Từ bột mì thời bao cấp tới 'mì ăn liền'

02/02/2019 08:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thật ngạc nhiên khi người đầu tiên trên thế giới phát minh ra mì ăn liền lại là giám đốc của một công ty dệt kim ở Nhật Bản. Ông Momofuku Ando cũng như rất nhiều người Nhật sau thế chiến thứ II phải dùng bột mì do Mỹ viện trợ cứu đói.

Nào, cùng... thương nhớ thời bao cấp

Nào, cùng... thương nhớ thời bao cấp

Cuộc tọa đàm có tên Thương nhớ thời bao cấp diễn ra vào sáng 18/9 tại Hà Nội là cơ hội để chúng ta hoài niệm về thời bao cấp, với những câu chuyện khó quên và không thể quên.

Ở nước ta, mì ăn liền xuất hiện ở miền Nam vào thập kỉ 1960 với nhãn hiệu “Mì vị hương” và “Miliket” còn tồn tại cho đến tận hôm nay.

***

Ngày mới thống nhất đất nước, người miền Bắc bắt đầu được thưởng thức món ăn này. Cũng chẳng mặn mà gì lắm. Mì sợi đã nhiều năm là niềm kinh hãi của cả người lớn và trẻ con những năm chiến tranh. Người ta phải nghĩ ra đủ cách nấu nướng và ghế vào nồi cơm để tăng thêm khẩu phần gạo ít ỏi.

Thực ra đến lúc chế tạo được mì sợi đã là một tiến bộ vượt bậc. Trước đó người dân loay hoay khốn khổ với túi bột mì rời mua ở cửa hàng lương thực về. Đầu tiên chỉ biết nhào nước nắm lại luộc chín. Gọi là “bánh bẻng”. Ăn bí rị nghẹn ứ. Mãi sau mới tìm cách ủ bột chua làm men trộn với bột sống nắm lại hấp trên nồi cơm. Món ăn vẫn chỉ như bánh bẻng thôi nhưng đã có phần nở xốp đỡ nghẹn hơn.

Cùng với việc phát minh ra chiếc máy quay mì sợi thủ công là cả một đội ngũ dân phố đông đảo làm công việc này. Lao động với máy móc như vậy nhưng những người này chẳng bao giờ được gọi là công nhân. Chỉ bởi những cơ sở cán ép mì như vậy phần lớn là tư nhân dưới danh nghĩa Hợp tác xã. Những công nhân đứng máy ở xí nghiệp nhà nước mới được chính danh. Công nhân Hợp tác xã chỉ được gọi là xã viên. Thế nhưng xã viên hợp tác xã mì sợi luôn là ao ước của những công nhân chính hiệu trong nhà máy quốc doanh. Họ được làm việc và nhận thù lao trực tiếp theo năng suất lao động của mình. Dĩ nhiên thu nhập khá hơn hẳn.

Chú thích ảnh
Cửa hàng tổng hợp thời bao cấp

Những người chủ lò cán mì như vậy có thể coi là đại gia được ví như các thủy thủ tàu biển Vosco. Ở trên phố cũng dễ phân biệt ai là “Vosco nước” và ai là “Vosco cạn”. “Vosco nước” sẽ đi xe máy second hand của Nhật. “Vosco cạn” cưỡi xe Peugeot hoặc Mobylette của Pháp mới tinh. “Vosco cạn” về sau còn có thêm thành phần các chủ lò ép nhựa.

Cũng vần cái vô lăng như máy cán mì và tương đối giống bánh lái tàu thủy. Tất nhiên đội quân quay nước mía vỉa hè cũng vần cái vô lăng như thế nhưng chẳng bao giờ trở thành đại gia.

Nhưng cũng thật ngạc nhiên khi người Bắc chung thủy với mì sợi của mình cho đến tận sau ngày thống nhất 1975. Nghĩa là chỉ đến khi xóa bỏ bao cấp và thị trường có đủ gạo bán cho người dân thì họ mới thôi ăn mì sợi.

Mì ăn liền từ miền Nam chuyển ra chỉ được coi như món ăn vặt lỡ bữa. Người ta bất đắc dĩ dùng nó chỉ trong trường hợp không thể thổi nấu được. Dù lúc ấy những gói mì 2 tôm, 5 tôm có hương vị tôm ngào ngạt và mộc mạc hơn bây giờ rất nhiều. Thế nhưng cũng ngạc nhiên là ngần ấy năm ăn mì sợi nhưng người miền Bắc không hề biết đến mì ăn liền cho đến sau 1975. Chẳng ai được ăn và dĩ nhiên cũng không ai sản xuất. Và nếu có, chắc chắn nó sẽ mang cái tên đại loại như “Mì ăn ngay” chẳng hạn.

Giờ thì có đến hàng trăm nhãn hiệu mì ăn liền rải khắp các siêu thị và những cửa hàng tạp hóa trên phố. Trong tủ bếp gia đình Hà Nội nào cũng có dăm gói mì phòng khi mất điện, hết gas. Lũ trẻ đặc biệt thích mì ăn liền đựng trong cốc giấy căng tin trường phổ thông nào cũng sẵn. Chúng mua cốc mì và xin nước sôi đổ vào xì xụp với nhau rất khoái trá.

Mì ăn liền giờ đây đã là món ăn phổ biến ở tầm mức nhân loại.

Nhưng vẫn có một điều lạ. Vài ông chủ mì ăn liền đã chuyển sang nghề khác gặt hái những thành công rực rỡ hơn nhiều. Hình như những thứ “ăn liền” không còn bị bó hẹp trong món mì ăn liền…

Nhà văn Đỗ Phấn (12-2018)
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm