Đường dài dịch văn học Việt Nam

19/11/2023 17:57 GMT+7 | Văn hoá

Sophia thân mến! Không biết trong thế giới người máy của Sophia có bao giờ xảy ra cái cảnh những cỗ máy, phần mềm, không hiểu "ngôn ngữ" của nhau không? Chứ trong cõi người ta, ngôn ngữ là một ranh giới ngăn trở, cho dù công nghệ hiện đại đã làm hết sức mình để xóa dần ranh giới ấy.

Dẫu rằng vẫn thường nghe, trong nghệ thuật không có ranh giới, không chia địa lý, thời đại. Nhưng có lẽ cũng cần nói thêm, loại nghệ thuật đó là nghệ thuật nào. Chẳng hạn ngôn ngữ của hội họa là màu sắc, hình ảnh; ngôn ngữ của âm nhạc không lời là giai điệu; còn ngôn ngữ của của văn chương là chữ nghĩa.

Mà chữ nghĩa thì Sophia biết đó, ôi thôi phức tạp. Chính những ứng dụng công nghệ thông tin tiến bộ nhất cũng bị con người chúng tôi cười miết vì chuyện dịch từ tiếng này sang tiếng khác. Với một ngôn ngữ chưa quá phổ biến trên thế giới như tiếng Việt (xếp thứ 21 trong các ngôn ngữ được nói nhiều nhất - theo một thống kê), thì những tác phẩm văn chương Việt Nam gặp nhiều hạn chế trong việc phổ biến ra bên ngoài cũng là điều dễ hiểu, đó là chưa nói đến tầm vóc của nền văn học Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn so với thế giới.

Sophia thân mến, sáng ngày 12/11, Giải Dịch thuật Quốc gia (National Translation Awards) của Hiệp hội Dịch giả Văn học Mỹ (The American Literary Translators Association) đã trao cho dịch giả Nguyễn Anh Lý với bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh tiểu thuyết Chinatown của nhà văn Thuận. Trước đó, dịch giả Nguyễn An Lý được biết đến nhiều vì các bản dịch các tác phẩm nổi tiếng trên thế giới sang tiếng Việt như Chuyện người tùy nữ, Tàn ngày để lại, Truyện hư cấu…

Đường dài dịch văn học Việt Nam - Ảnh 1.

Chân dung dịch giả Nguyễn An Lý và tác phẩm Chinatown do cô chuyển ngữ sang tiếng Anh. Nguồn: Internet

Giải thưởng lần này là tin vui với các nhân dịch giả và tác giả. Trên phương diện nào đó, nó cũng là một tín hiệu khích lệ những dịch giả trong nước thử sức trên con đường đưa văn chương Việt Nam ra quốc tế.

Trước đây, không phải văn chương Việt Nam chưa từng được dịch ra tiếng nước ngoài. Nhưng nếu để ý, sẽ thấy tần suất không nhiều. Sự tiếp nhận, phản hồi của độc giả, nhà phê bình nước ngoài với các tác phẩm đó như thế nào thì vẫn chưa được biết tường tận. Sự dịch ấy cũng chưa thành hệ thống, đủ sức cho độc giả phương xa hình dung diện mạo văn chương Việt Nam, dù chỉ là trong một giai đoạn.

Con đường "đem chuông đi đánh xứ người" của văn học Việt Nam vẫn còn gian nan. Những năm gần đây, Nhà xuất bản Trẻ đã tổ chức dịch một số tác phẩm của những nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Dương Thụy, sang tiếng Anh. Ngoài ra cũng có một vài nỗ lực dịch văn học Việt Nam ra thế giới...

Tuy nhiên, một tay vỗ chẳng thành tiếng, rốt cục làm cái chuyện "vĩ mô" như quảng bá văn chương Việt Nam ra thế giới phải cần công sức của một tập thể lớn. Nó phải trở thành một chiến lược lâu dài và có tầm quốc gia.

Trong đó, nguyên tác đòi hỏi phải chất lượng cao là đương nhiên, nhưng cũng cần có sự hỗ trợ đối với dịch giả, thậm chí đào tạo dịch giả. Bên cạnh đó, trong thời buổi thông tin như hiện nay, việc làm sao để tác phẩm dịch ra rồi không im hơi lặng tiếng cũng đòi hỏi những sự chuẩn bị chu đáo.

Sophia thấy đấy, trí tuệ nhân tạo của Sophia ngày càng tiên tiến để việc dịch thuật này ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Nhưng dịch thuật văn chương thì vẫn luôn cần những bộ óc chuyên nghiệp của những con người được đào tạo bài bản. Biết là khó trông chờ vào máy móc nên càng trân trọng công sức của các dịch giả, đội ngũ làm công việc hậu trường để một cuốn sách được ra đời ở xứ người. Và không chỉ riêng văn học, mà nhiều lĩnh vực khác như âm nhạc, điện ảnh… cũng cần một chiến lược quảng bá dài lâu ra thế giới.

Tạm biệt Sophia, hẹn gặp ở thư sau!

An Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm