Từ 'cột cờ' nhớ về 'kỳ đài'

03/12/2019 07:09 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tròn một tuần nữa, công trình Cột cờ tại Mũi Cà Mau sẽ chính thức được khánh thành trong khuôn khổ sự kiện “Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau năm 2019”. Đáng nói, công trình này là “món” quà mà lãnh đạo và nhân dân Hà Nội tặng cho vùng đất cực nam của Tổ quốc, với thiết kế hoàn toàn mô phỏng theo Cột cờ Hà Nội.

Xây dựng Cột cờ Tổ quốc cao 22m trên đảo Thổ Chu

Xây dựng Cột cờ Tổ quốc cao 22m trên đảo Thổ Chu

Ngày 5/5, tại đảo Thổ Chu thuộc xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, diễn ra Lễ động thổ xây dựng Cột cờ Tổ quốc đảo Thổ Chu với sự tham gia của đại diện Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tỉnh đoàn Kiên Giang và thủ trưởng Trung đoàn 152, đơn vị đóng quân xã đảo Thổ Châu.

Sự thực, bên cạnh “nguyên mẫu” – vốn là một biểu tượng văn hóa lịch sử đặc biệt của Hà Nội - kiến trúc hiện có của Cột cờ ở Mũi Cà Mau cũng khá gần với các cột cờ cổ, đang là biểu tượng của Huế, Nam Định, Sơn Tây... Chúng thuộc về một loại hình kiến trúc từng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong các đô thị cũ: kiến trúc “kỳ đài”.

Cần nhắc lại, trong cấu trúc của các đô thị cũ, kỳ đài vừa có giá trị thể hiện chủ quyền của một thể chế phong kiến, vừa là kiến trúc tạo nên một điểm nhấn vô cùng đặc biệt. Về mặt tổng thể của đô thị, với tính biểu tượng của mình, kiến trúc này luôn có chiều cao đặc biệt để chiếm lĩnh không gian phía trên so với quần thể kiến trúc xung quanh. Do vậy, có những trường hợp dù kỳ đài giữ quy mô không lớn (như tại Sơn Tây hay Hưng Hóa) nhưng vẫn khiến người xem ấn tượng mạnh khi tiếp cận.

Và, cùng với Kỳ đài (hay Cột cờ) Hà Nội, các kỳ đài tại Huế, Sơn Tây, Nam Định, Hưng Hóa (Tam Nông, Phú Thọ)... cũng được xây dựng trong một giai đoạn tương đối gần nhau: dưới thời các vua đầu triều Nguyễn. Đó là giai đoạn các kiến trúc thành cổ tại Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh của kiến trúc Vauban (mang tên một kỹ sư quân sự thời Pháp), nên khá dễ hiểu khi các công trình này đều có điểm tương đồng với 3 phần đế, thân và ngọn. Trong đó phần thân được mở rộng với các họa tiết và phù điêu, phần thân là những khối trụ hình tròn, bát giác hoặc lục lăng, phần ngọn thường trang trí đơn giản khi nằm ở độ cao lớn. Đặc biệt, do quan niệm phong thủy, các kỳ đài này luôn phải tuân theo những niêm luật hết sức chặt chẽ về vị trí xây dựng.

Chú thích ảnh
Phía trước công trình cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau. Nguồn: Báo Dân trí

Giữ vai trò trung tâm như vậy nên không có gì lạ khi trong khoảng 200 năm tồn tại, các kỳ đài này đều trở thành những chứng nhân - và tiếp đó là những biểu tượng văn hóa - của các địa phương sở hữu. Nhìn lại, trong lịch sử của các đô thị ấy, gần như mọi cột mốc quan trọng đều được gắn với kiến trúc mang tính biểu tượng này. Điển hình, kỳ đài tại Hà Nội và Huế đều gắn với các lễ thượng cờ lịch sử trong các năm 1954 và 1975, Kỳ đài Nam Định gắn với cuộc chiến đấu bảo vệ thành Nam trước người Pháp vào cuối năm 1873, còn Kỳ đài Hưng Hóa từng được coi là một biểu tượng của cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quang Bích...

***

Dông dài vậy để người đọc hiểu thêm về ý nghĩa của “món quà” mà Hà Nội tặng cho vùng đất Mũi, cũng như về vai trò của một cột cờ Tổ quốc mang tính biểu tượng ở mỗi vùng đất trong lịch sử.

Nhiều chuyên gia đã chỉ rõ: theo lịch sử phát triển, mô hình kỳ đài dần không còn được xây dựng tại các đô thị mới trên thế giới - khi mà phần công năng tạo “điểm nhấn trên cao” đã dần được chuyển sang các tòa nhà cao tầng. Do vậy, những cột cờ mang tính biểu tượng của đô thị thường được xây dựng thấp hơn, đơn giản hơn (đôi khi chỉ là những cột cờ theo nghĩa đen) và kết hợp với quảng trường, công viên cây xanh... để tạo thành một quần thể trung tâm. Các đô thị tại Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này.

Nhưng ở một góc độ khác, tại những đô thị vùng biên giới, những điểm mốc về chủ quyền hay kể cả các đô thị có chức năng du lịch, kỳ đài (thường được gọi bằng cái tên cột cờ) vẫn hoàn toàn nên được xây dựng vừa như một công trình mang tính khẳng định chủ quyền, vừa như một biểu tượng về văn hóa - lịch sử, từ đó vừa khơi dậy tinh thần dân tộc, vừa đáp ứng nhu cầu du lịch, chiêm ngưỡng cảnh quan của nhân dân. Năm 2017 vừa qua, Cột cờ Lũng Pô (Bát Xát, Lào Cai), khu vực “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” đã được xây dựng theo cách ấy.

Bây giờ, với một “Mũi Cà Mau” từ lâu đã đi vào tâm thức người Việt như một biểu trưng đặc biệt về lãnh thổ, sự xuất hiện của một kỳ đài như thế không chỉ là câu chuyện của du lịch đơn thuần. Xa hơn, đó chính là cách mà chúng ta nối dài một dòng chảy lịch sử, khi mà theo thời gian, những kỳ đài ấy nhất định sẽ trở thành “không gian thiêng” của từng vùng đất.

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm