Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà văn Trần Đức Tiến: 'Còn gõ ra chữ thì còn viết cho thiếu nhi'

24/05/2023 18:41 GMT+7 | Văn hoá

Trần Đức Tiến say mê ngắm nhìn hoạt động của những chú dế, chàng cóc và các loài bọ… mà không bao giờ ngán. Một trật tự được sắp đặt ra sao, những xung đột được giải quyết như thế nào… đã được ông viết từ những quan sát ấy, trong những truyện đồng thoại.

Trẻ con đọc ông sẽ tưởng tượng về thế giới loài vật vô cùng sinh động và lạ lẫm, còn người lớn đọc như được trở về một góc thơ ấu của mình - khi mà cuộc sống chưa làm chúng ta bị ô nhiễm tiếng ồn. Đọc ông đôi khi cay mắt vì kỷ niệm bỗng nhiên thức dậy, như khi ta gặp câu kết của truyện Giọt sương đêm: "Có khi người ta thức trắng đêm chỉ vì một giọt sương".

Khá nhiều tác phẩm của ông đã đượcđưa vào sách giáo khoa như Giọt sương đêm (Ngữ Văn 6, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo), Cá chuồn tập bay (Tiếng Việt 2, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo), Bạn nhỏ trong nhà (Tiếng Việt 3, tập 1, bộ Kết nối tri thức), Hoa cúc áo (Tiếng Việt 4, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo), Chân trời cuối phố (Tiếng Việt 4, tập 1, bộ Kết nối tri thức)…

Nhà văn Trần Đức Tiến có cuộc trò chuyện cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN):

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà văn Trần Đức Tiến: 'Còn gõ ra chữ thì còn viết cho thiếu nhi' - Ảnh 1.

Nhà văn Trần Đức Tiến

Khoe những người "bạn cũ"

* 25 truyện ngắn trong tập truyện "Xóm Bờ Giậu" được viết từ năm nào đến năm nào và quá trình tập hợp lại như thế nào, thưa ông?

- Sau nhiều năm viết cho các em, tôi có ý định làm một tập truyện đồng thoại chọn lọc, gồm những truyện mà mình ưng ý nhất. Trong số đó, có một số truyện viết về các con vật quen thuộc thường sống trong sân vườn nhà tôi: Cóc, thằn lằn, tắc kè, dế… Ngoài ra còn những truyện về những con vật khác, trong một không gian khác.

Ban đầu tính đặt tên cho tập truyện là Xóm Bờ Giậu và những truyện khác. Tuy nhiên sau đó, cả biên tập viên nhà xuất bản và tôi thấy cái tên sách hơi dài, nên thống nhất chỉ dùng tên Xóm Bờ Giậu.

Trong tập này, có một số truyện được viết từ nhiều năm trước. Nhưng chọn ra một số để chỉnh sửa và viết thêm những truyện mới, mất chừng 2 năm (từ 2017 đến cuối 2018). Tôi biết khoảng thời gian đó có thể làm cho một số người ngạc nhiên vì sự chậm chạp, nhưng biết làm thế nào? Tài mình có hạn, nên phải bù bằng thời gian làm việc.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà văn Trần Đức Tiến: 'Còn gõ ra chữ thì còn viết cho thiếu nhi' - Ảnh 2.

Hai tác phẩm viết cho thiếu nhi của Trần Đức Tiến

* Thế giới sống động của các loài vật trong "Xóm Bờ Giậu" nói chung và truyện ngắn "Giọt sương đêm" (trích trong "Xóm Bờ Giậu") nói riêng có lẽ đã từng ở rất gầnông?

- Sân vườn nhà tôi có những con vật như đã nói, nhưng ở cái bụi trúc um tùm cạnh cổng lại vắng bóng… con bọ dừa! Hồi nhỏ ở quê, bọn trẻ con chúng tôi rất hay tìm bắt bọ dừa để chơi. Chong chóng bọ dừa xoay tít, là một trong những "món" đồ chơi quê mùa, nhưng hấp dẫn, của bọn trẻ quê nghèo. Bọ dừa thường sống trong bụi trúc. Giờ có tuổi, mỗi lần nhìn bụi trúc ngoài cổng lại nhớ đến con bọ dừa ngày nhỏ, nhớ quê…

 Không hiểu sao tôi vẫn nghĩ bọn trẻ bây giờ, nhất là trẻ thành phố, chắc chắn không biết nhiều con vật nhỏ bé, hiền lành, thân thuộc, như bạn bè chúng tôi ở quê xưa, trong đó có con bọ dừa. Tôi muốn "khoe", muốn giới thiệu những "bạn cũ" này…

Truyện dài A lô!... Cậu đấy à? của Trần Đức Tiến vào chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023.

* Thiên nhiên và thế giới động vật thường được ông miêu tả kỹ lưỡng trong các tác phẩm của mình, để có được điều ấy là cả một kỹ năng cần được rèn luyện chăm chỉ, phải không?

- Thực sự thì tôi không chủ ý rèn luyện gì cả. Nếu có được cái "kỹ năng" như bạn nói, có lẽ do tôi vốn gần gũi thiên nhiên ngay từ khi còn nhỏ. Trẻ con nhà quê mà! Đồng ruộng, đất đai, cây cối, sông ngòi, các con vật… không xa lạ với chúng tôi. Những thứ đó rất dễ gây cho tôi những cảm xúc. Khi yêu, người ta tự nhiên để ý quan sát, ghi nhớ những nét đáng yêu ở đối tượng mình yêu.

Bạn có biết một con "Xin bát cơm nguội", khi chìa cái "tay" của mình ra, trông có vẻ tội nghiệp thế nào không? Một con "Vòi voi" mặc váy hoa sặc sỡ, đội chiếc mũ thời trang, lúc nào cũng có vẻ sắp đi hội. Một con "Đông Tây Nam Bắc" là nhà địa lý nhưng không nắm chắc bốn phương tám hướng… Không yêu, tôi dễ bỏ qua những đặc điểm cũng như tính cách, tình cảm của chúng.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà văn Trần Đức Tiến: 'Còn gõ ra chữ thì còn viết cho thiếu nhi' - Ảnh 4.

Một trang của “Giọt sương đêm” trong Ngữ Văn 6

* Khả năng quan sát thiên nhiên để thấy những chuyển động của nó có từ sở thích, thói quen bẩm sinh của ông hay các nguồn tài liệu từ sách báo, truyền hình?

- Vâng, như tôi đã nói, khả năng đó xuất phát từ tình yêu, hoặc nói một cách giản dị hơn là từ sở thích ngay từ khi còn là đứa trẻ.

Tất nhiên khi viết cho các em, đôi khi tôi vẫn cần phải tìm hiểu thêm qua sách báo và nhiều nguồn tài liệu phong phú khác. Không ai dám nghĩ mình biết tất cả mọi thứ trên đời. Kiến thức, sự hiểu biết của người khác mình học được khiến mình rất thú vị.

Chẳng hạn, loài chuồn chuồn có thể có những chuyến bay vượt đại dương. Một chú kiến bé nhỏ có thể vận chuyển một khối lượng "hàng hóa" nặng gấp 50 lần trọng lượng cơ thể. Hoặc như loài xén tóc, với hàm răng chắc khỏe, sắc nhọn (loài xén tóc Nam Mỹ nghiến gãy đôi một chiếc bút chì), nhưng không bao giờ tấn công người, ngay cả khi người đuổi đánh, phá nhà của chúng…

Những kiến thức khoa học rất cần thiết. Nhiều khi chúng là mầm mống, là gợi ý cho những ý tưởng sáng tạo nghệ thuật. Còn những gì không cần đến sự đúng đắn, chính xác của khoa học, thì tôi… bịa.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà văn Trần Đức Tiến: 'Còn gõ ra chữ thì còn viết cho thiếu nhi' - Ảnh 5.

* Đối với ông, thế giới sẽ ra sao nếu con người, đặc biệt là trẻ em, không còn rung động với thiên nhiên, cũng như không có nhu cầu đối thoại với thiên nhiên?

- Cảm ơn bạn, đây là một câu hỏi hay và khó. Tôi không thể trong khoảng thời gian có hạn tìm ra câu trả lời đích đáng. Nhưng tôi đã từng nghĩ và viết ra thế này: Con người là một phần của thiên nhiên, không thể sống tách rời thiên nhiên. Không còn biết rung động trước thiên nhiên, không có nhu cầu đối thoại với thiên nhiên là con người đã tự cô lập mình, tách rời khỏi môi trường sống nhiều dưỡng chất cho đời sống tinh thần của mình.

Tâm hồn cằn cỗi, tất yếu dẫn đến chỗ tàn phá, hủy hoại môi trường. Thực tế không thiếu những ví dụ cho chuyện này. Như thế khác gì con người tự mình đẩy mình đến nhanh "ngày phán quyết cuối cùng"?

Luôn có những trang văn đang viết

* Các tác phẩm khi đã được đưa vào sách giáo khoa thì giống như kiểu "luật bất thành văn", học sinh sẽ xem đó là văn chương chuẩn mực. Từ đó, học sinh sẽ có hướng phân tích theo hướng "văn mẫu", hoặc thiếu hẳn tư duy phản biện, hoặc nói lên những chỗ mình không thích. Ông nói gì về nhận xét này?

- Trước hết, đó là một nhận xét đúng. Hầu hết học sinh sẽ nghĩ tác phẩm phải có giá trị văn chương, phải hay ho như thế nào thì mới được đưa vào sách giáo khoa cho chúng học chứ? Khi phân tích, bình luận, đương nhiên các em sẽ theo hướng khen ngợi. Có khi cố "vắt óc" ra để khen. Như vậy, vô tình khiến các em phải nghĩ giả, nói giả. Tất nhiên, cũng có em có bản lĩnh, dám nói thật không thích tác phẩm này, tác phẩm kia, hoặc chỗ này hay, chỗ kia dở… Tiếc rằng số đó quá hiếm.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà văn Trần Đức Tiến: 'Còn gõ ra chữ thì còn viết cho thiếu nhi' - Ảnh 7.

Trần Đức Tiến tại buổi gặp các em thiếu nhi trong CLB Đọc sách cùng con (Hà Nội)

Tôi ít nhiều có cơ hội làm việc với một số người biên soạn sách giáo khoa, có dịp được đọc một số sách giáo khoa môn Tiếng Việt, Ngữ văn bậc tiểu học và trung học cơ sở. Sách thường được kết cấu theo các chủ đề, ví dụ: "Mái nhà yêu thương", "Cộng đồng gắn bó", "Những người bạn quý"… Mỗi chủ đề có một số tác phẩm văn học được chọn để dạy và học. Cái khó cho các nhà biên soạn là tìm ra được tác phẩm phù hợp, lại hay.

Có không ít trường hợp, khi không tìm được trong sách báo có sẵn, họ phải đặt bài. Chất lượng văn chương của những bài đặt này, phụ thuộc vào tài năng của người viết và thời gian phải hoàn thành. Theo quan sát của tôi, những bài đó thường chỉ đạt yêu cầu nội dung phù hợp, còn văn chương thì… có sao dùng vậy.

* Ông vẫn tiếp tục sáng tác cho thiếu nhi chứ?

- Chắc chắn rồi!Chừng nào còn gõ ra chữ thì còn viết cho thiếu nhi.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà văn Trần Đức Tiến: 'Còn gõ ra chữ thì còn viết cho thiếu nhi' - Ảnh 8.

Trần Đức Tiến và các em thiếu nhi ở Sa Pa

* Với văn chương, ông đang ấp ủ điều gì?

- Viết được những gì mình cảm thấy hài lòng với chính mình và lúc nào tôi cũng đang viết điều mình ấp ủ.

* Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nhiều giải thưởng


Trần Đức Tiến sinh năm 1953 tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1996.


Ông viết cho thiếu nhi và người lớn. Riêng mảng văn học thiếu nhi, ông từng đoạt Giải Nhất của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giáo dục & Đào tạo (2005), Giải Nhất của Cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Đan Mạch đồng tổ chức... Tập truyện Xóm Bờ Giậu được trao Giải B của Giải thưởng Sách quốc gia 2019.


Từ năm 1998 đến 2007, ông là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kiêm Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lâm Hạnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm