Vovinam với Thủ tướng 'soái ca' Justin Trudeau: Nghĩ về 'sức mạnh mềm' của Việt Nam

11/11/2017 09:02 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 8/11/2017, Thủ tướng Canada Justin Trudeau thăm chính thức Việt Nam. Là một nguyên thủ quốc gia trẻ tuổi, đẹp trai và gần gũi công chúng, lâu nay các hoạt động của Thủ tướng Justin Trudeau luôn thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Tại mỗi quốc gia mà ông viếng thăm, Thủ tướng Justin Trudeau thường có những “chiêu độc” và chiếm được cảm tình của người dân sở tại.

Chúng ta từng thấy Thủ tướng Justin Trudeau chạy tại Ireland, khoe tất chân ở Thượng đỉnh NATO, và lần này tại Việt Nam, ông chạy dọc bờ kênh Nhiêu Lộc, thưởng thức ly cà phê sữa đá chính hiệu Việt Nam bên vỉa hè phố Lê Thánh Tôn ở Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Lẽ dĩ nhiên là các hoạt động này lại tràn ngập truyền thông quốc tế và trong nước, và rồi người dân Việt Nam, đặc biệt là các cô gái, lại “xiêu lòng” trước những cử chỉ thân thiện, gần gũi của “soái ca Thủ tướng”.

Tuy nhiên, lần này nước chủ nhà cũng chuẩn bị sẵn “cao chiêu” và khiến cho Justin “xiêu lòng”. Biết được vị Thủ tướng trẻ có sở thích thể thao, võ thuật cũng như quan tâm đối với các đặc trưng văn hóa dân tộc, được sự đồng ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp chuẩn bị một tiết mục đặc biệt chưa từng có trong buổi tiệc chiêu đãi tối 8/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế.

Sau các tiết mục biểu diễn văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc thu hút sự quan tâm đầy thích thú của quan khách hai nước, tưởng chừng như bữa tiệc sẽ kết thúc như thông lệ. Bất ngờ, MC giới thiệu về võ thuật Việt Nam, trong đó có việc môn võ Vovinam phát triển mạnh ở Canada, đặc biệt tại Vancouver, Calgary, Toronto và Montreal, khiến Thủ tướng Justin Trudeau ngừng dùng bữa và lắng nghe với vẻ tò mò và chú ý.

Tiếp theo đó, sự tò mò chuyển thành ngạc nhiên và rồi thực sự hào hứng trước màn biểu diễn các tiết mục võ thuật đẹp mắt, điêu luyện của đội tuyển Vovinam quốc gia. Vị Thủ tướng yêu võ thuật tỏ rõ phấn khích khi chứng kiến cô gái Vovinam mảnh dẻ tung người kẹp cổ quật ngã đối phương to gấp đôi mình.

Kết thúc tiệc chiêu đãi, khi cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên trao hoa cho các đơn vị biểu diễn, Thủ tướng Justin Trudeau đã hoàn toàn bị chinh phục khi được trao tặng món quà bất ngờ “không tiền khoáng hậu”: chiếc Hồng đai võ sư danh dự và bộ võ phục Vovinam thêu tên Justin Trudeau. Ông chắp tay thể hiện sự trân trọng tiếp nhận, và rồi trong niềm vui của mình, quay xuống quan khách, vung chân đá và nói: Tôi cũng có thể đá cao được từng này. Có thể nói, giây phút đó đã đánh dấu sự thành công của một cách làm mới đầy sáng tạo khi vận dụng “sức mạnh mềm” trong hoạt động đối ngoại.

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh
(Ảnh: Giang Lê)

Trong quan hệ quốc tế, thông thườngsức mạnh của một quốc gia bao gồm “phần cứng” và “phần mềm”. Phần cứng hay sức mạnh cứng là các yếu tố thuộc về vật chất như diện tích lãnh thổ, dân số, kinh tế, quân sự, khoa học – công nghệ… Phần mềm được tạo nên bởi văn hóa, tinh thần và ảnh hưởng của quốc gia đó trong quan hệ quốc tế. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia là sự tổng hòa của cả “cứng và mềm”.

Khái niệm “sức mạnh mềm” được Giáo sư Joseph Nye đưa ra năm 1990. Trong đó, sức mạnh mềm là khả năng có thứ mình muốn thông qua sự lôi cuốn, sức hấp dẫn thay vì sự ép buộc. Sức hấp dẫn có thể xuất phát từ văn hóa, tư tưởng chính trị hoặc các đối sách của một quốc gia.

Thật vậy, một quốc gia sẽ xây dựng “sức mạnh mềm” bằng cách dựa vào sức hấp dẫn của văn hóa, quan điểm chính trị và chính sách ngoại giao để lôi cuốn các nước khác. Trong “Think Again: Soft Power” năm 2006, Joseph Nye đưa ra một định nghĩa đơn giản về sức mạnh mềm là “khả năng thông qua sự thu hút, hấp dẫn hoặc dụ dỗ của mình làm thay đổi hành vi của người khác, từ đó đạt được cái mà  mình cần”.

Đồng thời, ông chỉ ra nguồn gốc của sức mạnh mềm là văn hóa, các giá trị và chính sách ngoại giao.Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập toàn diện và hòa bình – hợp tác – phát triển đang là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế, “sức mạnh mềm” được coi là công cụ tiên phong và quan trọng của các quốc gia.

Điều đáng chú ý là, các “ông lớn” với sức mạnh cứng vượt trội lại là những nước rất chịu khó vận dụng sức mạnh mềm. Mỹ luôn nêu cao việc bảo vệ và lan tỏa giá trị Mỹ, thông qua phim ảnh, các ấn phẩm văn hóa, ẩm thực để quảng bá lối sống Mỹ. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, với việc thực thi “sức mạnh thông minh” mà “sức mạnh mềm” đóng vai trò then chốt, Mỹ đã phần nào lấy lại hình ảnh, uy tín sau 8 năm sa lầy trong cuộc chiến chống khủng bố được phát động bởi người tiền nhiệm George Bush, đồng thời thể hiện trách nhiệm của một nước lớn, hàn gắn, tạo dựng và xử lý được các mối quan hệ phức tạp.

Trung Quốc có tới 475 học viện Khổng Tử đang hoạt động tại 120 quốc gia; sự liên kết hợp tác ngày càng mạnh mẽ của các tập đoàn Trung Quốc với Hollywood cũng là ví dụ cụ thể cho sự vươn mình của văn hóa Trung Hoa ra toàn thế giới.

Nhật Bản tích cực sử dụng “sức mạnh mềm” nhằm xây dựng hình ảnh Nhật Bản từ một nước chủ nghĩa quân phiệt thành một quốc gia yêu chuộng hòa bình, thịnh vượng và đa dạng về văn hóa. Với Hàn Quốc, chỉ riêng với làn sóng âm nhạc (Kpop), thời trang và điện ảnh, văn hóa Hàn Quốc đã được lan tỏa và có ảnh hưởng một cách rộng rãi, đặc biệt đối với giới trẻ trên thế giới. “Có thực mới vực được đạo”, liệu các nước vừa và nhỏ như Việt Nam có khả năng sử dụng “sức mạnh mềm” trong quan hệ quốc tế hay không?

Chúng ta luôn tự hào về sự phong phú và đa dạng, đặc sắc của văn hóa dân tộc. Với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có sức hấp dẫn về du lịch lớn với 22 di sản được UNESCO công nhận: Di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Cao nguyên đá Đồng Văn); Di sản văn hóa vật thể thế giới (Quần thể di tích cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn…); Di sản văn hóa phi vật thể (Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Ca Trù, Dân ca quan họ…); Di sản tư liệu  thế giới (Mộc bản triều Nguyễn, Bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám…); Di sản văn hóa hỗn hợp (Quần thể danh thắng Tràng An – Ninh Bình). Hơn nữa, qua lịch sử dựng nước và giữ nước, đất nước, con người Việt Nam cũng đã có chỗ đứng và hình ảnh nhất định trong lòng bạn bè quốc tế. Như vậy, mặc dù còn nhiều khó khăn, song có thể khẳng định Việt Nam có tiềm lực và khả năng sử dụng “sức mạnh mềm” trong quan hệ quốc tế.

Lâu nay, khi “mang chuông đi đánh xứ người”, chúng ta thường tập trung vào áo dài và nón, phở và nem cuốn, các loại hình nghệ thuật như hát, múa, nhạc cụ dân tộc. Công thức này đã xuất hiện nhiều lần trong các Tuần/Ngày Việt Nam ở các nước và đều thu được những hiệu ứng nhất định. Tuy nhiên, chúng ta thường chưa chú ý đến một “đặc sản” khác, một “đặc sản” có thế mạnh rất riêng của nó. Đó là võ thuật dân tộc.

Điểm lại 3 “ông kẹ” về sức mạnh mềm ở Đông Á, thì đều cũng là 3 nền võ thuật lớn của thế giới. Đã từ lâu, Trung Quốc có hẳn tour du lịch Thiếu Lâm, Kungfu là từ vựng đã được quốc tế hóa, và nước này đang nỗ lực đưa Wushu vào thi đấu chính thức tại Thế Vận Hội. Nhật Bản cũng thúc đẩy mạnh mẽ việc quảng bá Judo, Karatedo, Aikido, Kendo (Kiếm đạo). Hàn Quốc thậm chí còn tài trợ trang thiết bị, hỗ trợ tài chính cho các nước để thành lập các trung tập luyện tập Taekwondo.

Đồng thời, các nước này luôn tận dụng mọi cơ hội để triển khai “sức mạnh mềm” này một cách độc đáo và hiệu quả. Ngày 13/11/2013, nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Nga Putin đến Hàn Quốc, Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo thế giới đã trao Huyền đai cửu đẳng danh dự môn võ Taekwondo cho Putin. Cũng trong tháng 11/2014, Tổng thống Putin được Liên đoàn Karate thế giới trao tặng Huyền đai bát đẳng danh dự. Việc trao tặng đai danh dự của hai môn võ này không chỉ có ý nghĩa về mặt phát triển môn võ truyền thống của Hàn Quốc (Taekwondo) và Nhật Bản (Karate) mà còn là cách làm ngoại giao văn hóa độc đáo, hiệu quả.

Khi học một ngoại ngữ, người ta có thể biết và hiểu được đất nước, con người, văn hóa của nước đó. Tương tự như vậy, khi một môn võ càng được nhiều người trên thế giới theo tập thì những giá trị về văn hóa sẽ càng được lan rộng và hình ảnh của đất nước sản sinh ra môn võ cũng sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Đặc biệt là khi sự lan tỏa đó có liên quan đến một nguyên thủ có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới như tổng thống Putin thì hiệu ứng sẽ rất lớn.

Trong nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam, võ thuật là một nét đẹp văn hóa, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh, bản lĩnh, ý chí người Việt Nam. Trong lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước, đã có rất nhiều môn võ Việt Nam được ra đời và có thể nói môn nào cũng hay, mang những nét đặc trưng độc đáo.Với sức hấp dẫn riêng có, mặc dù không ồn ào, không giàu tiền của, song võ thuật Việt Nam vẫn len lỏi và có chỗ đứng khắp năm châu. Hiện nay, chúng ta đã có Liên đoàn Võ Cổ truyền thế giới và Liên đoàn Vovinam thế giới.

Trong đó, Vovinam đang phát triển mạnh mẽ với hàng triệu người trên hơn 70 quốc gia theo tập, đồng thời là môn thi đấu chính của các kỳ Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á (SEAGAMES 2011, 2013) và châu Á (Asian Indoor Games 2009), có hệ thống giải từ quốc gia đến Đông Nam Á, các Châu lục và giải vô địch thế giới. Ở riêng ở khu vực Bắc Mỹ đã có trên 60 trung tâm Vovinam. Dựa trên những điều kiện thuận lợi trên, Việt Nam hoàn toàn có thể triển khai “sức mạnh mềm” như những gì Hàn Quốc và Nhật Bản đã làm. Và cơ hội lớn đã đến khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau - một nguyên thủ trẻ trung, năng động, đam mê võ thuật và có sức hút rất lớn đối với dư luận quốc tế – tới thăm chính thức Việt Nam.

Những gì diễn ra buổi tối 8/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế cho thấy việc biểu diễn các tiết mục Vovinam trong tiệc chiêu đãi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành cho Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã tạo ra được ấn tượng và hiệu ứng không chỉ với Thủ tướng Justin Trudeau mà còn các quan khách trong Đoàn Ngoại giao.

Không chỉ là sự giới thiệu, quảng bá sự phong phú, đa dạng và nét đặc trưng văn hóa Việt Nam ra thế giới, mà quan trọng hơn, kết quả tích cực đến từ các tiết mục đã góp phần tạo dựng hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam trong con mắt Thủ tướng Justin Trudeau cũng như các vị khách quốc tế, tạo nên không khí gần gũi và thể hiện đúng với tinh thần Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác toàn diện mà hai Thủ tướng mới nhất trí vài tiếng trước đó.

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh
(Ảnh Giang Lê)

Việc trao chiếc Hồng đai danh dự và bộ võ phục Vovinamcho Thủ tướng Canada Justin Trudeau là một hình ảnh tuyệt đẹp, biểu trưng cho hi vọng, sự quyết tâm xây dựng mối quan hệ song phương tốt đẹp, tình hữu nghị bền chặt của hai nước. Có thể nói đó là sự trao tặng Thủ tướng Justin Trudeau những giá trị và tinh hoa của văn hóa Việt Nam chứ không đơn thuần là một chiếc đai võ sư danh dự Vovinam.

Chú thích ảnh
 (Ảnh: Giang Lê)

Việc tạo được ấn tượng mạnh mẽ về văn hóa Việt Nam đối với nguyên thủ của một cường quốc như Canada chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Canada cũng như nâng cao hình ảnh của Việt Nam thông qua “sức mạnh mềm”. Sự thành công này cho thấy hướng đi đúng đắn của việc phát huy “sức mạnh mềm”, cụ thể là “ngoại giao võ thuật” mà Vovinam là tiêu biểu, trong hoạt động đối ngoại.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu đầy triển vọng, vấn đề tiếp theo là các bước đi vững chắc và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành trong cả nước nhằm khơi dậy và vận dụng hiệu quả “sức mạnh mềm” của dân tộc Việt Nam trong công cuộc hội nhập quốc tế.

Báo chí Canada đưa tin đậm nét về chuyến thăm của Thủ tướng Trudeau tới Việt Nam

Báo chí Canada đưa tin đậm nét về chuyến thăm của Thủ tướng Trudeau tới Việt Nam

Theo tin từ Canada, trong những ngày qua, hầu hết các tờ báo lớn của Canada đều đăng nhiều ảnh và bài viết đưa tin đậm nét về chuyến thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 8-9/11 của Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

An Đạo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm