Mỗi tuần một chuyện: Arsenal & chuyện người chơi với màu nước

17/08/2015 15:35 GMT+7 | Arsenal

(Thethaovanhoa.vn) - Giữa tuần trước, CNN có một bài báo giới thiệu về Henry Fraser, một chàng trai 23 tuổi có biệt tài vẽ tranh bằng... miệng. Kể từ sau tai nạn năm 17 tuổi,  Fraser làm quen với chiếc xe lăn, và từ đó, cậu tập ngậm cọ vẽ và sáng tạo ra những bức tranh màu nước rất đẹp. Một trong những bức tranh của Fraser được CNN giới thiệu là chân dung của Thierry Henry, được vẽ năm ngoái, trong một lần Fraser đến sân xem Arsenal chơi bóng và gặp Henry tại đó.

Bức tranh Fraser vẽ Henry, trong màu áo Arsenal thời còn được tài trợ bởi O2 gợi nhắc lên rất nhiều. Đó là thời hoàng kim của pháo thủ, với Henry vừa có tố chất của một tiền đạo sát thủ, vừa có tố chất của một thủ lĩnh của đội bóng, người đủ sức làm chỗ dựa tinh thần cho những đồng đội còn lại, đặc biệt là khi đội bóng lâm vào cảnh khốn khó.

Arsenal, sau trận thua muối mặt trước West Ham ở vòng mở màn mùa giải, đã bị chỉ trích rất nhiều. Một trong những chỉ trích nổi bật nhất, và quen thuộc nhất, chính là Wenger cần phải kiếm tìm một thủ lĩnh cho đội bóng. Và chỉ trích có mật độ dày đặc thứ nhì, cũng quen thuộc thứ nhì, nhắc đến chuyện cần phải mua một tay săn bàn sát thủ, nhất là khi từ Giroud đến Walcott đều bó tay trước khung thành đối phương.

Cả hai chỉ trích trên, chẳng có chỉ trích nào là sai cả. Và càng không có chỉ trích nào là hàm hồ, mù quáng hay cảm tính gì đó. Nó xuất phát từ thực tế của Arsenal nhiều năm qua, một thực tế mà ai theo dõi họ đều nhận ra một cách dễ dàng.

Arsenal theo đuổi lối chơi tấn công, thích dâng cao đội hình, giữ cự ly giữa các cầu thủ, các tuyến thật gần nhau bởi họ chủ trương chơi bóng ngắn. Triết lý của họ cũng là miệt mài dàn xếp bóng để xâm nhập vòng cấm. Và họ đã thường xuyên làm rất tốt những việc ấy cho đến khi họ tiếp cận vòng 16m50 đối phương. Trước vòng cấm, Arsenal không có những đường chuyền khiến hàng thủ đối phương bất ngờ. Còn trong vòng cấm, các chân sút của họ thường bỏ lỡ những cơ hội hiếm hoi của mình một cách đáng tiếc. Và rốt cuộc, trong những lúc bế tắc, sự vội vàng lại càng làm họ bấn loạn thêm, bất lực thêm trong khâu kiếm tìm bàn thắng.

Trận thắng Crystal Palace vừa rồi cũng vậy. Arsenal đã khiến người hâm mộ trải qua cảm giác họ sẽ không thể ghi nổi bàn thắng, nhất là sau khi đối phương có bàn gỡ hòa. Lúc ấy, tự nhiên hình ảnh Henry, người thủ lĩnh cuối cùng, sát thủ thực sự cuối cùng của Arsenal thời hoàng kim bỗng dưng hiện lên trong hình dung nhiều người, cùng với một điều ước dẫu rằng điều ước ấy chỉ là tuyệt vọng.

Như vậy, người xem lại càng có cái cớ để trách Wenger thêm, với những ‘nếu như’ áp đặt cho ông, theo kiểu người hâm mộ mà có quyền quyết định, ắt họ sẽ làm rất khác.

Nhưng thực tế của Arsenal cũng cần phải gắn liền với thực tế của môi trường bóng đá hiện tại, một thực tế mà chỉ cần một câu trả lời của Wenger trong cuộc họp báo trước vòng đấu là đủ nói lên tất cả. “Vâng, các món hàng có sẵn trên thị trường chẳng có món hàng nào là xuất sắc cả”, Wenger đã nói như thế khi người ta hỏi ông về việc bổ sung một người đủ tầm làm thủ lĩnh, đủ sức là sát thủ trong vòng cấm đối phương.

Chúng ta tự hào rằng mình theo dõi bóng đá đủ kỹ, đủ nhiều và lại có đủ các kênh thông tin để kiểm chứng. Vậy thì chúng ta hãy thử xem các món hàng trên thị trường, thuộc loại hợp giá tiền, thuộc loại CLB chủ quản sẵn sàng bán, có cái tên nào đủ tầm vực dậy Arsenal hay không?

Sát thủ thì gần như không còn nữa, trừ những người đã có cam kết gắn bó với CLB chủ quản. Thủ lĩnh lại càng không. Và chẳng ai có cơ hội lẫn khả năng để mua về một thủ lĩnh cả. Thủ lĩnh là người cần phải được xây dựng từ chính trong nội bộ đội bóng, trừ số hiếm trường hợp như kiểu CR7 hay Pirlo. Nhưng trong nội bộ Arsenal hiện nay, xây dựng ai làm thủ lĩnh cũng khó cả. Cazorla, Oezil, Sanchez, Ramsey…, họ đều tầm tầm như nhau, không ai đủ khả năng vượt lên làm ‘bề trên’ phần còn lại.

Xem ra, công việc của một HLV như Wenger khó hơn chúng ta cứ tưởng ra rất nhiều.

Quay lại với bức tranh của Fraser. Vẽ bằng màu nước rất khó, bởi bạn phải làm chủ kỹ thuật một cách thượng thừa. Màu nước thấm nhanh, loang nhanh, nên giữ cho nét vẽ được đúng thần, đúng ý dường như là bất khả với nhiều người. Công việc của Wenger cũng tương tự như người chơi với màu nước vậy, và gặp phải hoàn cảnh hôm nay, nó có vẻ tương tự người ngậm cọ mà vẽ như Fraser. Thế nên, chê trách ông thì dễ, kiếm người thay thế nổi ông cũng không hẳn đã đơn giản…

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm