Nơi con sông Hồng chảy vào... thủy điện

05/05/2016 07:02 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Choáng váng, đó là cảm giác đầu tiên của tôi (và tin rằng cũng của nhiều người) khi lần đầu tiên nghe tin về siêu dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện của Tập đoàn Xuân Thành. Theo đó, tàu bè hàng trăm tấn có thể đi lại dễ dàng trên sông Hồng từ Hà Nội lên tận Lào Cai.

Choáng váng, nhưng không có nghĩa là không tin. Giống như chúng ta từng không thể tưởng tượng rằng có thể chạy xe ba bốn tiếng là lên tới tận Lào Cai, nhưng bây giờ đã trở thành hiện thực với đường cao tốc Hà Nội - Lao Cai dài 245km, tốc độ tối đa theo thiết kế có thể lên tới 120km/h. Và ngay bây giờ, tại Hà Nội có tour đi “nghỉ mát” Sapa sáng đi, tối về.

Kỳ vọng, nhưng động chạm đến toàn tuyến, từ “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” đến vùng hạ lưu là động chạm đến “mạch máu” của châu thổ Bắc Bộ và của cả miền Bắc…

Tôi dám chắc rằng, hầu hết những người dân thường chúng ta đều không quan tâm đến giao thông đường thủy trên sông Hồng (có chăng là tuyến du lịch trên sông đi Bát Tràng, hoặc một số tuyến thủy nội địa chủ yếu chở hàng hóa ở phần hạ lưu). Toàn bộ con sông Hồng từ Việt Trì lên địa đầu tổ quốc (A Mú Sung) vẫn còn là một bí ẩn, ngay cả với dân phượt.

Chúng ta đang dựng cột cờ Tổ quốc khổng lồ ở A Mú Sung - “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, nhưng hầu hết tất cả chúng ta đều lên đó bằng đường bộ.


Dòng sông Hồng nhộn nhịp thuyền bè

Bởi thế, tôi muốn bày tỏ sự kinh ngạc khi siêu dự án này có thể tạo ra tuyến vận tải đường thủy thông suốt quanh năm từ Lào Cai - Hải Phòng cho tàu có trọng tải từ 400 tấn đến 600 tấn, kết hợp sản xuất điện với tổng công suất khoảng 228 MW tương đương 912 triệu kWh/năm.

Để làm được điều đó, chủ đầu tư dự kiến sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét hơn 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp 3; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp 2), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW; xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai.

Khoan nói đến số tiền (trên 1 tỷ USD) cũng khoan nói đến mức thu phí, cùng lợi nhuận do thủy điện đem lại (những thứ đó còn phải bàn bạc, suy tính nhiều), hãy nói đến ý tưởng đánh thức đường thủy sông Hồng từ địa đầu tổ quốc ra tận biển.

***

Ý tưởng này, xét trong chiều dài lịch sử, thì... không mới. Nó khiến tôi nhớ đến cuộc thám hiểm sông Hồng từ hơn một thế kỷ trước, của Jean Dupuis (1828 - 1912),  một nhà thám hiểm và thương nhân người Pháp, từng được thực dân Pháp đặt tên phố ở Hà Nội (nay là phố Hàng Chiếu).

Với lịch sử Việt Nam, Jean Dupuis là một kẻ tội đồ, một tên lái súng nham hiểm, đã mở đường cho cuộc xâm chiếm Bắc Kỳ lần thứ nhất của thực dân Pháp. Tuy vậy, ở một góc độ nào đó, qua các cuốn sách của Dupuis để lại như  "Khai thông sông Hồng cho thương mại" (1879), trong đó có vẽ “bản đồ Bắc Kỳ”, bản đồ đầu tiên của vùng này, cũng để lại một số tư liệu quý.

Sông Hồng sẽ ra sao khi xây 6 đập dâng giữ nước quanh Hà Nội?

Sông Hồng sẽ ra sao khi xây 6 đập dâng giữ nước quanh Hà Nội?

Xây dựng 6 đập dâng để giữ và điều tiết nước là vấn đề lớn được các nhà khoa học Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam và Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam đề xuất.


Một số tài liệu lịch sử ghi lại rằng, sau cuộc thám hiểm sông Mê-kông không thành công của người Pháp, vào tháng 2 năm 1871, lái buôn người Pháp Jean Dupuis đã khám phá ra thượng lưu của sông Hồng và thấy rằng sông này chảy vào nội địa nước Việt Nam sẽ là một đường thủy vận rất tốt để đương sự chuyên chở hàng hóa và vũ khí từ biển Đông vào nước Trung Hoa và ngược lại. Dupuis liền nhờ chính phủ Pháp can thiệp với chính quyền nước Đại Nam lúc đó để được tự do di chuyển trên con sông Hồng...

Và sau đó, nhưng mâu thuẫn giữa Jean Dupuis với chính quyền nhà Nguyễn khi đó đã được lấy ra làm cái cớ để thực dân Pháp đánh chiếm Bắc kỳ và Jean Dupuis đã góp sức đắc lực cho cuộc tấn công phi nghĩa này.

Lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc sau đó không nói gì đến cái gọi là tuyến vận tải thủy sông Hồng lên Lào Cai như ý tưởng của Jean Dupuis.

***

Trở lại với siêu dự án đường thủy xuyên Á kể trên. Dự án đã nhận được nhiều sự góp ý của các Bộ, ngành, và vừa chính thức được Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình Thủ tướng xem xét chủ trương đầu tư, chứng tỏ rằng, nó không hoàn toàn viển vông, siêu tưởng. Tất nhiên từ khi xin chủ trương đầu tư đến khi... thành hiện thực thì vẫn là một hành trình dài.

So với thời điểm Jean Dupuis muốn độc chiếm sông Hồng để tự do... buôn lậu vũ khí vào Trung Quốc, ngày nay, về cơ bản, dòng sông Hồng cũng không có nhiều sự thay đổi.

Sự thay đổi lớn nhất, không phải là tự nhiên, mà chính là nhãn quan của con người.

Ngày nay, chúng ta đã thấu hiểu sâu sắc rằng, tôn trọng quy luật của tự nhiên và bảo vệ môi trường là điều cốt tử, nếu chúng ta không muốn bị tự nhiên “quật lại”.

Chưa bao giờ người ta sợ sự can thiệp vào các dòng sông như bây giờ, và cũng chưa bao giờ người ta kinh hãi thủy điện như những ngày đồng bằng sông Cửu Long chìm trong quốc nạn hạn hán và ngập mặn.

Vì thế, mặc dù vẫn chưa hiểu nhiều về siêu dự án đường thủy xuyên Á trên sông Hồng, nhưng sự lo ngại của dư luận là có lý.

Hẳn rằng, các nhà khoa học sẽ phải nghiên cứu và cân nhắc rất nhiều với việc nạo vét 288km lòng sông phần thượng lưu để phục vụ giao thông thủy cũng như để xây dựng 6 đập thủy điện. Nếu không có sự hài hòa giữa xây dựng và bảo tồn tự nhiên, thì “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” sẽ trở thành nơi con sông Hồng chảy vào... 6 đập thủy điện trước khi mang nguồn nước mát lành và phù sa cho đồng bằng châu thổ.

Song, lo ngại không có nghĩa là không dám đưa ra các ý tưởng và lao vào nghiên cứu. Cách đây 2 năm, các nhà khoa học thuộc Viện Thủy lợi đã đưa ra ý tưởng làm 6 đập dâng trên sông Hồng (không phải đoạn thượng lưu) để giữ nước cho Hà Nội và cứu sông Nhuệ, sông Đáy... Dự án cũng được dư luận đánh giá cao và báo Thể thao & Văn hóa đã đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội cho ý tưởng này.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm