4 năm nữa có tàu điện Cát Linh - Hà Đông

11/10/2011 10:36 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Ngày 10/10, tại quận Hà Đông (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã phát lệnh khởi công xây dựng đề-pô (Trung tâm điều hành và bảo dưỡng, sửa chữa đoàn tàu) và toàn tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

1. Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị, trong đó, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2015. Toàn bộ tuyến đường dài 13,05km, điểm khởi đầu là ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông), gồm 12 ga và khu đề-pô tại phường Phú Lương (Hà Đông).

12 ga của dự án bao gồm: Cát Linh, Đê La Thành, Thái Hà, Đường Láng, Ngã tư Sở, Đại học Quốc gia, Vành đai 3, Thanh Xuân, Bến xe Hà Đông, La Khê, Văn Khê và ga Yên Nghĩa.

Lễ khởi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Ảnh: Huy Hùng

Điểm xuất phát tại nút giao Cát Linh - Giảng Võ là khu vực trung chuyển hành khách đô thị tương lai của Hà Nội, kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông với tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội và tuyến xe buýt nhanh. Tuyến đường sắt đi dọc theo dải phân cách phố Hào Nam, phố Hoàng Cầu, ngõ Thái Thịnh I tới đường Láng rẽ trái men theo mép sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc theo dải phân cách đường Nguyễn Trãi về Hà Đông.

Theo thiết kế, đoàn tàu sẽ có hệ thống kiểm soát tàu tự động cùng với điều khiển của lái tàu, hệ thống thông tin tín hiệu và kiểm soát vé tự động. Trong giai đoạn đầu, đoàn tàu gồm 4 toa (khi lưu lượng giao thông tăng sẽ tăng lên 6 toa). Đoàn tàu có sức chở 2.008 hành khách, tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ lữ hành 35km/h. Thời gian khai thác hằng ngày từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm (18 tiếng với tần suất tối đa 2 phút/chuyến). Năng lực vận chuyển tối đa 28.000 hành khách/giờ/hướng.

Dự án có mức đầu tư gần 8.770 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó, vốn vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc là 169 triệu USD; vốn vay ưu đãi 250 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng trong nước. Dự án được Bộ GTVT giao cho Ban Quản lý Dự án Đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam) làm đại diện chủ đầu tư.

2. Hiện các nhà thầu thi công đã hoàn thành 11 trụ cầu trên hồ Đống Đa và đường Hoàng Cầu, bắt đầu triển khai các trụ cầu trên đường Hào Nam, hoàn thành đường công vụ vào khu đề-pô,... Đồng thời, đang hoàn thiện thiết kế kỹ thuật cầu vượt sông Nhuệ và cầu vượt nút giao vành đai 3 để triển khai thi công trong quý IV/2011.

Phối cảnh ga đường sắt đô thị trên cao

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau khi hoàn thành sẽ đóng vai trò nòng cốt cho giao thông công cộng, cùng với mạng lưới xe buýt nhanh sẽ giải quyết cơ bản vấn đề tắc nghẽn giao thông tại thủ đô Hà Nội và phấn đấu đạt mục tiêu giao thông công cộng đáp ứng được 35% - 45% nhu cầu đi lại của nhân dân thủ đô.

Phát biểu tại lê khởi công, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh: Các vấn đề của giao thông đô thị luôn là mối quan tâm đặc biệt của tất cả các nước. Ở Việt Nam, ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn là chủ đề thường xuyên được đề cập, phản ánh trên diễn đàn Quốc hội, trong các phiên họp của Chính phủ và lãnh đạo các địa phương; trên các phương tiện thông đại chúng, thực sự đây là một thách thức to lớn mà để vượt qua, cần sự quyết tâm cao của các cấp lãnh đạo trung ương, địa phương, sự đồng thuận của người dân...

Trong “Chiến lược phát triển ngành GTVT đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030”, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định nhiệm vụ phải “nhanh chóng phát triển phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn (vận tải bánh sắt) đối với các đô thị lớn; phát triển vận tải ở các đô thị theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính, đảm bảo hiện đại, an toàn, tiện lợi; kiểm soát sự gia tăng phương tiện vận tải cá nhân”.

Tại Hà Nội, ngoài việc chủ trì phát triển các đoạn tuyến vành đai 3, cầu Nhật Tân, cầu Thanh Trì... dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là một trong hai dự án đường sắt, vận chuyển hành khách khối lượng lớn, đang được các đơn vị thuộc Bộ GTVT triển khai để nhanh chóng hình thành mạng đường sắt đô thị là một trong những giải pháp chiến lược nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội”.

Bộ trưởng yêu cầu: “Chủ đầu tư - Cục Đường sắt VN, Ban Quản lý dự án và nhà thầu phối hợp tốt hơn nữa để nhanh chóng giải quyết hoặc báo cáo để được giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, tuyệt đối an toàn”.

Tử Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm