Khi trai, gái 'phải hơi' nhau

04/11/2020 06:55 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Nguyên văn câu tục ngữ này là: “Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó/ Trai phải hơi gái như cò bợ gặp trời mưa”. Đây là một kinh nghiệm dân gian có liên quan tới quan hệ nam nữ. Nam (đàn ông) và nữ (đàn bà) là 2 nhóm người thuộc giới tính khác nhau. Về mặt gia đình, họ kết hôn với nhau thành một cặp vợ chồng. Về mặt sinh lý học, họ kết hợp với nhau làm nên một cặp sinh sản. Theo lẽ thường của tạo hóa, đây là điều kiện cơ bản để duy trì nòi giống con người theo nguyên lí sinh sản hữu tính (có sự tham gia của tế bào sinh dục đực và cái).

 

Chữ và nghĩa: 'Vỏ' và 'da' trong tiếng Việt

Chữ và nghĩa: 'Vỏ' và 'da' trong tiếng Việt

Khi nói tới “da cam” hay “màu da cam”, chắc mọi người Việt Nam chúng ta sẽ liên tưởng ngay tới tổ hợp từ “chất độc da cam” (trước đây thường gọi là “chất độc màu da cam”).

Kết giao giữa nam và nữ đã thành câu chuyện của muôn thuở. Thiết tưởng không cần phải hà tất nhiều lời. Cái đáng nói ở câu tục ngữ này là cách ví von của dân gian về "hệ quả" của sự tiếp xúc bình thường đó.

Câu này, được Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển Tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) thống kê là "Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó/ Trai phải hơi vợ như cò bợ mắc mưa" và được giải thích: "Con gái bén được hơi trai thì da dẻ đều phổng phao hẳn lên, tựa như thài lài gặp được phân chó; chồng bén phải hơi vợ thì đa phần đều bết bát hẳn đi, tựa như lũ cò bợ bị mắc mưa."

Còn Việt Chương (trong Từ điển Thành ngữ, Tục ngữ, Ca dao Việt Nam, quyển Thượng, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2003) lại thống kê là: "Gái phải hơi trai như thài lài phải cứt chó/; Trai phải hơi vợ như cò bợ phải trời mưa" và giải thích: "Gái mới lấy chồng tự nhiên trở nên tươi tắn, lanh lợi và yêu đời. Cũng như cây rau thài lài được "bón" bằng phân chó nên tươi tốt lạ thường. Loại cây thài lài chỉ thích hợp với phân chó. Còn con trai mà mới lấy vợ thì trông thảm hại làm sao! Cả ngày cứ rụt cổ so vai như con cò bợ, như đau ốm lâu ngày chưa dứt. Đó là do phung phí sinh lực quá độ nên mới "rạc" người ra như vậy”.

[thài lài: cây thân cỏ, thường mọc hoang ở những nơi đất ẩm, lá hình trái xoan nhọn, hoa màu xanh lam; cò bợ: cò có cổ và ngực màu nâu thẫm, thường có dáng ủ rũ.]

Cả Nguyễn Đức Dương và Việt Chương đều có ý cho rằng, câu tục ngữ này nói về biểu hiện của nam và nữ trong mối quan hệ vợ chồng. Thực ra, căn cứ vào ngôn ngữ tường minh thì dân gian đơn thuần chỉ nói về hệ quả tiếp xúc giữa "gái" (nữ, đàn bà) và "trai" (nam, đàn ông) khi họ lần đầu đến với nhau (trong đó dĩ nhiên có trường hợp vợ chồng mới kết hôn.)

 

Chú thích ảnh
Dân gian dùng câu này để nói về hệ quả tiếp xúc giữa "gái" (nữ, đàn bà)
và "trai" (nam, đàn ông) khi họ lần đầu đến với nhau 

Chắc người đọc cũng nhận ra, 2 vế đem ra so sánh quả là rất lạ, rất độc đáo: một so sánh với "thài lại gặp cứt chó", một so sánh với "cò bợ gặp trời mưa". Thài lài mọc dại xó vườn bỗng nhiên có một bãi cứt chó ngẫu nhiên rơi bên cạnh, khác nào tiếp thêm sức lực, nhanh chóng phát triển tốt tươi trông thấy. Còn cò bợ vốn dĩ đã có bộ dạng ủ rũ, buồn rầu mà gặp trận mưa to thì lông ướt bết bát, đã thiểu não lại thiểu não hơn. Chính từ sự ví von này đã làm nên nghĩa khái quát của câu tục ngữ nói về biểu hiện ngoại hình trái ngược: Gái "gặp" trai sẽ tươi tỉnh, mỡ màng, tốt đẹp. Trai "gặp" gái sẽ trở nên yếu ớt, mất nhuệ khí. Nghĩ mà tội cho "cánh đàn ông" quá đỗi (mà lại bị đem ví với “thài lài gặp cứt chó”, thật là bỉ mặt cánh mày râu.)

Nhưng đó là một thực tế cuộc sống mà mọi người (nhất là những ai đã trải nghiệm), dù ít dù nhiều, đều thừa nhận là đúng. Vấn đề cần bàn ở đây là tổ hợp "phải hơi (trai, gái)" ở đây muốn nói về cái gì?

"Phải hơi" theo Nguyễn Đức Dương là "bén được hơi trai", "bén phải hơi vợ". Còn theo Việt Chương, cụ thể hơn, từ này chỉ "gái mới lấy chồng" và "trai mới lấy vợ". "Phải hơi" hay "bén hơi" đều rất mơ hồ, chưa rõ nghĩa. Nó có thể là "con gái tuổi dậy thì, bước vào tuổi yêu đương, có sự tiếp xúc với trai (dù chỉ là về mặt cảm xúc yêu đương)" hoặc "sau khi lấy chồng" (Hoàng Tuấn Công, Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân: Phê bình và khảo cứu, NXB Hội Nhà văn, 2018).

Liệu trai gái chỉ tiếp xúc bình thường, có cảm xúc mến nhau, cảm tình với nhau, thậm chí "yêu nhau bằng mắt" đã dẫn đến những kết quả như câu tục ngữ khái quát chưa? Có lẽ, phải có sự tiếp xúc trực tiếp, tức là có quan hệ yêu đương tính giao (như vợ chồng) thì mới dẫn đến thay đổi tâm lý, nhất là sinh lý. Bởi khi quan hệ tình dục, người phụ nữ sẽ sinh ra các nội tiết tố kích thích sự phát triển tích cực của cơ thể, còn người đàn ông lại bị hao tổn tinh khí, sức lực làm cho thể trạng của họ tạm thời suy giảm.

“Phải hơi”, “phải gió” hay “phải lòng” là theo cấu trúc “phải + X”. “Phải lòng” có nghĩa là “cảm thấy yêu một cách khó cưỡng lại nổi [nói về tình yêu nam nữ]”. “Phải hơi” còn mạnh hơn. Ở đây là sự “bén hơi” thực sự, mạnh mẽ (tới mức diễn ra sự thay đổi về chất) khi có sự tiếp xúc thân thể 2 giới nam và nữ, nhất là cả 2 đã đến độ trưởng thành.

PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm