Mùng 3 Tết Thầy: Hiểu thế nào cho đúng và những câu nói hay về ơn thầy cô, sự học

08/02/2019 10:56 GMT+7

“Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” là câu nói dân gian đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam mỗi khi Tết đến, xuân về. Nó gợi nhắc đến truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, "Tôn sư trọng đạo" tốt đẹp của dân tộc ta.

Hiểu câu nói dân gian này như thế nào?

Tết Nguyên đán được coi là dịp nghỉ lễ lớn và quan trọng nhất trong năm. Đây là khoảng thời gian để các thành viên trong gia đình có dịp quây quần bên nhau đồng thời cũng là dịp để mọi người thăm hỏi người thân, thầy cô, bạn bè. Vì vậy, dân gian mới có câu "mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy"

Theo quan niệm của nhiều người, "cha" là đại diện của "họ hàng bên nội". Do đó, "mùng 1 Tết cha" có nghĩa là sáng ngày mồng 1 Tết, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ tập trung bên nội để cúng bái gia tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ để tỏ lòng thành kính.

Sang đến ngày mùng 2 Tết, theo thông lệ, vợ chồng con cái sẽ "khởi hành" sang thăm hỏi và chúc Tết bên nhà ngoại. Các nghi thức "Tết mẹ" cũng trang trọng và thành kính như bên nhà nội. Con cháu chúc Tết ông bà và nhận "lì xì" may mắn đầu năm.

Có những bạn chỉ hiểu cha và mẹ theo nghĩa đen, thậm chí còn nói "Ngày của Mẹ" còn thêm ngày mùng 2 Tết (!).

Ngày mùng 3 Tết, người Việt, mọi người thường rủ nhau đến chúc Tết thầy cô giáo. Đây vừa là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô vừa là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chúc tụng nhau gặp nhiều điều may trong những ngày Tết đến, xuân về.

Tết Thầy - Nét đẹp của truyền thống "Tôn sư trọng đạo"

Chú thích ảnh
Hình ảnh thầy và trò thời xưa

Ngày xưa cho dù làm quan đến tể tướng thì ngày Tết người học trò đến thăm thầy cũng vẫn một lòng tôn sư trọng đạo như thế. Thường thì ngày mồng ba Tết, người đứng đầu hàng môn sinh – những người cùng học, không phân biệt tuổi tác, chức vị, vị trí xã hội, thường tụ họp ở gia đình thầy giáo, chúc Tết thầy.

Người cao tuổi nhất hoặc người được các bạn đồng môn tín nhiệm nhất thay mặt mọi người đứng lên trịnh trọng thưa với thầy về sự có mặt của học trò lớp mình và chúc thầy trường thọ cùng những điều tốt lành.

Mùng 3 Tết, người Việt thường dành riêng đi lễ Tết thầy giáo. Không chỉ có các học trò học chữ đến với thầy dạy chữ mà thầy được người Việt mở rộng nghĩa là những bậc có công dạy chữ lẫn dạy nghề, dạy cả những bộ môn nghệ thuật như dạy đàn, dạy hát… Người Việt thường nói, "Không thầy đố mày làm nên".

Công dưỡng dục thuộc về cha mẹ nhưng công lao dạy dỗ thành người hiểu biết, thành người có nghề nghiệp để sau này sinh sống và định vị cuộc đời mình trước nhân quần xã hội là người thầy. Với tinh thần tôn sư trọng đạo, người Việt quan niệm "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" nghĩa là dạy một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy – để tỏ lòng tri ân người có công khai tâm cho con người bằng trí thức, bằng chữ.

Phong tục "Mùng 3 tết Thầy" là một trong những nét đẹp truyền thống đáng trân trọng. Trong tâm thức người Việt, dù trong hoàn cảnh nào thì nhớ về thầy trong những ngày vui của tết là điều không bao giờ mất đi. Tết thầy cốt ở tấm lòng, đi tết thầy, người ta có thể đơn giản chỉ dùng đến những dòng tin nhắn, những cuộc điện thoại đầy tôn kính hay đến thăm thầy, chúc tết thầy với một tình cảm trìu mến... chỉ ngần ấy thôi cũng đủ để làm nên một cái tết thầy đầy ấm áp, yêu thương.

Những câu nói về ơn thầy cô và sự học 

- Tiên học lễ, hậu học văn

- Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy

- Không thầy đố mày làm nên

- Một kho vàng không bằng một nang chữ

- Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học

- Ăn vóc học hay

- Ông bảy mươi học ông bảy mốt

- Dốt đến đâu học lâu cũng biết

- Người không học như ngọc không mài

- Trọng thầy mới được làm thầy

- Một gánh sách không bằng một giáo viên giỏi

- Thầy giáo là đường tinh, học sinh là đường đã lọc

- Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

- Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy.

- Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy

Nghĩ sao cho bõ những ngày ước mong.

- Ơn thầy soi lối mở đường

Cho con vững bước dặm trường tương lai

- Gươm vàng rớt xuống Hồ Tây

Ơn cha nghĩa trọng công thầy cũng sâu.

- Mấy ai là kẻ không thầy

Thế gian thường nói đố mày làm nên.

- Mười năm rèn luyện sách đèn

Công danh gặp bước, chớ quên ơn thầy.

- Mẹ cha công đức sinh thành

Ra trường thầy dạy học hành cho hay.

- Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.

- Dốt kia thì phải cậy thầy

Vụng kia cậy thợ thì mày làm nên.

- Đến đây viếng cảnh viếng thầy

Không say mùi đạo cũng khuây mùi trần.

- Ở đây gần bạn gần thầy

Có công mài sắt có ngày nên kim.

- Tạ ơn thầy đã dẫn con vào rừng trí thức

Cảm nghĩa cô đã dắt trò đến biển yêu thương

- Con hơn cha là nhà có phúc

Trò hơn thầy là đất nước yên vui.

- Con ơi ghi nhớ lời này

Công cha, nghĩa mẹ, công thầy chớ quên.

- Chữ thầy trong cõi người ta

Dặm dài hoa nắng trời xa biển đầy

- Thời gian dẫu bạc mái đầu

Tim trò vẫn tạc đậm câu ơn thầy

- Ai người đánh thức đêm trường mộng

Ai soi đường lồng lộng ánh từ quang

Nghi lễ tôn nghiêm và quyền lực ngày Tết Nguyên đán trong các cung đình Việt Nam xưa 

Nghi lễ tôn nghiêm và quyền lực ngày Tết Nguyên đán trong các cung đình Việt Nam xưa 

Tết Nguyên đán trong cung đình thể hiện nổi bật nhất, trang trọng nhất nghi thức của Tết Việt xưa.

 TN  (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm