Khi thí sinh hoa hậu được yêu cầu bớt 'sống ảo'

14/06/2016 06:47 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Có một thông tin khá thú vị từ hậu trường cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tại vòng chung khảo khu vực phía Nam, 30 thí sinh được Ban thí sinh yêu cầu “bớt sống ảo, hạn chế dùng điện thoại di động”.

1. Cụ thể, theo báo Tiền Phong, khi các thí sinh được người mẫu Hà Anh huấn luyện tác phong và catwalk, cô đã hơn một lần nhắc giữ trật tự, nhất là không sử dụng điện thoại. Hà Anh cũng cho biết Ban thí sinh ra qui định khi ngồi vào bàn ăn và một số nơi khác, thí sinh tạm xa điện thoại và “bớt sống ảo”.

Hà Anh nhấn mạnh rằng: "Hình ảnh bao nhiêu cô gái ngồi vào bàn ăn thì bấy nhiêu chúi vào chiếc điện thoại thông minh để lướt mạng và cập nhật Facebook nếu ở phòng chờ sân bay còn khó coi huống hồ… Trong mọi buổi tập luyện với tôi các em được tôi yêu cầu tập trung cao độ, không nói chuyện riêng, không sử dụng điện thoại di động thậm chí không được bỏ điện thoại vào túi. Tôi đề ra kỷ luật rất cao cho các em vì muốn các em tập trung lắng nghe và toàn tâm toàn ý với quá trình tập luyện. Đến với cuộc thi các em phải xác định mình "chiến đấu" quyết liệt để đạt thứ hạng cao. Tôi ở đó để giúp các em, chính vì vậy các em phải tôn trọng tôi khi tôi dành thời gian của mình để chỉ bảo các em. Tôi là huấn luyện viên chuyên môn chứ không phải cô giáo trông trẻ. Các em đều là các cô gái trưởng thành nên cần có ý thức tự giác cao".


Thí sinh tham dự cuộc thi Hoa hậu Việt Nam làm duyên với chiếc điện thoại trong tay. Ảnh: BTC

2. Ở Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi đi đến bất kỳ nơi đâu, ta cũng có thể bắt gặp những bạn trẻ sống ảo dán mắt vào điện thoại di động, dù ở quán ăn, quán cà phê, trong chùa chiền, rạp chiếu phim, ở nơi công cộng, thậm chí cả ở những đám tang…  

Khi smartphone thịnh hành và nhất là khi có mạng xã hội facebook, lối sống "cúi mặt vào màn hình" ngày càng lan rộng.

Một ví dụ cực kỳ nổi tiếng gần đây, trong bức ảnh Tổng thống Mỹ Obama đi ăn bún chả ở Hà Nội, hình ảnh những người ngồi trong quán không cắm mặt vào màn hình cầm điện thoại “check in” hoặc “selfie”, lập tức cư dân mạng có ngay dẫn chứng ảnh đó là cảnh… dàn dựng!

Bây giờ, không chỉ có các bạn trẻ 9X, ở bất cứ quán ăn nào cũng gặp cảnh người người “cúng cụ Facebook” trước khi ăn gì đó. Cảnh những người ngồi cùng bàn ăn, bàn cafe nhưng lại đang "like" hay "comment" nhau về một chủ đề trên Facebook, cùng cắm mặt nói chuyện với facebook hoặc nói chuyện... với nhau qua facebook ngày càng phổ biến. Rồi cả những chuyện tế nhị nhất hay những khoảnh khắc đời thường “khó đỡ nhất”, thậm chí thấy tai nạn giao thông cũng lao vào chụp ảnh để khoe khoang lên facebook mà quên cả cứu giúp người bị nạn.

Đối với nhiều người, thật khó để kiềm chế không mở Facebook mỗi khi điện thoại hay máy tính có kết nối internet. Không ít bạn coi cuộc sống ảo với hàng ngàn lượt like, lượt người follow chính là thước đo giá trị con người họ.

Tất cả mọi cảm xúc, hoạt động, diễn biến tâm trạng, vui buồn, tức giận, phẫn nộ… đều được thông báo. Việc nhất cử nhất động trong cuộc sống hiện hữu trên Facebook không chỉ là thói quen mà đã trở thànhmột phần lối sống của họ.        

3. Vì vậy, việc nhắc nhở các thí sinh thi hoa hậu hạn chế facebook là cần thiết. Họ cần sự chuyên nghiệp và tập trung. Các thí sinh thi hoa hậu năm nay phần lớn là các bạn trẻ 9X. Có thể nói đây là thế hệ đầu tiên mà thế giới quan được tạo nên một phần rất lớn nhờ lăng kính mạng xã hội, gần như cuộc sống không thể tách rời với mạng xã hội.

Nhắc hoa hậu mà cũng là cảnh tỉnh tất cả mọi người về phép lịch sự tối thiểu.

Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm