Đại chiến Anh vs Đức: Cuộc đối đầu vượt ranh giới bóng đá

29/06/2021 14:27 GMT+7 | Tranh cãi

(Thethaovanhoa.vn) - Đại chiến Anh-Đức không đơn thuần là một trận đấu giữa hai thế lực truyền thống của bóng đá châu Âu lẫn thế giới. Đấy còn là nơi chứng kiến những câu chuyện vượt ra ngoài ranh giới của bóng đá, của những yếu tố chuyên môn.

Khi người Đức lạc quan một cách thận trọng

Khi người Đức lạc quan một cách thận trọng

Đội tuyển Đức đã lách qua khe cửa hẹp của bảng từ thần sau trận hòa Hungary để giành vé vào 1/8. Họ đã nhận khá nhiều chỉ trích của báo chí và chuyên gia trong nước vì màn trình diễn không thuyết phục. Đội tuyển Anh đang đợi “đại bàng sông Rhine” ở sân nhà Wembley, còn người Đức đang lạc quan một cách thận trọng.

Lịch thi đấu và trực tiếp EURO 2021 vòng 1/8 (vòng 16 đội):

* 23h00 ngày 29/6: Anh vs Đức (VTV6)

https://hplus.com.vn/xem-kenh-vtv6-hd-2129.html

https://vtvgo.vn/xem-truc-tuyen-kenh-vtv6-6.html

* 02h00 ngày 30/6: Thụy Điển vs Ukraina

https://www.vtvcab.vn/channel/vtv3-hd-1,VTV3_HD.html

https://hplus.com.vn/xem-kenh-vtv3-hd-2130.html

 

1. Nhắc đến trận đấu này, tất cả sẽ nhớ về ký ức 1966, trận đấu Anh đã giành chiến thắng để bước lên ngôi vô địch kỳ World Cup diễn ra trên sân nhà. Vị đại sứ Đức ở London khi ấy đã chia sẻ lại câu chuyện từng muốn đội bóng quê hương mình là người thua cuộc, bởi ông không hề muốn chỉ vì thắng thua trong một trận bóng đá có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước vốn đã cần đến 20 năm để hàn gắn những vết thương.

Câu chuyện này bỗng chốc nóng lên khi con gái một trong những quan chức ngoại giao chia sẻ trên trang Twitter cá nhân vào thời điểm Anh chuẩn bị đối đầu Đức vào đêm nay. Đó là bằng chứng sống động nhất cho thấy bóng đá hoàn toàn có thể tác động đến những khía cạnh khác của đời sống, kể cả những yếu tố chính trị.

Bà Annette Dittert, một nhà báo người Đức từng có thời gian làm trưởng đại diện của kênh truyền hình ARD ở London, khẳng định trận chung kết Anh-Đức năm 1966 vẫn còn ý nghĩa to lớn đối với những ai theo dõi không chỉ vì một bàn thắng gây tranh cãi. Theo lời bà Dittert, một trong số ấy nằm ở thời điểm bà gọi là quãng thời gian bình thường hóa ngoại giao kéo dài của Đức với các quốc gia láng giềng sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc năm 1945, cũng như suy nghĩ của người Đức vẫn coi nước Anh là cha đẻ của bóng đá.

2. Nếu tài năng trẻ Jamal Musiala có cơ hội vào sân trong trận đại chiến đêm nay, anh có thể trở thành đề tài cho một cuộc tranh luận, thậm chí là những lời chỉ trích. Tại sao vậy? Chính Musiala đã khước từ cơ hội khoác áo đội tuyển Anh sau khi đã trải qua 25 trận chơi cho hệ thống tuyến trẻ của nước này từ năm 2016 đến 2020. Anh đã trở thành một cầu thủ thuộc màu áo đội tuyển Đức, ra sân tổng cộng 4 lần, bao gồm trận hòa Hungary 2-2 mà chính Musiala là người tung ra đường kiến tạo quan trọng để Goretzka ghi bàn gỡ hòa giúp thầy trò Joachim Low thoát khỏi một thất bại xấu hổ kèm việc bị loại sớm ngay từ vòng bảng.

Chú thích ảnh
25 năm trước, Anh đã thua Đức ở bán kết EURO 1996, sau khi chính Gareth Southgate đá hỏng quả penalty của mình

Ở tuổi 18, Musiala có lý lịch tương đối phức tạp khi anh sinh ra trong gia đình có bố là người Anh gốc Nigeria còn mẹ là người Đức. Anh trở thành cầu thủ trẻ nhất khoác áo đội tuyển Đức kể từ sau trường hợp của Uwe Rosler, thủ quân đội tuyển Tây Đức cũ trong trận chung kết gặp Anh năm 1966. Cũng không nên trách cứ Musiala, bởi anh còn quá non trẻ để hiểu được những yếu tố nhạy cảm và phức tạp về chính trị mỗi khi Anh gặp Đức trong quá khứ. Brexit là một trong những yếu tố khiến Musiala chuyển đổi màu áo ĐTQG, khi anh cùng gia đình rời khỏi Vương quốc Anh sau 9 năm gắn bó, một phần vì mẹ anh khi ấy đang theo học tại trường đại học Southampton.

3. Quay lại với những yếu tố chuyên môn về trận đại chiến này. Người Đức chưa quên nỗi đau trong các trận đấu lớn, cụ thể là thất bại trước Italy ở EURO 2012 hay Hà Lan ở EURO 1992. Ngược lại, đội tuyển Anh lại mang đến những kỷ niệm ngọt ngào cho thầy trò Low. Anh mới chỉ thắng 6 trong 24 lần đối đầu với Đức hiện tại lẫn khi ĐTQG nước này còn mang tên gọi cũ Tây Đức kể từ năm 1966 đến giờ. Đáng chú ý, chính đội tuyển Đức đã giành chiến thắng trong trận đấu quốc tế cuối cùng diễn ra trên sân Wembley cũ, chiến thắng 1-0 ở vòng loại World Cup 2002 ngày 7/10/2000, lẫn chiến thắng ngay trong trận đấu quốc tế đầu tiên sau khi sân Wembley hoàn tất quá trình tu sửa, chiến thắng 2-1 trong trận giao hữu diễn ra ngày 22/8/2007. Những cổ động viên Đức vẫn thường mỉa mai các CĐV Anh bằng câu khẩu hiệu quen thuộc: “4 chức vô địch World Cup và 3 chức vô địch EURO”, ám chỉ sự vượt trội về thành tích ở các giải đấu lớn để đáp lại khiêu khích từ những CĐV Anh về hai cuộc thế chiến Đức gây ra so với chức vô địch World Cup đầu tiên của đội tuyển xứ sương mù.

Liệu cuộc đối đầu đêm nay có chịu ảnh hưởng nào đó từ chính trị? Một chút liên quan, khi kỳ EURO này không chỉ đánh dấu giải đấu cuối cùng của HLV Joachim Low, mà còn trùng hợp với thời điểm bà Angela Merkel đang bước vào những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ làm Thủ tướng Đức. Chiều ngược lại, nước Anh đang vươn mình mạnh mẽ cả về chính trị lẫn bóng đá hậu Brexit. Cuộc đối đầu Anh-Đức vì thế thật đáng xem, không chỉ đơn thuần là một trận bóng đá.

Đức Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm