Nghệ sĩ xiếc Tạ Duy Nhẫn: 'Tôi hoàn toàn bị ngựa chinh phục'

05/02/2014 19:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Con ngựa có dáng dấp đẹp, ân tình, gần gũi với cuộc sống và có tốc độ. Nó phù hợp với sở thích của người cầm tinh con Ngựa như tôi” - NSƯT Tạ Duy Nhẫn mở đầu câu chuyện về loài vật mà ông đã gắn bó trong suốt thời gian làm xiếc thú tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam...

Cha là NSND Tạ Duy Hiển, cánh chim đầu đàn của ngành xiếc Việt Nam, Tạ Duy Nhẫn, tuổi Giáp Ngọ, đến với xiếc từ khi mới 5 tuổi. Nếu cha là người khai sáng ngành xiếc, thì ông Nhẫn đã giúp xiếc thú thăng hoa. Hiện NSƯT Tạ Duy Nhẫn là Trưởng đoàn Xiếc thú - Liên đoàn xiếc Việt Nam.

Từng thành công với tiết mục xiếc người, nhưng từ năm 1978, khi Đoàn xiếc Trung ương được tặng ngựa Mông Cổ, ông Nhẫn chính thức bước chân sang lĩnh vực xiếc thú và bắt đầu làm bạn, huấn luyện những chú ngựa.

Tiết mục xiếc ngựa của ông đã mang đến những thành công vang dội. Cho đến nay, khi đã sắp đến tuổi về hưu, nhưng ngựa vẫn là con vật ông yêu quý đặc biệt và như ông nói đó thực sự là những diễn viên có tâm tư, tình cảm và cá tính.


NSƯT Tạ Duy Nhẫn chinh phục ngựa Đài Loan, năm 1995

Tới Rạp xiếc Trung ương, nhiều người rất hào hứng với màn xiếc ngựa. Hình ảnh những chú ngựa cao lớn phi nước kiệu ra sân khấu, biết tuân thủ theo sự điều khiển của con người luôn khiến khán giả thích thú. Thế nhưng ít ai biết, để có được những màn nhào lộn trên lưng ngựa, luồn qua bụng ngựa, cổ ngựa; hay điều khiển những chú ngựa nhỏ chạy theo đội hình, nhảy theo nhịp nhạc... các huấn luyện viên xiếc thú đã phải rất nhẫn nại, bền bỉ và phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức. Thậm chí, họ cũng phải đối mặt với nguy cơ bị chấn thương, nguy hiểm cận kề.

Năm 1978, sau khi thuần phục được những chú ngựa hoang Mông Cổ, ông Tạ Duy Nhẫn đã trình diễn một cuộc đua tốc độ trên sân khấu trước sự ngạc nhiên và khâm phục của Đại sứ Mông Cổ. Ông Nhẫn hồi tưởng: “Khi khuất phục được những chú ngựa Mông Cổ, thì ngược lại tôi cũng hoàn toàn bị ngựa chinh phục. Tôi yêu ngựa từ ngày đó”. Năm 1994, ông Nhẫn dựng lại tiết mục xiếc ngựa đã một thời vang bóng của người cha với tên gọi “Một thời để nhớ”, với động tác gảy đàn trên lưng ngựa, cầm cờ đứng trên lưng ngựa phi nước đại và nhào lộn...

Có dịp được mời tới vùng lãnh thổ Đài Loan lưu diễn, trong điều kiện không thể mang ngựa nhà sang theo, nhưng trong vòng 10 ngày, Tạ Duy Nhẫn đã tập và biểu diễn thành công trên lưng những chú ngựa của nước bạn. Nhiều người đã lấy làm kinh ngạc về điều này.

Ông Nhẫn thủng thẳng: “Tôi cũng tuổi Giáp Ngọ, có lẽ vì thế mà tôi có rất nhiều sự đồng cảm với ngựa. Tên tôi là Nhẫn và thật trùng hợp: yếu tố quan trọng cần nhất ở người làm xiếc ngựa là tính kiên nhẫn”.

Ngựa xiếc được phân thành 2 loại: ngựa lớn để làm ngựa phi, ngựa bé để làm các tiết mục ngựa trò. Ngựa rất gần gũi, tình cảm. Ông Nhẫn kể: “Có con ngựa bị bệnh, mọi người trực chăm sóc cho nó suốt đêm. Chỉ có nghệ sĩ biểu diễn cùng với nó là đang bận việc, chưa thể về ngay. Dù bệnh tình ngày càng nặng, thế nhưng con vật này vẫn chờ đến khi nghệ sĩ biểu diễn đến, nó mới chịu tắt thở. Điều này cứ ám ảnh tôi mãi, có lẽ cả đời tôi cũng không lý giải nổi”.

Mỗi chú ngựa một cá tính: con hiếu động, con bướng bỉnh, con hiền lành, con thích ăn cỏ, con thích ăn ngô, con lại thích ăn cà rốt... Vì thế, người chăm sóc, huấn luyện phải luôn quan sát, để ý, hiểu tính nết, sở thích của từng con, phải coi chúng thực sự là bạn. Việc chăm sóc ngựa xiếc cũng phải tuân thủ theo những quy định khắt khe như khẩu phần ăn phải cân đối, phải chải chuốt cho ngựa hàng ngày, thậm chí phải chăm sóc cho chúng từ những cái móng chân. “Ngựa là con vật nhanh nhẹn, nên phải luôn cố gắng điều chỉnh và làm chủ được tốc độ. Nhìn chung, người huấn luyện phải luôn hiểu tính từng con để lựa, phải coi chúng thực sự là những người bạn” - Tạ Duy Nhẫn chia sẻ thêm.

Với những con ngựa khó thuần phục, thì một khi đã thuần được, sẽ rất tuyệt vời. Tuy nhiên, cũng có những con ngựa quá cá tính khiến ông Nhẫn phải chịu thua.

Nhưng bấy nhiêu năm làm nghề, ông cho rằng mình chưa tìm được con ngựa nào thực sự ưng ý. Vì nguồn kinh phí hạn chế nên chỉ có thể mua được những con ngựa tầm trung. Theo kinh nghiệm của ông, ngựa chuẩn phải có vóc dáng đẹp, phải cao 150cm trở lên, chân thon và khô, cổ con công, thân hình như đàn tỳ bà để úp, mặt nhanh như thỏ.

Khi kể về những chú ngựa, ông Nhẫn rất hào hứng. Nhưng khi được hỏi về những khó khăn với người làm xiếc thú nói chung và xiếc ngựa nói riêng, giọng ông chùng xuống: “Công việc của những người làm xiếc thú còn gặp rất nhiều khó khăn do chế độ đãi ngộ còn thấp; phải làm việc trong điều kiện ăn, ở cùng với những con thú; số lượng và chất lượng con thú được đầu tư chưa nhiều; rủi ro, nguy hiểm luôn rình rập bất cứ lúc nào. Đặc biệt với các huấn luyện viên xiếc ngựa, đã có nhiều trường hợp bị chấn thương do bị ngã, ngựa đá, ngựa dẫm...”.

Ông cũng không khỏi ngậm ngùi vì xiếc thú hiện nay chưa đặt được đúng vị trí của nó. Đặc biệt, ông bảo với những ai đã từng làm xiếc ngựa, sau khi không diễn nữa thì thường bần thần vì nhớ nhung những con ngựa, người bạn diễn của mình.

Thanh Ba
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm