Thư gửi robot Citizen: Chỉ thế cũng ấm lòng rồi…

05/07/2019 07:08 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"

Chào tuần mới: 11 phút vô cảm

Chào tuần mới: 11 phút vô cảm

Những con số trong một vụ tai nạn tuần qua chắc chắn còn ám ảnh chúng ta rất lâu dài. Rạng sáng ngày 25/6, tại TP HCM, một vụ va chạm đã xảy ra giữa một xe taxi và một xe máy do một nam thanh niên điều khiển, phía sau chở một phụ nữ, tai nạn đã khiến cả hai văng khỏi xe, ngã xuống vỉa hè, nằm co giật.

Ai đi đường đang gặp khó khăn mà nhận được sự giúp đỡ từ người xa lạ thì sẽ thấy tình người vô cùng "ấm áp“. Những hành động giúp đỡ đó đôi khi chỉ nhỏ thôi nhưng cũng khiến người ta cảm động.

Mới đây, tại một quán hủ tiếu tại TP.HCM, một nam thanh niên khi vào ăn thì thấy một ông lão bán vé số đi dạo qua. Anh ta gọi lại mua giúp rồi hỏi ông ăn cơm chưa, sau đó gọi thêm một tô hủ tiếu và mời ông cùng ngồi ăn.

Hành động này của anh đã được một khách hàng chụp hình và đưa lên mạng xã hội chia sẻ. Câu chuyện của anh khiến cho nhiều người cảm thấy ấm lòng và tin rằng cuộc sống vẫn còn nhiều điều tốt đẹp.

Chú thích ảnh
Chàng thanh niên mời cụ già bán vé số ăn hủ tiếu. Ảnh: Internet

Trước đó, cũng tại TP.HCM, tôi nhớ cũng có một nam thanh niên mà nhiều người đoán là sinh viên, cũng có hành động giúp đỡ người bán hàng rong. Thấy một bác gánh rau nặng quá, anh dừng lại đỡ, rồi gánh giúp bác một quãng đường khá xa. Xem hình ảnh được đăng tải, có người đã đặt câu hỏi rằng: Đã bao giờ bạn từng nghĩ mình sẽ giúp người lao động bằng cái cách bình dị này?

Sophia thân mến! Không biết các nước khác thế nào chứ tại Việt Nam chúng tôi, khi nói đến việc bán hàng rong, bán vé số dạo, đạp xích lô... là đang nói về những người mưu sinh vất vả, phải dầm mưa dãi nắng để kiếm sống. Mặc dù cũng có những người làm công việc này không tôn trọng khách hàng, có những hành vi chèo kéo, đeo bám khách - nhất là du khách nước ngoài. Nhưng về cơ bản, đa phần họ là những người lao động chân chính, công việc họ đang làm cũng cần được tôn trọng, tránh thái độ cư xử phũ phàng.

Xin kể một chuyện của chúng tôi cho Sophia nghe.

Đầu năm 1991, chúng tôi xuất ngũ trở về địa phương. Khi tàu về ga Hà Nội, ba anh em gọi một bác xích lô cao tuổi chở về nhà bên kia cầu Long Biên. Hôm đó trời khá lạnh, bác xích lô đi được khoảng một cây số thì tự nhiên xe cứ chậm lại.

Chúng tôi xuống xe quay lại hỏi và biết rằng bác chưa ăn gì từ sáng vì chưa bắt được khách nào, tuổi cao cho nên xuống sức nhanh, không thể đi tiếp. Mấy đứa bàn nhau đưa bác vào làm bát phở cho ấm bụng, rồi để bác ngồi lên vị trí khách hàng, còn chúng tôi thay nhau đạp về nhà trong quãng đường cũng khoảng gần bảy cây số.

Khi về tới nhà, lúc chúng tôi thanh toán tiền, bác xích lô nói rằng phải trừ cái khoản ăn kia đi vì anh em xuống đạp xe thế là đã giúp bác rồi. Chúng tôi phải thuyết phục bác rằng đây là anh em chia sẻ với bác, mỗi người một chút gọi là. Tôi thấy bác rơm rớm nước mắt, rồi quay ra ôm những người bạn của tôi thay cho lời cảm ơn.

Cũng giống như câu chuyện ở trên, giá của tô hủ tiếu và bát phở không lớn và không phải ông lão bán vé số hay bác xích lô kia không dám bỏ tiền ra ăn. Giá trị ở đây có lẽ là chia sẻ về mặt tinh thần nhiều hơn là vật chất. Và quan trọng là đúng người, đúng thời điểm.

Trong rất nhiều nhận xét, bình luận về câu chuyện trên của hai chàng trai, tôi rất thích bình luận của một độc giả: Khái niệm người tốt đâu phải chỉ là xét những việc to tát. Chỉ như thế này thôi cũng ấm lòng rồi.

Xin chào tạm biệt Sophia, hẹn gặp lại thư sau.

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm