Nghi án 'đạo nhạc' bản hit của Mỹ Tâm 'Đâu chỉ riêng em': Để xử cần những yếu tố nào?

01/08/2017 07:07 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về nghi án hit “Đâu chỉ riêng em” "đạo" ca khúc “Tình lay động lòng nhói đau bao giờ” đã được sáng tỏ. Nhạc sĩ Khắc Hưng "trắng án", khi chính tác giả của ca khúc nhạc Hoa này lên tiếng minh oan cho anh.

Nhưng chắc chắn, mươi ngày qua là chuỗi thời gian căng thẳng với Khắc Hưng. Căng thẳng, để rồi gặp may mắn. Bởi, trong cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa, chính Khắc Hưng nói rằng nhiều nhạc sĩ khác cũng có sản phẩm bị so sánh với các tác phẩm của những nhạc sĩ nổi tiếng thế giới. Nhưng, không nhận được câu trả lời rõ ràng từ phía chủ nhân tác phẩm bị trùng ấy, họ sẽ mãi mãi bị xem là đạo nhạc.

Vậy, trong những trường hợp ấy, ai là người có thể "xử" được?

Nhạc sĩ Khắc Hưng nói về 'nghi án đạo nhạc': 'Tôi không trách người nghe nhạc…'

Nhạc sĩ Khắc Hưng nói về 'nghi án đạo nhạc': 'Tôi không trách người nghe nhạc…'

Dù phần thắng không thuộc về tin đồn, khi chính chủ nhân tác phẩm được so sánh với Đâu chỉ riêng em của Khắc Hưng liên tiếng minh oan cho anh, nhưng Khắc Hưng bảo rằng lần này anh rất sốc!

Về bản chất, tác phẩm âm nhạc là một loại tài sản dân sự thuộc quyền sở hữu của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm (theo thỏa thuận). Sự tương tự nhau về giai điệu giữa các ca khúc khác nhau có thể coi là hành vi sao chép một phần tác phẩm.

Tuy nhiên, sự xác định có sao chép để kết luận có hành vi xâm phạm theo quy định của pháp luật hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc ai là người đưa ra cáo buộc xâm phạm, và ai là người xử lý hành vi xâm phạm đó.

Là một quan hệ pháp luật dân sự, nên khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra, chỉ chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền của chủ sở hữu mới quyền tiến hành các thủ tục xử lý hành vi xâm phạm. Và cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ có thể xử lý được hành vi xâm phạm quyền tác giả khi nhận được yêu cầu của người có quyền.

Mỹ Tâm với ca khúc Đâu chỉ riêng em
Mỹ Tâm với ca khúc Đâu chỉ riêng em

Thử đặt trường hợp một vụ việc tương tự như chuyện của Khắc Hưng, nghĩa là một tác giả Việt có ca khúc bị nghi "đạo" một ca khúc của nước ngoài, ví dụ của Trung Quốc.

Cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Công ước Berne (1886) về bảo hộ quyền tác giả văn học và nghệ thuật. Do vậy, Việt Nam có nghĩa vụ bảo hộ một tác phẩm được công bố ở Trung Quốc và ngược lại mà không phải thông qua thủ tục đăng ký. Có nghĩa, khi công bố ở Trung Quốc, ca khúc này tự động được bảo hộ ở Việt Nam, cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm không tiến hành bất kỳ hoạt động đăng ký nào tại Việt Nam.

Trong trường hợp bị sao chép , tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm ca khúc này có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam xử lý hành vi xâm phạm. Cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam là “Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” (Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ).

Để áp dụng được các biện pháp cho phép theo quy định của pháp luật, cơ quan này phải thông qua trình tự thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Lựa chọn cơ quan có thẩm quyền nào (trong danh sách được kể) xử lý xâm phạm phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người có quyền đưa ra yêu cầu xử lý xâm phạm.

So sánh giữa các cơ quan có thẩm quyền ấy, Thanh tra Văn hóa đang là cơ quan được lựa chọn nhiều hơn khi xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bởi sự thời gian giải quyết nhanh chóng và dứt điểm. Còn, xét về bản chất quan hệ pháp luật (và các quốc gia trên thế giới cũng thường áp dụng như vậy) thì các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nên được đưa ra giải quyết tại Tòa án để chủ thể quyền được nhận lời xin lỗi công khai cũng như được bồi thường các thiệt hại về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm gây nên.

Cho dù lựa chọn cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm nào, thì trong mọi trường hợp việc kết luận có hay không sự sao chép giai điệu giữa hai ca khúc sẽ thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bởi thế, trong bất cứ trường hợp nghi vấn việc một sản phẩm âm nhạc của Việt Nam "đạo" sản phẩm âm nhạc một của tác giả nước ngoài, sẽ không có cơ quan nào trong những cơ quan có thẩm quyền kể trên đưa ra kết luận cuối cùng – nếu tác giả nước ngoài kia không đứng ra yêu cầu.

Nghĩa là, đúng như lời Khắc Hưng, nghi vấn "đạo nhạc" ấy có thể sẽ không được xử, và gắn với cái tên tác giả Việt mãi mãi.

Luật sư Tám Trần
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm