Quẩn quanh thuốc lá

30/05/2019 06:49 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên tôi được biết ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) là năm 1988, khi nhập ngũ được hai tháng. Hôm ấy, cán bộ trong đơn vị thông báo cho anh em biết hôm nay là ngày không thuốc lá do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn, mọi người đừng mời nhau và cũng đừng hút.

Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5: Thuốc lá và các bệnh về phổi

Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5: Thuốc lá và các bệnh về phổi

Hàng năm, vào ngày 31 tháng 5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác toàn cầu kỷ niệm Ngày Thế giới không thuốc lá.

Tại sao chúng ta hút thuốc lá? Không biết là những người đã từng hút thuốc lá, đang còn hút thuốc lá có bao giờ đặt ra câu hỏi này. Kiểm tra trên trang Google, sẽ có ngay lập tức 9.460.000 kết quả trong thời gian 0.46 giây với từ khóa này, với đủ các lý giải, lý do…
Lật lại quá khứ, trước đây chúng ta cũng không lạ gì điếu thuốc trong văn hóa giao tiếp.

Cùng với  trầu cau, điếu thuốc lá là thứ hay được mọi người mời nhau khi giao tiếp, gặp mặt lần đầu. Tôi nhớ câu “Điếu thuốc, miếng trầu mở đầu câu chuyện” được nhiều người nhắc nhau  khi chuẩn bị cỗ bàn, giỗ chạp.

Rồi những năm tháng bao cấp, khi  cuộc sống khó khăn, điếu thuốc lá thậm chí còn được nhắc đến rất nhiều trong sinh hoạt hàng ngày. Những câu như là “Sông Cầu còn lâu mới tiếp”, hay “Ba số 5, nằm cũng ký”, “Ba số nhí nhố cũng xong”, “Samit nói ít hiểu nhiều” được nhiều người truyền miệng (Sông Cầu, Ba số 555, Samit là tên những nhãn hiệu thuốc lá). Nó còn được hiểu đây là “giá phải trả” khi làm “dịch vụ” gì đó.

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Cứ thế, việc hút thuốc lá dường như trở thành một thói quen cố hữu đối với rất nhiều người. Dễ bắt gặp nhất là hình ảnh nhiều người làm văn phòng hay người dân lao động thường tranh thủ thời gian đầu giờ làm việc buổi sáng hoặc sau giờ ăn trưa để ngồi uống chén trà, hút điếu thuốc tại các quán cóc nằm gần cổng các cơ quan, trường học.

Bây giờ, sang giai đoạn mới, không chỉ có cánh đàn ông, chuyện chị em ngồi quán cà phê với điếu thuốc trên tay cũng trở nên bình thường chứ không còn gì lạ lẫm, ngạc nhiên cả.

Nhưng xã hội thay đổi, việc hút thuốc lá tại nhiều khu vực công cộng, những nơi có trẻ em, phụ nữ như trường học, bệnh viện, những địa điểm du lịch có đông du khách nước ngoài tham quan đã bị phản ứng nhiều. Ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người thì thói quen này cũng bị coi thể hiện ý thức cộng đồng chưa tốt, chưa văn minh.

Xã hội phát triển, việc quan tâm tới những vấn đề về môi trường, về sức khỏe cộng đồng lẫn sức khỏe cá nhân là tất yếu. Thói quen cũ đã đến lúc phải bỏ.

***

Người đầu tiên nói chuyện với chúng tôi về thuốc lá là thày hiệu trưởng hồi cấp 2. Thày giải thích: “Hút thuốc lá ở cái tuổi học trò như này là không nên. Nếu như nghiện thuốc lá trước tuổi 18 thì khả năng bỏ khó hơn gấp nhiều lần so với các lứa tuổi khác.” Còn nhà văn Mỹ Mack Twain đã hài hước khi nói rằng: “Bỏ thuốc lá là dễ nhất, tôi đã bỏ nó hàng ngàn lần”.
Quả thật, biết hút thuốc là dở, nhưng với nhiều người, bỏ thói quen ấy lại không dễ.

Tuy nhiên, nhìn sang các nước trên thế giới, rất nhiều biện pháp để hạn chế hút thuốc lá tại các khu vực công cộng được áp dụng. Ở Singapore, chỉ những nơi có treo biển báo được phép hút thuốc lá thì bạn mới có thể thoải mái hút thuốc. Hút bừa bãi nơi khác, bạn bị phạt tiền, thậm chí bị kết án tại tòa.

Còn ở Nhật Bản, Chính phủ áp dụng chính sách tăng thuế đối với thuốc lá. Mỗi loại thuốc lá ở đây đều có giá bán rất cao, mua nhiều cũng không được giảm giá.

Viết tới đây, tôi nhớ ra Hà Nội vừa bắt đầu triển khai mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc” tại một số nơi trên thành phố. Đó là sự khởi đầu rất đáng mừng. Hi vọng, thời gian tới, chúng ta sẽ có cả những biện pháp xử lý mạnh tay hơn, bên cạnh việc kêu gọi mọi người dừng hút thuốc tại tất cả những điểm công cộng hoặc những nơi có trẻ em và phụ nữ.

Không gì là không có thể, và cũng không bao giờ là quá muộn khi chúng ta nhận thức được vấn đề.

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm