Những nẻo đường EURO: Có một thiên đường sách ở Paris

06/07/2016 15:11 GMT+7 | Euro ở Việt Nam

(Thethaovanhoa.vn) - Thiên đường ấy không lớn, chỉ chiếm một khoảng không gian nhỏ vừa đủ một nửa quảng trường, với mặt tiền cũ kĩ sơn màu xanh và vàng, một tủ kính trưng bày sách, một chiếc ghế gỗ tróc lở phía bên ngoài, mấy thùng sách cũ hạ giá và hai bức chân dung văn hào Anh William Shakespeare. Dòng chữ chạy ở phía trên cửa kính: “Shakespeare and company”. Đấy là một hiệu sách, nhưng còn hơn thế nữa, một không gian văn hóa có tiếng của Paris.

Nhìn một chút ra phía trước, qua những khóm cây, đấy là sông Seine. Nhìn xa hơn nữa về bên trái, tháp chuông cao vút của nhà thờ Đức Bà Paris vươn lên. Cách đấy không xa là khu Latin của cuộc sống thú vị và hấp dẫn về đêm, là quảng trường Saint-Michel và đại lộ Saint-Germain náo nhiệt và dường như không bao giờ ngủ, là đại học Sorbonne danh tiếng. Từ tầng hai của thiên đường nhỏ ấy có thể nhìn thấy khu Cité. Bao vây xung quanh khoảng không gian ấy là những quán ăn sang trọng, những quán bar, khách sạn và chỉ cần bước thêm vài chục bước nữa ra đường, Paris ùa ra ào ạt, ầm ỹ, sôi động với tiếng người, tiếng xe, tiếng bấm máy ảnh, tiếng chân bước của những dòng người du lịch không ngớt đổ về những nơi nổi tiếng nhất của thành phố tập trung ở đó. Nhưng ở cái thiên đường bé nhỏ ấy, bên ngoài quảng trường có đúng một cái ghế băng ấy, sự yên tĩnh ngự trị. Đang có ai đó đọc sách say sưa. Bên trong cánh cửa luôn bận rộn ấy, là một thế giới dường như vô tận của sách bằng tiếng Anh.

Phía ngoài của hiệu sách "Shakespeare and company". Xa xa là nhà thờ Đức bà Paris. Ảnh: Anh Ngọc

Thiên đường ấy thực ra không lớn, và có lúc người ta đã phải đưa ra tấm biển yêu cầu khách đứng ngoài chờ. Bên trong, những giá sách cao ngất phải dùng thang để trèo lên lấy và người ta khó có thể tìm sách hoặc đứng đọc tại những giá được phân loại theo chủ đề mà không va chạm nhau. Những người bán hàng, một chàng trai trẻ nói tiếng Anh và một cô gái xinh xắn để tóc theo mốt những năm 1960, vừa mỉm cười vừa tính tiền cho người mua, chủ yếu là thanh niên.

"Shakespeare and company" là một trong những địa chỉ văn hóa nổi tiếng nhất của Paris. Ảnh: Anh Ngọc

Ở thế kỉ 21, với những hiệu sách trực tuyến như Amazon và công nghệ của Steve Jobs chế ngự cuộc sống của chúng ta, biến tất cả mọi thứ thành giản tiện, trong tích tắc và vừa lòng bàn tay, thì sự tồn tại của những hiệu sách như “Shakespeare and company” giữa lòng Paris giống như một sự thách đố với trào lưu sách điện tử và là cách chống chọi với làn sóng thương mại nhìn đâu cũng ra tiền. Những dòng người đến mua sách, du khách ghé qua thăm và chụp ảnh hiệu sách, những thi sĩ ít tên tuổi đọc các vần thơ của mình trên quảng trường nhỏ, nơi mà chân dung Shakespeare đang chăm chú nhìn xuống, các nhà văn mới đến đây để kí tặng sách và giao lưu với độc giả, chính là câu trả lời cho những nhà đầu tư giầu có bước đến đây, tay vẽ lên không trung biểu tượng của đồng euro, cao giọng hỏi giá “bao nhiêu?” để mua toàn bộ không gian này cho những dự án kinh doanh nhà hàng và khách sạn của họ.

Một góc bên trong của "Shakespeare and company". Ảnh: Anh Ngọc

May mắn thay cho những người yêu sách và đam mê thiên đường của sự tĩnh lặng bên tả ngạn sông Seine mà mỗi mét vuông giá hàng tấn tiền này, câu trả lời từ bà chủ xinh đẹp Silvia Whitman luôn là một chữ “non” (không) thật hãnh diện. Một “utopia” (thế giới không tưởng) của tri thức, sách vở, kiến thức, của mọi thứ liên quan, từ triết học cho đến Albert Camus, từ sách khoa học cho đến các tiểu thuyết bán chạy của Stephen King.

Không chỉ thế, kể từ năm 1951, khi hiệu sách được mở với cái tên ban đầu Le Mistral bởi George Whitman, cha của Silvia và là một người cộng sản, nơi đây đã đón tiếp hơn 30 nghìn thanh niên yêu văn học và thơ ca đến trú ngụ mà không phải trả đồng nào. Họ ngủ trong các góc của hiệu sách, hoặc trên lầu bốn, mỗi ngày đứng bán sách hai tiếng đồng hồ, phải đọc một cuốn sách, phải viết một câu chuyện để giới thiệu bản thân mình và đến buổi đêm thì sáng tác. Ngoài ra, không còn yêu cầu gì nữa. Những năm 1950, rất nhiều người Mỹ chạy trốn khỏi chủ nghĩa McCarthy săn lùng cộng sản và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã tới đây. Những năm 1960, những người đấu tranh cho nữ quyền và các sinh viên đã ở đây trong cao điểm của phong trào biểu tình năm 1968 tại Paris. Những năm 1970 chứng kiến sự có mặt của những nhà văn và nhà thơ Ấn Độ. Những năm 1980 cho đến giờ, người ta thấy đến đây là những người du lịch ba lô. Mới rồi, cuối năm ngoái, những người khách hàng của hiệu sách đã trú ở đây trong đêm mà ISIS tấn công khủng bố Paris.

Bên trong của "Shakespeare and company". Ảnh: Anh Ngọc

Hôm đến “Shakespeare and company”, tôi cứ đứng ngắm mãi hiệu sách hồi lâu rồi mới hít một hơi thật dài và đẩy cửa bước vào. Chợt tự dưng sống lại cảm giác của ngày thơ bé đi học về cứ đứng tần ngần hồi lâu trước cơ man nào là quầy của hiệu sách Quốc văn. Và những ngày bị nhốt trong nhà khi bố mẹ đi làm là một thế giới không hề cô đơn mở ra khi có sách, rất nhiều sách trong nhà làm bạn. Chính từ tri thức đã thu nạp được trong những cuốn sách không-bao-giờ-phản-bội-ta ấy, mà tôi lớn lên, đi ra thế giới và một ngày trở lại nơi đây, xúc động khi thấy quá khứ ấy ùa về man mác và sống động như đang hiện ra trước mặt. “Shakespeare and company” giống hệt cái thế giới sách tôi đã từng mơ mộng trong quá khứ thiếu thốn đủ điều ở mình, và vì biết tôi thích đọc, những món quà mà cha mẹ và họ hàng dành cho tôi luôn là sách, hoặc những tấm bản đồ thế giới.

Ở hiệu sách này, có một không gian yên tĩnh cho việc đọc sách miễn phí, có các hoạt động liên quan đến văn học hàng tuần. Và như thế, Paris không chỉ có Eiffel, Cổng khải hoàn, những khu nổi tiếng như Marais, Montmartre, hay Latin, vườn Luxemburg và những đại lộ đã trở thành một điểm bắt buộc cho những ai đến đây phải đi bộ đến cuồng chân như Champs-Elysees, Paris còn có những góc tuyệt diệu như ở phố Bucherie này.

Văn hóa đọc vẫn được gìn giữ ở mảnh đất này. Đâu đâu cũng thấy người ta đọc, nhất là người trẻ. Ảnh: Anh Ngọc

Không ngạc nhiên khi “Shakespeare and company” xuất hiện trong điện ảnh và điều đó thu hút sự chú ý của rất nhiều người đến Paris. Liệu người ta thích đứng chụp ảnh trước một hiệu sách chỉ vì nó đã xuất hiện một cách lãng mạn và thơ mộng trong các phim ăn khách “Midnight in Paris” của Woody Allen, “Before sunset” của Richard Linklater, hay serie phim truyền hình “Triumph in the Skies 2” của TVB Hong Kong? Trong cái thời buổi mà smartphone lên ngôi một phần vì tạo điều kiện cho người ta selfie, Facebook giúp những cái Tôi thể hiện mình đang ở đâu đó trên thế giới này và cho tất cả thấy điều ấy, thì xem ra xu hướng ấy cũng không lạ. Nhưng tôi không tin người ta làm vậy ở đây chỉ vì như thế. Bởi bên trong cái mặt tiền rất đặc biệt là sách, rất nhiều sách, một thiên đường của sách.

Và sách, cũng như tình yêu và sự chân thành, sẽ cứu chuộc chúng ta.

Khi hiệu sách giống như một cuốn tiểu thuyết

“Tôi tạo ra hiệu sách này giống như một nhà văn đang viết tiểu thuyết, với mỗi gian giống như một chương sách. Tôi thích mọi người mở cửa để bước vào, theo đúng cách họ mở một cuốn sách”, George Whitman, người sáng lập ra “Shakespeare and company” đã có lần nói thế và con gái ông, Silvia, đã luôn duy trì triết lí ấy kể từ khi tiếp quản cửa hàng của cha, sau khi ông mất vào năm 2011 ở tuổi 98.

“Tôi tạo ra hiệu sách này giống như một nhà văn đang viết tiểu thuyết" – George Whitman

Trên thực tế, hiệu sách có tên ban đầu là “Le Mistral” và được đổi tên thành “Shakespeare and company” vào năm 1964, nhân kỉ niệm 400 năm ngày sinh của đại văn hào Shakespeare và cũng là để tưởng nhớ đến bà Silvia Beach, chủ một cửa hàng sách cũng mang tên “Shakespeare and company” do bà lập nên ở Paris vào năm 1919, cũng ở tả ngạn sông Seine, vừa là hiệu sách, vừa là nơi cho mượn sách. Hiệu sách ấy đã trở thành nơi lui tới quen thuộc của các nhà văn và nghệ sĩ thuộc “lost generation” (thế hệ bị đánh mất, từ mà nhà văn nổi tiếng Hemingway đã dùng đầu tiên để ám chỉ thế hệ những người lớn lên trong Thế chiến I), bao gồm Ernst Hemingway, Man Ray hay Scott Fitzgerald. Hiệu sách đóng cửa vào năm 1940, sau khi quân Đức chiếm đóng Paris. Bà Silvia Beach mất năm 1964. Silvia, con gái của George Whitman, được đặt tên theo tên của bà.

Trong suốt hơn nửa thế kỉ qua, “Shakespeare and company” đã trở thành một địa chỉ văn hóa lớn ở Paris, thu hút rất nhiều thế hệ các nhà văn và nhà văn hóa đến đây. Thậm chí cả các chính trị gia cũng đã tới đây. Có một giai thoại kể rằng, trong số các tấm card visit mà người ta tìm thấy khi dọn dẹp hiệu sách, có một tấm thiếp của Dick Cheney, trong vai trò của một nhà lãnh đạo tập đoàn dầu khí Halliburton những năm 1990. Dick Cheney sau này đã trở thành phó Tổng thống Mỹ. Câu hỏi đặt ra là vào lúc ấy, Cheney đến đây để mua một cuốn sách của Ernst Hemingway, Tom Clancy hay Sidney Sheldon? Cheney không bao giờ nói về điều đó, và ở Paris, cũng chẳng ai biết điều này.


Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (từ Paris, Pháp)
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm