'Trật tự mới' trong dịch bệnh

02/02/2021 08:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua và hôm nay, cuộc sống của mỗi gia đình tại nhiều đô thị lớn trên toàn quốc đang bắt đầu có sự thay đổi – khi trẻ em trong nhà được nghỉ Tết sớm khoảng một tuần so với mọi năm. Lý do đơn giản: Để phòng tránh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Dịch COVID-19 ở châu Âu: Nhiều nước phong toả lần hai

Dịch COVID-19 ở châu Âu: Nhiều nước phong toả lần hai

Tại châu Âu, Nga thông báo ghi nhận thêm 18.665 ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, số ca mắc mới trong ngày cao nhất từng được ghi nhận tại quốc gia này.

Nếu là phụ huynh và có con ở độ tuổi còn nhỏ, hẳn chúng ta sẽ hiểu được sự bối rối khi phải giải quyết vấn đề này. Nó khác với một trật tự đã được thiết lập sẵn từ nhiều năm trong nhịp sống: người lớn đi làm, đi lo công việc, còn chỗ của các em là... ở trường học và chờ được đón về vào cuối ngày.

Nhưng, đó là cái trật tự khi đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện.

Với trật tự ấy, chúng ta có thể thoải mái đi bất cứ đâu mình muốn, thoải mái gặp gỡ và hòa cùng mọi đám đông, thậm chí thoải mái ngồi ăn uống, mua sắm hoặc giải trí trên vỉa hè cũng như mọi không gian công cộng. Nói cách khác, những thói quen này xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi người và ngày càng được sẵn sàng phục vụ sao cho tiện lợi nhất theo thời gian.

Để rồi, từ gần 1 năm qua, những thói quen định hình sẵn ấy đã phải thay đổi, khi Covid-19 bùng nổ trên thế giới và tại Việt Nam. Đại dịch này đòi hỏi người ta phải chú trọng hơn tới hàng loạt biện pháp giữ gìn vệ sinh, giữ gìn an toàn y tế - và đặc biệt, phải chấp nhận một cuộc sống bị đảo lộn khá nhiều so với trước.

Thẳng thắn thì trong chuỗi ngày chống dịch Covid-19 của Việt Nam năm qua, sự tự giác và hưởng ứng của cộng đồng là nhân tố quyết định để tạo ra những thành công đặc biệt. Nhưng, cũng không có gì khó hiểu, mỗi khi dịch lắng xuống và bị kiểm soát, chúng ta lại có xu hướng quay trở lại với những tiện ích và thói quen cũ - vừa như một quán tính, vừa với tâm lý “bù đắp” cho chuỗi ngày vất vả vừa qua.

Chú thích ảnh
Hòa Bình vắng vẻ trong ngày phong tỏa theo dõi COVID-19. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

***

Bây giờ, ở thời điểm chỉ còn chục hôm nữa là Tết Nguyên đán, những cụm từ “ổ dịch”, “phong tỏa”, “cách ly tập trung”, “bệnh viện dã chiến”, “lên tuyến đầu”... lại được nhắc đến với tần suất rất cao trong cuộc sống hàng ngày. Nói cách khác, sau vài tháng “hòa bình” với đại dịch, chúng ta lại phải quay lại một cuộc chiến dai dẳng vốn đang ám ảnh toàn nhân loại.

Những cảm giác phiền toái từ chuyện trẻ nhỏ phải nghỉ học ngoài dự tính, chuyện thay đổi kế hoạch thăm hỏi, du lịch ngày Xuân... rất có thể chỉ là bước khởi đầu. Bởi, nếu diễn biến phức tạp và nguy hiểm, những giải pháp đặc thù chắc chắn sẽ phải được triển khai ở cấp độ rộng hơn và lại một lần nữa đòi hỏi sự chung sức của toàn xã hội.

Buồn bã, âu lo là tâm lý dễ hiểu và cần được cảm thông. Nhưng, muốn hay không, chúng ta vẫn phải học cách đặt mình vào yêu cầu thích ứng với một trật tự mới được xác lập khi có dịch - điều mà mỗi người trong cộng đồng đã làm rất tốt trong khoảng thời gian gần 1 năm trước đây.

Muốn hay không, bạn cũng phải làm điều đó, giống như cả thế giới đang phải làm. Tự bảo vệ bằng các biện pháp phòng bị y tế, chấp nhận tiết chế các nhu cầu vui chơi giải trí của bản thân, tìm giải pháp hợp lý cho những thay đổi trong công việc và sinh hoạt... bất cứ ai trong chúng ta cũng phải giải cho xong bài toán ấy.

Nếu có bi quan, hãy nhớ rằng: Bệnh dịch là một thứ sống chung với con người - khi mà trong lịch sử, có những bệnh dịch chỉ xuất hiện trong vài tháng, nhưng cũng có những thứ đã chung sống với chúng ta trong hàng chục thế kỷ qua.Và để có thể vượt lên vòng kiềm tỏa ấy và hạn chế thấp nhất tầm ảnh hưởng của nó, mọi thứ vẫn sẽ chỉ quay về với một nhân tố cơ bản: Cách sống và những nỗ lực của chính con người.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm