Thư Cuối tuần: Đối thủ Tao Li là một triệu phú, còn Ánh Viên...

14/06/2015 10:39 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý độc giả,

Theo Cục đường thủy nội địa, đất nước chúng ta có 2.360 con sông lớn nhỏ. Nếu nối chúng lại với nhau thì tổng chiều dài là 41.900km, gấp ba lần khoảng cách từ Hà Nội tới California, tiểu bang nằm ở bờ Tây nước Mỹ.  

Nếu tính thêm khoảng 3.260km đường bờ biển, Việt Nam quả là có quá nhiều điều kiện phát triển bơi – một trong những môn thể thao cơ bản nhất của Olympic. Bơi của nam có mặt từ Olympic đầu tiên năm 1896, còn bơi dành cho nữ thì xuất hiện sau đó 16 năm.

Thế nhưng, bơi nói riêng và thể thao nói chung cũng như nhiều lĩnh vực khác trong xã hội, có tiềm năng, có nguyên liệu không có nghĩa là chúng ta tất phát triển. Việt Nam có nhiều mỏ thép, nhưng một chiếc xe hơi của người Việt, do người Việt sản xuất vẫn là mục tiêu phía trước.

Điều này lý giải tại sao bơi Việt Nam từng có một quãng thời gian rất dài, tới 40 năm không có tấm HCV môn bơi nào ở SEA Games. Cơn hạn ở môn thể thao dưới nước này chỉ chấm dứt cách đây 10 năm với thành công của kình ngư Hữu Việt.

Sau Hữu Việt thì giờ đây bơi Việt Nam có Quý Phước, Ánh Viên tung hoành ở SEA Games. Họ đều đến từ những miền sông nước hoặc có biển cả bao la là Đà Nẵng và Cần Thơ.


Ánh Viên phá 2 kỉ lục SEA Games trong ngày 9/6

Nhưng, đặc điểm địa lý quê hương không phải là lý giải cho tài năng xuất chúng của họ. Công thức để tạo nên các nhà vô địch là phát hiện tiềm năng, đào tạo huấn luyện, đầu tư tập huấn theo những quy trình của các nền thể thao phát triển.

Và để tạo nên động lực, ngoài ý thức màu cờ sắc áo của mỗi vận động viên thì sự cộng hưởng tương xứng từ xã hội có vai trò quan trọng.

Nếu coi kình ngư Mỹ Michael Phelps, người có tài sản 55 triệu USD là ví dụ xa vời thì Tao Li, một đối thủ của Ánh Viên ở SEA Games, hiện đang là một triệu phú cũng có thể là một bài học.

Chúc quý độc giả có những giây phút hào hứng cùng SEA Games!

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm