Thư gửi robot Citizen: Thương lắm, chợ ơi!

23/07/2021 07:24 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Thư gửi robot Citizen: Thương lắm Sài Gòn!

Thư gửi robot Citizen: Thương lắm Sài Gòn!

Tuần qua, tình hình dịch bệnh ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam thực sự căng thẳng, khiến cả nước không giây phút nào yên.

Trong ký ức của người dân nước tôi, đặc biệt ở thôn quê, hình ảnh chợ luôn gây xúc động mãnh liệt. Câu ca trong ca khúc “Về quê” của nhạc sĩ Phó Đức Phương có lẽ tiêu biểu: “Ơi quê ta dầu sương dãi nắng/ Phiên chợ nghèo lều tranh mái xiêu/ Kìa dáng ai như dáng chị, dáng mẹ tôi”.

Chợ không chỉ là nơi buôn bán trao đổi theo quy luật cung cầu, mà còn là nơi hội tụ văn hóa đậm nét, vừa có tính phổ quát vừa đặc trưng vùng miền. Chính vì thế, mỗi lần đến một địa phương khác, du khách thường mê đắm trong những ngôi chợ. Ở đó, bạn không chỉ cảm nhận nhanh nhất đất và người vùng đó, mà còn như được quay lại cái thuở còn thơ theo mẹ đi chợ, được thưởng tấm “bánh đa, bánh đúc”, bằng những đồng tiền lẻ thấm đẫm mồ hôi của mẹ.

Sophia biết không, theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước chúng tôi hiện nay có hơn 8.500 chợ. Mỗi ngôi chợ đã tồn tại được, có nghĩa tính hợp lý rất cao về vị trí và phong thổ. Tôi nhớ mãi lúc còn rất bé, một hôm được người lớn cho đi xem lễ “cưới chợ”, có thể gọi nôm na là khai trương. Chẳng là trong vùng đã có 2 chợ cũ, người ta mở thêm một chợ mới ở vị trí rất đắc địa. Chợ thật đẹp, đủ thứ hàng hóa, còn oách hơn 2 cái chợ cũ kia. Vậy nhưng chỉ vài tháng sau, chợ mới giải tán vì “chẳng ma” nào đến mua bán. Thế mới biết, xây một cái chợ thì nhanh nhưng tạo lập thói quen để mọi người đến mua bán gắn bó với nó thì hoàn toàn không dễ.

Chú thích ảnh
Ban Quản lý chợ thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Thế nên, Hà Nội xưa mới có tên Kẻ Chợ, là quần thể buôn bán hữu hiệu. Dần dần, tên Kẻ Chợ được dùng chung cho cả kinh thành Thăng Long, để thấy tầm nhìn người xưa. Sài Gòn - Chợ Lớn cũng tương tự.

Mùa dịch Covid-19 này, càng thương lắm các chợ. Về nguy cơ lây nhiễm, phải thừa nhận rủi ro từ chợ là rất cao. Nhiều nơi có phát kiến rất hay là cấp phiếu đi chợ định kỳ cho người dân. TP.HCM thì nghiêm hơn, cấm hàng loạt chợ truyền thống hoạt động. Tính đến gần đây, trên địa bàn thành phố này chỉ còn khoảng 30- 40 chợ hoạt động trong tổng số 237 chợ.

Vẫn biết tạm dừng chợ là cần thiết để phòng chống dịch, nhưng cũng phải thốt lên “thương lắm, chợ ơi” vì không chỉ tiểu thương lao đao mà nguồn cung ứng hàng hóa, thực phẩm cho thành phố cũng rất khó khăn. Người dân phải sắp hàng đi siêu thị mua thực phẩm với biết bao vất vả...

Sophia thân mến!

Sáng 21/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có buổi kiểm tra một số chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM. Từ đó, Bộ Công Thương đề nghị lãnh đạo UBND Thành phố cũng như các sở, ban, ngành tiếp tục nghiên cứu và có biện pháp để tạo điều kiện cho các chợ truyền thống mở cửa trở lại, nhằm giảm áp lực phân phối hàng hóa cho các kênh siêu thị và tạo điều kiện cho người dân khi mua hàng.

Cũng trong ngày 21/7, Bộ Y tế cũng đã hỏa tốc gửi công văn số 5858/BYT-MT gửi Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg.

Đọc qua, sẽ thấy có những hướng dẫn rất thiết thực, chẳng hạn “tổ chức mua hàng tại chợ theo qui định một chiều” (chiều vào, chiều ra khác nhau), hoặc “Phát loa trong thời gian họp chợ để nhắc nhở khách hàng, hộ kinh doanh thường xuyên thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19”…

Có nghĩa, các cơ quan chức năng đều đã nhận thức vấn đề, đó là nên thực hiện tốt các biện pháp an toàn phòng chống dịch cho chợ để phát huy vai trò của nó trong điều kiện mới; đồng thời cũng sẽ mạnh taydừng hoạt động ngay đối với những chợ không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định.

Mừng lắm, chợ ơi!

Tạm biệt Sophia, hẹn gặp thư sau!

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm