Không 'độc quyền' sự đau thương

22/06/2016 07:18 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua không chỉ với người làm báo, nỗi đau hai chiếc máy bay rơi liên tiếp của Không quân Nhân dân Việt Nam gợi nên nhiều suy tư. Một người lính đã hi sinh, 9 người chưa trở về.

Sự kiện đau thương này diễn ra đúng dịp kỷ niệm báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6. Nhiều nhà báo thức trắng ngày đêm dõi theo hành trình tìm kiếm, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu trong buổi gặp mặt kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam được tổ chức chiều 21/6: “Trong sự kiện máy bay rơi, tôi biết nhiều phóng viên thức trắng đêm khi đưa tin các lực lượng chức năng đưa thi thể phi công Trần Quang Khải về đất liền. Ở toà soạn cũng không ít biên tập viên cũng thức trắng đêm chờ tin tức truyền về”.

Trong nhiều tâm sự chia sẻ của các nhà báo nhân ngày truyền thống với rất nhiều trăn trở nghề nghiệp, tôi ấn tượng với câu nói của nhà báo Gia Hiền, Trưởng Ban Thời sự của Truyền hình Quốc phòng Việt Nam trên báo Tuổi trẻ: “Chúng tôi tự hỏi mình độc quyền cái gì đây, độc quyền sự đau thương à?”.

Quả thực, những ngày qua, trang Rubik Thời sự - Kênh QPVN trên Facebook đã trở thành tâm điểm với những thông tin về sự kiện máy bay rơi. Các nhà báo đã liên tục cập nhật thông tin, hình ảnh, clip về sự việc, đồng thời thông báo các đồng nghiệp có thể sử dụng lại toàn bộ nội dung này. Những clip, hình ảnh và thông tin mới nhất về CASA-212 và Su30-MK2 là những thông tin mà do đặc thù công tác, họ độc quyền.


Máy bay CASA-212 mang số hiệu 8983. Ảnh: BQP

Trên Tuổi trẻ, nhà báo Gia Hiền nói: “Trong sự việc này, nhiều người hỏi chúng tôi tại sao không giữ thế độc quyền. Nhưng chúng tôi tự hỏi mình độc quyền cái gì đây, độc quyền sự đau thương à?... Trong thời gian đó, trên mạng đã xuất hiện những thông tin rất sai lệch. Khi chúng ta không có thông tin đầy đủ, kịp thời thì những luồng thông tin sai lệch đó sẽ lên ngôi, gây hoang mang cho dư luận”.

Nỗi đau chung của đất nước khiến các nhà báo vượt qua cả những thường quy của nghề nghiệp. Đó cũng là trách nhiệm của những người cầm bút chân chính.

2. Cũng trong những ngày đau này, trên các trang cá nhân và mạng xã hội truyền nhau bài thơ không có tiêu đề của cô sinh viên sư phạm 18 tuổi Vũ Phương Trang. Bài thơ như một lời thỉnh cầu thống thiết: Xong chuyến bay lần nào bố cũng kể/ Sao hôm nay bố chẳng nói câu gì? Bố Khải ơi.... Bố mở mắt ra đi... Bố đã ngủ mấy ngày rồi đó!. Nhiều người đã rơi nước mắt.

Và trong số bạn bè đồng niên của tôi, có Việt Hưng, một cô giáo, nhà thơ ở Thanh Hóa cũng viết những vần thơ chan chứa được cộng đồng chia sẻ. Trong bài “Tổ quốc yêu cầu các anh trở về” cô viết: Đất nước mình mất mát nhiều rồi đâu cần thêm nước mắt/ Xin các anh đừng biến mất giữa trời cao xanh ngắt/ Khi Tổ quốc cần lại cứ lặng im?

Nếu không được cả 10 người/ Thôi chỉ cần 4, 3, 2 hay 1 dạ thưa/ Chỉ cần một tiếng thôi để ấm lòng người ở lại/ Để ngày mai cánh trực thăng bay trong đường tuần mê mải/ Có những người lính tiếp tục ra đi khi tổ quốc gọi tên mình.

Và cô ru con như tự nhủ với mình: Con nghe thấy không ở ngoài kia có tiếng hát vang/ Hình như những người trẻ của đất nước mình đã bớt sống vội vàng và hồ nghi con ạ/ Những người trẻ biết đau nỗi đau biển cả/ Hòa vào rừng làm một nhành cây tha thiết xanh non. Những bài thơ cô viết trong nước mắt.

Tôi chợt nghĩ, đất nước đang trong nỗi đau mất mát, cần hơn bao giờ hết những áng văn, trường thơ người cầm bút, những người thư ký trung thành của thời đại. Đất nước cần họ ghi lại sâu thẳm hơn, tha thiết hơn tháng ngày này. Để nhớ, để ghi và lưu truyền lại mai sau. Không ai “độc quyền” nỗi đau chung của nước.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm