Ngày nào cũng có thể là ngày Valentine

14/02/2017 10:53 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh ấy: sau tách cappuccino ở một quán cà phê trung tâm cổ của Genoa, thành phố cảng lớn nhất nước Ý, ông già lưng còng ấy cầm một chiếc túi đựng những bông hoa, chầm chậm đến một bức tường và đặt vào đó.

Bức tường ấy có di ảnh và tên người vợ đã quá cố của ông. Người dân ở đấy bảo rằng, đã nhiều năm rồi, ngày nào cũng thế, nắng cũng như mưa, người đàn ông ấy uống cà phê ở nơi họ thường lui tới khi bà còn sống, và sau đó, đến đặt hoa cho vợ mình.

Trong những năm tháng sống ở Ý, tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện tương tự và xúc động vô cùng khi biết rằng, trên mảnh đất đầy lãng mạn và không thiếu những bi kịch như của Romeo và Juliet ấy, người ta đã yêu như thế.

Một người bạn Ý của tôi kể rằng, người Italy lãng mạn, nhưng những gì được mô tả trong tiểu thuyết hay phim ảnh về cách họ yêu thực sự không giống đời thực. Bởi lẽ, trong tình yêu, người Ý trọng tình cảm hơn vật chất. Trong thời buổi mà cái gì cũng có thể bị thương mại hoá, kể cả ngày 14/2 của lễ Tình nhân, người Ý vẫn coi trọng trái tim hơn tất cả.

Những phong chocolate vẫn được tặng, những món quà vẫn được trao, các trang mạng kết nối tình cảm vẫn tổ chức các cuộc bầu chọn những câu tỏ tình lãng mạn nhất, nhưng mọi chuyện diễn ra rất bình dị và không chỉ có người đàn ông tỏ tình hay tặng quà, mà nữ giới cũng làm việc ấy. Họ bình đẳng cả trong việc yêu đương. Họ không chờ đến đúng dịp này mới thể hiện tình cảm. Họ yêu nhau mỗi ngày.

Tôi đã chứng kiến những đôi tình nhân trẻ tay trong tay vào quán ăn và chỉ gọi hai chiếc pizza (với giá chừng 7 euro/chiếc, khoảng 160 nghìn đồng tiền Việt), hai chai nước, và rồi ăn với nhau trong ngày Tình nhân. Andrea, một người bạn khác, một chàng trai rất si tình người Roma có lần nói với tôi rằng, người Ý coi tất cả những ngày trong năm là ngày tình yêu.

“Nếu bạn yêu thực sự, bạn chỉ cần chứng minh cho người ấy của bạn sự chân thành và lãng mạn”, anh nói. “Vật chất không thay thế được những giá trị ấy. Tôi có thể xúc động nghẹn ngào kể cả khi cô ấy tặng tôi một thanh chocolate rẻ tiền, dù đó là ngày 14/2 hay không. Tôi biết ẩn chứa trong đó là tình yêu đích thực”.

Nhưng tôi không tin là nhiều bạn trẻ hiện tại hiểu điều Andrea nói. Nhiều người chạy theo xu hướng độc, lạ và vật chất để thể hiện tình cảm, và có cả một thị trường ngày càng phình to ra để đáp ứng các nhu cầu của họ.

Có lẽ, phải đến một lúc nào đó trong đời, sau rất nhiều những hạnh phúc và cả đổ vỡ, người ta mới nhận ra tình cảm thực sự là gì, và tại sao những món quà giản dị lại có ý nghĩa hơn nhiều những gì quá vật chất. Khi ấy, họ sẽ hiểu rằng, thực ra, người ta không đợi đến ngày 14/2 để được yêu thương.

Những dịp như hôm nay, 8/3, 20/10 hoặc những ngày đặc biệt khác luôn là dịp để họ chứng tỏ một điều gì đó trong tình yêu. Điều đó có thể tạo ra những áp lực vô hình lên cả hai phía, cả phía người tặng lẫn người được tặng. Và khi món quà ấy không đáp ứng sự kì vọng, rất có thể, tình yêu có thể bị rạn vỡ.

Khi viết bài này, tôi nhận được tin nhắn của một người không quen qua Facebook, hỏi về việc nên tặng quà gì cho người yêu nhân lễ Tình nhân. Tôi, không phải là một chuyên gia tư vấn tình cảm, chỉ có thể nhắn lại thế này: “Nếu tình yêu của bạn là thực sự, bạn biết mình cần phải làm gì cho cô ấy, không chỉ hôm nay mà còn rất nhiều những ngày khác. Với những người biết yêu thương, ngày nào cũng là ngày 14/2”.

Trương Anh Ngọc
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm