Những nẻo đường EURO: Hãy lên xe, và ta đi cùng nhau...

08/07/2016 15:21 GMT+7 | Ký sự Euro

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi tin rằng, những người yếu đuối trước phụ nữ đẹp thường là người tốt, và đôi khi, ngây thơ khi hình dung ra rằng, thế giới luôn có màu hồng. Enrico là một người như vậy. Anh bạn đẹp trai của tôi đã từng cho một cô gái xin đi nhờ ở trạm nghỉ dọc đường lên xe của mình trong một hành trình dài xuyên nước Ý chỉ vì cô rất đẹp. Anh cứ nghĩ rằng cô chỉ đi một mình. Nhưng...

Nếu bạn là người dại gái....

Những câu chuyện như của Enrico có thể xảy ra với bất cứ ai trên những hành trình rong ruổi khắp nơi của họ trên hàng vạn cây số đường cao tốc ở Châu Âu này. Bạn lái xe một mình trong chuyến đi và bạn tấp vào một trạm nghỉ để đổ xăng, để châm một điếu thuốc, uống một tách cà phê cho tỉnh táo, đọc vài trang báo cho thư giãn hoặc đơn giản là vặn mình một chút cho thoải mái chân tay sau hàng trăm cây số trên đường. Thế rồi bạn nhìn thấy một cô gái rất xinh, tóc vàng, mắt xanh, dáng bốc lửa, đang đứng cầm một tấm bìa ghi tên nơi cô muốn tới. Ánh mắt xinh đẹp của cô nhìn tất cả với sự yêu mến vô bờ, với hy vọng ai đó sẽ hào hiệp cho cô đi nhờ đến đó. Và rồi ánh mắt cô gặp bạn, người có thể trong một tích tắc cô đơn nào đó trong chuyến đi nghĩ rằng mình cũng nên có bạn đồng hành. Thế là bạn đồng ý cho cô ấy đi nhờ. Sau cái gật đầu của bạn-và trong đầu bạn đã vẽ lên biết bao kịch bản trên hành trình sắp tới với người phụ nữ quyến rũ kia, bỗng nhiên bạn thấy từ đâu đó ló ra một người đàn ông khác, người đi cùng với nàng. Không thể rút được lời chấp nhận, giấc mơ của bạn trở thành ác mộng, nhất là khi bạn lái xe trên đường, với một đôi trai gái đi nhờ ngồi ở ghế sau đang hôn nhau.

Một đôi trẻ xin đi nhờ xe tôi.

Điều kinh dị ấy đã xảy ra với Enrico một lần, khiến anh cảm thấy “mất hết niềm tin vào cuộc sống” (như anh nói thế) và từ đó, không còn muốn cho bất cứ ai đi nhờ dọc đường nữa. Nhưng tôi thì không như Enrico. Tôi vẫn có niềm tin vào cuộc sống, vẫn thích những câu chuyện dọc đường mà cuộc sống tình cờ đem lại, thích những trải nghiệm khác lạ mà tôi không bao giờ có nếu không có mặt trên những con đường nghìn dặm. Trong hành trình nước Pháp này, tôi đã cho một cô gái xinh đẹp như thế đi nhờ trên đường tôi từ Marseille lên Bordeaux. Nàng cũng đứng một mình ở lối ra của trạm nghỉ, kiên nhẫn chờ đợi những ai tốt bụng cho lên xe, tay cầm tấm biển ghi chữ “Pau” (nàng muốn đến Pau, cũng ở hướng Bordeaux). Tôi đỗ xe lại, và vì kinh nghiệm của Enrico, tôi hỏi cô có bạn trai đi cùng không. Nàng nhoẻn miệng cười gượng gạo như bị đoán đúng “tim đen”, vẫy tay cho một chàng trai bước ra. Họ lên xe với sự mãn nguyện, bởi họ đã chờ tại đây từ trưa mà không ai muốn cho họ đi. Chút bánh mì và nước họ mang theo cũng đã hết. Họ đã từng lo phải ngủ lại tại trạm nghỉ này.

Đi để làm giàu thêm vốn sống của mình

Nàng là một cô gái Hà Lan 20 tuổi, chàng là một người Đức hơn nàng 2 tuổi. Họ đã gặp nhau hai năm trước cũng trong một trạm nghỉ, khi nàng cho chàng đi nhờ xe trên một hành trình dài, với lí do duy nhất là nàng thích dáng đứng cầm tấm biển xin đi nhờ của chàng. Họ yêu nhau nhanh chóng và kể từ đó, năm nào vào mùa hè, khi nàng không đến giảng đường và chàng nghỉ làm, họ bỏ lại tất cả mọi thứ sau lưng để khoác những chiếc ba lô nặng chịch có đủ thứ trong đó lên vai, thực hiện một hành trình lớn mà hàng nghìn thanh niên Châu Âu này đã và đang làm trong những năm qua: xin đi nhờ xe. Không phải trả một đồng nào cho những cuốc xe ấy, phụ thuộc hoàn toàn vào sự hào hiệp của những người lái xe dọc đường và sử dụng mọi giác quan của mình để biết được sự bất trắc đang chờ đợi họ ở phía trước (những rủi ro đến từ chính những người lái xe, và chính những người lái xe cũng có thể cảm nhận được sự rủi ro từ việc cho đi nhờ), họ cứ đi như thế, trong một hình thức được gọi là “hitchhiking”, ròng rã từ nơi này qua nơi khác, từ ngày tháng này qua ngày tháng khác, làm dày thêm cuốn sách của đời mình bằng những trải nghiệm trên mọi con đường, qua việc tiếp xúc với những người không quen biết, đến những vùng đất xa lạ, đối diện với những rủi ro trên đường. Đương nhiên với một chi phí cực thấp.


Chàng bảo rằng họ đi như thế không phải vì nghèo. Nàng phụ họa thêm rằng họ sống với bố mẹ, nhưng cũng đi làm thêm và có một số tiền nhất định để có thể đi du lịch theo cách thông thường, nghĩa là đi máy bay giá rẻ, hoặc đơn giản là đăng kí trên các trang mạng mọc lên như nấm (như BlaBlacar) cho phép những người thích đi du lịch bụi chia sẻ hành trình với những người khác nhằm giảm chi phí xăng xe và cũng đảm bảo an toàn hơn, nhưng nàng thích đi như thế này hơn. “Vì đấy là những trải nghiêm đầy thú vị của một thời trai trẻ”, nàng nói. Còn chàng, ngoan ngoãn ngồi ghế sau tôi và ôm nàng trong tay (tôi không cảm thấy khó chịu khi họ hôn nhau trong xe, như cảm giác bực bội và chưng hửng của chàng mơ mộng Enrico khi thấy đôi của cậu như thế trong xe), nói thêm: “Tôi có một cuốn sổ ghi lại hết những hành trình đã đi và sẽ đi, cũng như viết rõ những cảm xúc của mình trên những chuyến đi ấy, với ai và như thế nào. Tôi hy vọng rằng sau này lớn lên, con tôi đọc được những dòng ấy, và sẽ hiểu là cha nó đã bước ra thế giới như thế nào”. Có một cô con gái luôn ghi chép về các chuyến đi trong một cuốn sổ và với bất cứ người xa lạ nào nó gặp mà thấy mến, nó đều xin chữ kí hoặc vài dòng của người ấy, tôi hiểu cảm giác ấy là như thế nào. Chúng ta còn trẻ, thế giới thì rộng lớn, chúng ta cứ đi ra thế giới, khám phá và tìm hiểu nó để làm giàu cho cuộc sống của chúng ta. Thế giới không thể chỉ được nhìn qua tivi từ cái đi văng nhà mình, mà ta phải làm tất cả những gì có thể, để đến được với nó.

Có một thời, cả thế hệ những người trẻ Phương Tây đã mê cuốn “Trên đường” của Jack Kerouac. Nhà văn người Mỹ viết về một đám bạn rong ruổi hành trình hàng nghìn cây số của nước Mỹ rộng lớn trên một chiếc xe cà tàng. Rất nhiều chuyện đã xảy ra trong các chuyến đi đó. Những xung đột giữa các cá nhân, các mâu thuẫn quan điểm, những chuyện liên quan đến tình dục và ma túy, những sự cố không ai có thể lường trước được có thể ảnh hưởng đến cả mạng sống của họ. Nhưng rồi những gì đọng lại sau chuyến đi ấy là thế giới mở ra trước mắt họ, và họ lớn lên hơn. Tôi cũng đã từng mơ đến việc thực hiện những chuyến đi như thế và rồi khi sang bên này, chứng kiến các bạn trẻ hitchhiking mà rất nể họ. Họ vẫn đi, trong một thế giới đầy biến động và nhiều bất trắc, thậm chí đã từng khiến một vài người như họ thiệt mạng sau hành trình một lái xe không quen biết, nhưng là một kẻ sát nhân. Họ vẫn đi bởi họ vẫn tin vào việc thế giới còn rất nhiều người hào hiệp. Họ cười nhạo vào những bộ phim lấy chủ đề về đi nhờ xe mà Hollywood đã làm để lấy các tình tiết liên quan đến những rủi ro dọc đường của họ để câu khách. Họ tạo ra một cộng đồng những người thích đi nhờ để trải nghiệm cuộc sống. Họ hưởng thụ cuộc sống theo cách của riêng mình.

Anh chàng người Pháp 29 tuổi Jeremy Marie được cộng đồng hitchhiking coi là người hùng. Trong 5 năm qua, bằng việc xin đi nhờ (miễn phí), anh đã đi qua 71 nước trong hơn 100 nghìn km hành trình

Vĩ thanh

Tôi đưa đôi trai gái đến nhà một người bạn mới quen của họ ở Pau. Họ ở đó đêm ấy và sáng hôm sau, người bạn đưa họ ra một trạm nghỉ dọc đường cao tốc, để rồi hành trình của họ lại tiếp tục. Họ cám ơn và nhắn sẽ gửi message cho tôi thường xuyên để thông báo họ vẫn đi, đi mãi. Hôm qua, tôi nhận được mail của họ. Họ đã ở gần Paris, bình an, vui vẻ, hạnh phúc vì có nhau và rồi tiếp tục chuyến đi đến những nơi khác của nước Pháp. Sẽ có nhiều người từ chối họ. Nhưng cũng sẽ có những người tốt bụng dừng lại, và vì cũng tin họ là người tốt, sẽ cho đôi trai gái ấy lên xe trên hành trình của mình. Đương nhiên, hoàn toàn miễn phí.

Tôi chợt nhận ra một điều sau khi cho đôi trai gái ấy lên xe của mình, một điều rất nhỏ mà ý nghĩa: cho đi nhờ khôi phục lại niềm tin của ta vào cái tốt vẫn tồn tại trên thế giới này...

Trương Anh Ngọc (từ Paris, Pháp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm