Nỗi niềm thầy giáo dạy Sử: Nhiều đêm không ngủ được

09/05/2014 11:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ có 4,5 % thí sinh Đà Nẵng đăng ký môn Sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tới đây. Đằng sau con số này là rất nhiều vấn đề cần bàn luận. Một trong số đó là câu chuyện về nỗi niềm của những người thầy dạy Sử.

Có thể kể vài con số cụ thể về số lượng thí sinh đăng ký môn Sử tại các trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng. THPT Phan Châu Trinh là 14/1.562, THPT Thái Phiên 34/1.006, và 13/996 của THPT Trần Phú. Trong khi giáo viên các bộ môn khác phải căng như dây đàn vì đảm nhận quá nhiều học sinh thì giáo viên Sử có cảm giác như hoàn toàn bị "loại" ra khỏi cuộc đua đến kỳ thi tốt nghiệp của các em.

Lại câu hỏi về trách nhiệm

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Chánh văn phòng Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Tôi nghĩ không phải môn Sử không đủ hấp dẫn với người học. Nguyên nhân do cách dạy, chương trình và SGK nặng kiến thức, số liệu, sự kiện dày đặc như hiện nay thì học sinh chán Sử là tất yếu. Thái độ không thích môn Sử cho thấy học sinh ít nhiều bày tỏ sự không đồng tình với nội dung và phương pháp dạy hiện nay. Khi nào chương trình SGK được cải tiến mạnh mẽ; nhà trường, giáo viên chủ động thay đổi cách dạy theo hướng sinh động, lôi cuốn hơn nữa may ra mới “thổi” vào học sinh sự hứng thú, yêu thích bộ môn Sử”.

“Với số lượng thí sinh đăng ký thi môn Sử ít ỏi thế này, tôi đã phải đặt ra câu hỏi với bản thân mình. Nhiều đêm không ngủ được, tôi tự hỏi hay do mình dạy chưa tốt nên học sinh không mặn mà với bộ môn này. 13 học sinh của trường chọn thi Sử vì các em thi Đại học khối C. Như đã biết, những em thi khối C thường ở hai dạng, một là yêu thích, hai là học quá yếu không thể thi khối khác”.


Việc học Sử không có gì đáng ngại nếu có phương pháp, nội dung chương trình và công cụ, chính sách tốt.

Dạy ai nếu không có học trò?

Hàng năm, các trường THPT tại Đà Nẵng vẫn thực hiện các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, kết hợp với các bảo tàng để đưa học sinh đi tham quan. Hầu hết, các em đều rất thích thú, nhiệt tình tham gia. Vậy tại sao, chúng không chọn thi môn này?

Cô Trần Thị Hương, tổ trưởng bộ môn Sử trường THPT Trần Phú cho biết: “Nội dung trong SGK quá nặng nề. Cái gì cũng phải học rồi lại chả biết gì. Không có quy tắc nào cho việc ghi nhớ các số liệu. Giáo viên phải đảm bảo chương trình chỉ trong 45 phút, chúng tôi muốn kể những câu chuyện lịch sử thú vị cũng không có thời gian. Vì thế, môn Sử trở nên khô khan. Mặt khác, lựa chọn môn Sử thì phạm vi công việc sau này của các em rất hẹp, hầu như ra trường đều thất nghiệp. Nếu có ai đó tuyên bố, học Sử sẽ có cơ hội việc làm cao thì tôi tin học trò sẽ lao vào học”.

Đã trong nghề gần 30 năm, cô Hương kể: “Thế hệ chúng tôi đam mê Sử lắm và thấy tự hào với lịch sử nước nhà. Một câu trả lời phải có đủ 3 phần mở- thân-kết nhưng giờ học sinh chỉ cần học thuộc, trả lời đủ ý là có điểm rồi. Nội dung chương trình và đề thi quá máy móc khiến học trò chán là đương nhiên. Đến mấy đưa con tôi cũng nói không thích học môn Sử”

Đang ngồi trên ghế giảng đường nhưng hàng ngàn giáo viên tương lai của môn lịch sử cũng vô cùng lo lắng khi học sinh quay lưng với bộ môn này. Em Nguyễn Thị Tâm (sv năm 2 ĐH Sư phạm Đà Nẵng) nói: “Đọc tin tức như vậy, mọi người xung quanh em châm chọc rằng mình học môn không ai học, sau này ra trường không có học trò. Em rất lo lắng không biết khi em ra trường, học sinh có mặn mà với môn này không, liệu sinh viên học chuyên ngành lịch sử như chúng em có việc làm không?”

Trước thực trạng này, rất nhiều giáo viên bộ môn lịch sử có chung kiến nghị: thay đổi nội dung SGK, lược bớt và giảm tải nội dung, chỉ chú trọng những vấn đề trọng tậm; đổi mới phương pháp kiểm tra, thi cử.

Thầy Quang chia sẻ: “Buồn lắm, mình sẽ dạy ai nếu không có học trò. Nhưng chúng tôi mong đây là hồi chuông báo động cho toàn xã hội về việc giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ. Học trò không chọn môn Sử, thế hệ trẻ không quan tâm đến lịch sử sẽ gây đến một hệ lụy nghiêm trọng cho toàn xã hội. Chúng sẽ quên đi gốc gác. Thực ra, nếu có phương pháp, nội dung chương trình, công cụ và chính sách tốt thì việc học Sử cũng không có gì đáng ngại”.

Hồng Thúy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm