra không hề xa lạ. Bởi ở Việt Nam bây giờ, rất nhiều lĩnh vực đang triển khai, hoặc đề xuất triển khai việc thu thập dữ liệu số để tạo ra sự tiện ích, nhanh gọn và hợp lý trong quản lý, cũng như giải quyết các rắc rối phát sinh. Hình thức ấy đã phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển, và là điều tất yếu gắn với khái niệm “đô thị thông minh” hay “công nghệ 4.0” mà chúng ta luôn nhắc tới.

Chỉ có điều, công nghệ không thể thay thế ý muốn chủ quan của con người. Hay nói cách khác, công nghệ hiện đại đến mấy cũng trở nên vô ích, khi người ta không muốn sử dụng chúng vì những lý do này khác.

Đơn cử, cũng trong tai nạn ở Hải Dương vừa qua, khi vụ việc xảy ra, nhiều người mới nhắc tới việc chiếc xe tải đâm chết 8 người dù gắn thiết bị giám sát hành trình, nhưng lại không truyền dữ liệu về các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

Khi đưa công nghệ VAR vào sân bóng đá, FIFA mong muốn đảm bảo tính chính xác, công bằng hơn cho các đội bóng tham gia. Nhưng dù sao, đó chỉ là sự chính xác, rõ ràng của một trò chơi.

Còn ở ngoài đời, tất nhiên sự rõ ràng và minh bạch tuyệt đối sẽ không dễ để được chấp nhận áp dụng như thế, dù với VAR hay công nghệ nào đi nữa.

Đào Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm