Chỉ 1 năm đã quyên được 134 tỉ cho quỹ tu bổ đền Hùng!

09/04/2011 15:32 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Chính thức ra mắt ngày 2/1/2010 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, hơn 1 năm qua, Quỹ tu bổ đền Hùng - một tổ chức xã hội hóa - đã kêu gọi được rất nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước và bà con kiều bào ở nước ngoài tham gia đóng góp công đức để xây dựng tu bổ đền Hùng - nơi thờ Tổ tiên đất Việt. TT&VH trò chuyện cùng ông Đào Trọng Cường - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ về những việc đã làm trong năm qua và giỗ Tổ Hùng Vương năm nay.

* Từ khi ra mắt đến nay, Quỹ tu bổ đền Hùng đã làm được những gì thưa ông?

- Ngay sau khi ra mắt, giỗ Tổ năm 2010 chúng tôi đã tổ chức phong trào Doanh nhân trồng cây tri ân quốc tổ, kêu gọi các tập thể cá nhân, các sở ban ngành... đóng góp để trồng 100 cây sưa, có độ tuổi 15 năm tại Khu di tích đền Hùng.

Ông Đào Trọng Cường

Tiếp đó, chúng tôi đã kêu gọi được Tổng công ty than Đông Bắc (Quảng Ninh) đóng góp trực tiếp 30 tỉ đồng để Tu bổ và xây mới đền Giếng. Được khởi công vào cuối năm ngoái, đự định đến giỗ Tổ năm nay sẽ khánh thành, nhưng có thể sẽ chưa xong kịp.

Việc khác nữa là vừa hoàn thành bức tranh gốm Ngày hội non sông trên đất Tổ dài 72m dưới hình thức xã hội hóa, với tổng kinh phí 24 tỉ đồng. Du khách về giỗ Tổ Hùng Vương năm nay sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh gốm độc đáo này.

* Như vậy đến nay, Quỹ tu bổ đền Hùng đã quyên được bao nhiêu tiền rồi, thưa ông? Đồng bào và các tổ chức cá nhân đóng góp có nhiều không?

- Mặc dù mới ra mắt được 1 năm thôi, nhưng với tinh thần uống nước nhớ nguồn của đồng bào và sự kêu gọi tích cực của Quỹ, tổng số tiền đóng góp đã lên đến 134 tỉ đồng. Nhưng số tiền thực vào tài khoản chỉ khoảng 5 tỉ đồng, còn lại là đăng ký đóng góp chứ không ai chuyển tiển về quỹ cả...

* Như vậy số tiền 134 tỉ đó chỉ là tờ đăng ký công đức trên giấy chứ không phải đóng góp thực tế?

- Đúng vậy. Hiện nay, đồng bào và các tổ chức không ai chuyển tiền vào tài khoản của bất cứ tổ chức nào, mà họ yêu cầu phải có các dự án cụ thể, ví dụ như dự án tu bổ đền Giếng chẳng hạn, thì họ mới đóng góp. Khi họ đăng ký qua tờ công đức họ đã ghi rõ họ tên, điện thoại, địa chỉ, số tiền đóng góp... Chữ tín và lòng tự trọng của đồng bào cao lắm, chứ không như mấy cuộc đấu giá qua điện thoại. Nhưng yêu cầu của các tổ chức và đồng bào là phải có những công trình cụ thể, họ thấy phù hợp với họ thì sẽ ủng hộ.

Bức tranh Ngày hội non sông trên đất tổ sắp khánh thành

* Vậy xem ra số tiền đăng ký đóng góp được rất nhiều mà hiệu quả giải ngân lại chưa cao?

- UBND tỉnh Phú Thọ và BQL Khu di tích đền Hùng chưa cung cấp cho chúng tôi những dự án, hồ sơ có liên quan đến việc trùng tu tôn tạo khu di tích. Không có trong tay những hồ sơ này, nên chúng tôi chưa làm được gì cả.

* Qua những việc đã làm, chứng tỏ trong năm qua Quỹ tu bổ đền Hùng đã tạo được nhiều tiếng vang lớn?

- Vâng, những tổ chức mới thành lập như thế này, riêng khâu tổ chức đã hết năm rồi. Hơn nữa, tổ chức của chúng tôi lại toàn những người thiện nguyện, làm được như thế này là rất nỗ lực. Giỗ Tổ năm nay, chúng tôi còn ra mắt cuốn sách Quốc Tổ Hùng Vương, tập hợp những tài liệu của các nhà nghiên cứu từ trước tơi nay về vua Hùng.

* Như vậy Quỹ tu bổ đền Hùng có rất nhiều chức năng?

- Chúng tôi không chỉ mang những công trình, dự án tu bổ đền Hùng đi thuyết trình trước đồng bào, doanh nghiệp, doanh nhân... để kêu gọi công đức mà còn thay mặt đồng bào, giám sát thi công để đồng tiền không thất thoát...

* Ông là một doanh nhân nổi tiếng và hiện là Tổng GĐ Thần Châu Ngọc Việt. Vậy bên công ty ông đóng góp bao nhiêu tiền?

- Thần Châu Ngọc Việt đóng góp 10 tỉ đồng, với hình thức làm tượng vua Hùng bằng ngọc, bao giờ nhà nước có ảnh thì sẽ làm. Chúng tôi có đưa ra ảnh sưu tầm từ dân gian, nhưng các bên liên quan không chấp nhận, cho nên vẫn phải chờ sự đồng thuận của Hội đồng Nhà nước, các nhà sử học...

* Xin cảm ơn ông!

Chiều ngày 8/4, cuốn sách Quốc Tổ Hùng Vương đã được Quỹ tu bổ đền Hùng cho ra mắt tại Hà Nội. Sách dày hơn 300 trang (khổ 25cmx25cm), bìa cứng, đóng hộp, nội dung song ngữ Việt – Anh, được chọn lọc biên soạn từ nhiều nguồn tư liệu khoa học của nhiều nhà nghiên cứu uy tín trong các lĩnh vực sử học, khảo cổ học... của thời đại Hung Vương; và sự tham gia đóng góp trực tiếp về tư liệu, bài viết của GS Vũ Khiêu, nhà sử học Dương Trung Quốc... 

Với 4 phần: Thời đại Hùng Vương truyền thuyết và lịch sử, Nước Văn Lang và Khu di tích đền Hùng, Đền Hùng qua các giai đoạn lịch sử và tấm lòng của muôn người con nước Việt hướng về Quốc Tổ Hùng Vương đã khái quát, làm nổi bật lên mối quan hệ biện chứng giữa truyền thuyết và thực tiễn lịch sử.

Như Trang (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm