Sống chậm cuối tuần: 'Hàng giả' xưa nay

29/06/2019 07:04 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Nói một cách không ngoa thì tất cả mọi thứ, gần như luôn luôn có hàng giả song hành với hàng thật. Sẽ có người thắc mắc, vậy thì ô tô, máy bay giả làm sao làm giả được? Xin thưa, nếu bạn có nhu cầu làm một chiếc máy bay Boeing để đốt cho người thân quá cố thì rất dễ dàng, chỉ cần lên Hàng Mã đặt hàng. Tùy kích thước to nhỏ mà có giá từ vài triệu đến vài chục triệu.

Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"

Hôi hàng giả tại Thanh tra Bộ KH&CN và 'cướp có văn hóa'

Hôi hàng giả tại Thanh tra Bộ KH&CN và 'cướp có văn hóa'

Đến đây, chúng ta phải thừa nhận, mọi hành động "hôi của" đều là bẩn thỉu. Nhưng, hành động "hôi" hàng giả là tận cùng của bỉ ổi.

Hàng giả của người Việt có mặt trên thị trường đã nhiều nghìn năm rồi. Tùy nhu cầu sử dụng mà người ta chế tạo ra không nhất thiết để lừa người tiêu dùng. Đại khái khi khai quật những mộ thuyền thời Đông Sơn cách chúng ta hơn 2.000 năm đã thấy có “hàng giả”.

Đó là những món đồ minh khí chế tạo thu nhỏ tượng trưng cho tài sản của người quá cố được chôn theo. Chúng gồm có những trống đồng, vạc đồng và đôi khi là tượng súc vật gà, lợn, trâu, thú rừng. Có khi là cả một tòa biệt phủ, nhà trên dãy dưới rất phức tạp được làm bằng đất nung thu nhỏ.

Tất nhiên ngoài mớ đồ minh khí được làm giả tượng trưng như thế thường vẫn có những món đồ tùy táng. Đó là những món đồ thật như gương, lược, vò, hũ, trống, chiêng, vũ khí và đồ trang sức người chết từng sở hữu và sử dụng được chôn kèm. Người Việt từ cổ đại cho đến bây giờ hẳn là vẫn tin rằng cõi âm cũng tiêu dùng như dương giới vậy.

Chú thích ảnh
Hàng giả, hàng cấm bị tiêu hủy

Hàng giả với mục đích lừa người tiêu dùng có lẽ phổ biến hơn ở các đô thị. Nơi quan hệ xã hội tương đối lỏng lẻo và ít hiểu biết nhau về gốc gác. Chẳng thể mang một chiếc bánh gai đất bán cho người làng bởi như thế chỉ còn cách cuốn xéo khỏi cộng đồng làng xã.

Thế nhưng cũng chiếc bánh gai làm bằng đất sét như vậy đem luộc nóng lên mang ra ga Hải Dương vào thập niên 60 của thế kỷ trước bán vẫn đắt hàng. Khách mua là những người đi tàu hỏa tuyến Hà Nội-Hải Phòng. Dĩ nhiên người ta chỉ mắc lừa một lần và cũng dĩ nhiên những người bị lừa chỉ là khách lần đầu. Thế nhưng một chuyến tàu có hàng trăm hành khách thì xác suất mắc lừa là không nhỏ. Có thể đủ nuôi sống vài gia đình bất lương ở đấy.

Hà Nội những năm chiến tranh phá hoại cũng gần giống với một cái làng. Nghĩa là hiếm có chuyện lừa đảo bán hàng giả ngoài chợ hoặc trên phố.

Nhiều nhất chỉ có vài anh mặc áo mưa lùng thùng kể cả ngày nắng đi dọc phố vào từng nhà chào mời mua rượu trắng. Ngày ấy bán rượu phải lén lút chứ không được công khai như bây giờ. Các anh ấy có hai bịch rượu giấu trong áo mưa mắc chung một vòi rót ra ở cổ tay áo. Một bịch nước và một bịch rượu thật. Rượu thật cho gia chủ nếm và bịch nước để bơm vào chai bán cho người mua. Rất khó để biết kỹ thuật ép người bơm rượu của họ như thế nào mà luôn đúng như ý muốn. Nếm luôn là rượu thật và đóng chai luôn là thứ nước lờ lờ giống rượu nhưng chỉ để hai ngày trong nhà đã bắt đầu nổi váng.

Chú thích ảnh
Hàng "Fake" (giả)- nỗi lo toàn cầu. Ảnh: minh họa

Cho đến tận cuối thời bao cấp cũng vẫn ít hàng giả dù hàng kém chất lượng thì khá nhiều. Những kẻ bán đồng hồ, quần áo giả chỉ tập trung ở mạn Chợ Giời lừa khách vãng lai. Bán xong phải chạy vội đi thay đổi quần áo để dung mạo khác đi nhằm chuyển sang địa bàn khác. Đôi khi vẫn bị phát hiện và bắt giữ nếu như gặp phải khách hàng cứng vía.

Hàng giả lúc này tinh vi hơn nhiều dù rằng công nghệ còn rất lạc hậu. Kẻ làm chai rượu Tây giả chưa có đủ thiết bị để in tem, dập nút cho giống với hàng thật. Chúng đành bày trò nạy mác rượu ra khoan một lỗ nhỏ rút hết rượu thật và thay bằng nước màu giống rượu rồi dán keo con voi vào.

Tất nhiên chỉ đánh lừa được cảm quan mà thôi. Rượu ấy mở ra chỉ đưa lên mũi đã phải đổ đi rồi. Chẳng cần phải nhấp lấy một ngụm. Những kẻ bán rong sữa hộp ngoài ga cũng dùng thủ đoạn này để tráo sữa đặc trong hộp bằng bánh đúc pha loãng bơm vào.

Hàng giả bây giờ dĩ nhiên nhiều hơn gấp bội ngày trước. Đơn giản vì hàng hóa quá mức dư thừa cạnh tranh nhau quyết liệt. Những món hàng giả hoàn toàn không thể sử dụng đã gần như không còn đất sống. Người ta chỉ làm giả nhãn hiệu và những phụ tùng cấu trúc bên trong khó phát hiện. Điều đó dẫn đến giá bán rất cạnh tranh.

Hàng giả bây giờ không chỉ tồn tại ở dạng vật thể nữa. Những bằng cấp giả tràn lan khắp mọi ngõ ngách từ thành thị đến nông thôn. Từ bậc học cao nhất là tiến sĩ cho đến bậc thấp như bằng tốt nghiệp trung học phổ thông đều có thể mua được trên thị trường trôi nổi.

Đấy vẫn chỉ là dạng kiến thức giả thô sơ nhất mà thôi. Cao cấp hơn phải kể đến những luận án thuổng của đồng nghiệp đến vài chục trang. Phải kể đến những danh xưng như nhà báo quốc tế, tiến sĩ danh dự đại học danh tiếng toàn cầu, tổng biên tậpcủa một tờ tạp chí quốc tế. “Hàng giả” loại này đã từng được “hàng thật” trong nước bảo chứng bằng cách mời làm giáo viên thỉnh giảng.

Hàng giả có lẽ là thứ duy nhất trên đời đã và đang tồn tại hàng nghìn năm rồi.

Đỗ Phấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm