Vui như... Tết Dương lịch

03/01/2019 06:49 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2019. Chỉ vài ngày trước, trên các mặt báo cũng như không gian mạng vẫn đang tràn ngập hình ảnh biển người đổ ra đường phố để chào đón giây phút Giao thừa.

Đón năm mới, nhìn xuống chân mình…

Đón năm mới, nhìn xuống chân mình…

Đợt nghỉ Tết Dương lịch đã chấm dứt, mọi người trở lại với công việc thường ngày. Tuy nhiên vẫn còn đó những ám ảnh về chuyện xả rác nơi công cộng, điều lặp đi lặp lại mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Ngược dòng thời gian, chỉ vài chục năm trước, người Việt không chào năm mới - với cột mốc là ngày Tết dương lịch - bằng sự nhiệt náo và cảm xúc dạt dào như thế. Chúng ta hầu như chưa có lễ hội đếm ngược Countdown để đón thời khắc đầu tiên của năm mới như bây giờ, và cũng ít có thói quen gửi lời chúc mừng tới bè bạn trong ngày đầu năm theo “lịch Tây”.

Cũng dễ hiểu, bởi dù chưa có tư liệu chính thức, nhưng các phỏng đoán hiện có cho Tết Dương lịch chỉ vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Như thế, chỉ với hơn một trăm năm tồn tại, Tết Dương lịch rõ ràng không thể “bén rễ” đủ lâu trong đời sống - như cách mà Tết Âm lịch đã song hành cùng người Việt trong suốt chiều dài lịch sử.

Chú thích ảnh
Biển người trước cửa Nhà hát Lớn đón chào năm mới. Ảnh: Phạm Hải/ Vietnamnet

Để rồi, bây giờ, nhìn cách đón năm mới 2019 vừa qua, chẳng ai có thể nói là chúng ta thờ ơ với Tết Dương lịch.

Dù chỉ phổ biến ở những đô thị lớn, chúng ta cũng có pháo hoa trong phút Giao thừa “Dương lịch”, cũng đổ ra đường vui chơi vào buổi tối cuối cùng của năm cũ, cũng gửi tới nhau những lời chúc tốt lành nhân dịp đầu năm.

Và sau “bề nổi” dễ nhận thấy ấy còn là rất nhiều cách đón năm mới của mỗi gia đình. Chẳng hạn, như lời chia sẻ của rất nhiều người, Tết Dương lịch là cơ hội để những người con đi làm xa trở về, để gia đình sum họp vui vẻ, trong tâm lý “Tết Dương” là cột mốc đánh dấu… “Tết Âm” không còn xa nữa.

So với vài chục năm trước, cách đón năm mới như thế cho thấy sự phát triển của đời sống kinh tế, cũng như nhu cầu đa dạng của mỗi người. Xa hơn, khi cả thế giới cùng đón Tết Dương lịch, đó cũng là sự tiếp nhận tất yếu và chủ động của người Việt với những yếu tố văn hóa mới. Giống như cách mà chúng ta dần có thêm những ngày lễ hội mang xuất xứ phương Tây trong dòng chảy văn hóa của mình.

***

Đến đây, người viết có một liên tưởng khác. Rất thú vị, Tết Dương lịch năm nay, chúng ta được nghỉ tới 4 ngày, tính cả lịch nghỉ bù.

4 ngày ấy với mỗi gia đình trôi qua nhẹ không. Chúng ta có đủ quỹ thời gian để về quê sum họp gia đình, để ra đường đón Giao thừa đầu năm mới, để nghỉ ngơi sau gần một năm làm việc căng thẳng. Rồi, hết kì nghỉ, ai nấy lại tiếp tục đi làm, với tâm lý hân hoan rằng giá như “Tết Dương” sang năm lại… nghỉ 4 ngày.

Vậy nhưng, vài chục năm trước, kì nghỉ Tết Âm lịch của hầu hết công chức Nhà nước cũng chỉ kéo dài 4 ngày, vắt từ sáng 30 tới hết mùng ba Tết. Trong những ngày tết cũ ấy, chúng ta cũng sum họp gia đình, cũng nghỉ ngơi, thăm bè bạn - và tất nhiên, cũng cảm thấy thoải mái, bình an.

Chẳng phải ngẫu nhiên, mà cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhiều người lại mê mải hoài niệm về chuỗi ngày Tết trong ký ức. Cái Tết ấy khác với bây giờ - khi mà hội chứng “sợ Tết” chi phối khá nhiều người, với những lý do về sự nhạt nhẽo, ồn ào và mệt mỏi của chuỗi nghỉ Tết Âm lịch dài dằng dặc.

“Tết Dương” tất nhiên là khác hẳn “Tết Âm”. Nhưng nếu chúng ta nhìn ngày “Tết Âm” như một kỳ nghỉ nhẹ nhàng để sum họp gia đình và hướng về tổ tiên, thì hội chứng “sợ Tết” ấy bỗng trở nên đơn giản.

Vì, giống câu “vui như Tết”, đã là ngày Tết thì mục đích đầu tiên và quan trọng nhất là phải làm người ta vui, vui để yêu đời hơn thay vì mệt mỏi và tốn kém.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm