Hiệu ứng có tên 'đường sách'

25/12/2017 07:20 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua,, Hội Xuất bản phía Nam cùng với cùng lãnh đạo thành phố Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị xuất bản về việc tổ chức hội sách và đường sách Vũng Tàu dịp Tết 2018.

Đáng nói, sau Tết 2018, thành phố Vũng Tàu cũng đã lên kế hoạch sẽ thành lập đường sách Vũng Tàu, đặt tại công viên Quang Trung (đường Ba Cu) và khánh thành vào Ngày Sách Việt Nam (21/4) năm 2018.

Theo lãnh đạo thành phố Vũng tàu, đường sách này được thành lập với mục đích nâng cao văn hóa đọc, khuyến khích người dân đọc ấn phẩm in… đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố, tạo điểm giao lưu văn hóa.

Trước Vũng Tàu cũng đã có những tỉnh thành khác xây dựng đường sách như Hà Nội, hoặc lập kế hoạch xây dựng đường sách như Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn… Ngay TP.HCM cũng đang thúc đẩy nhanh tiến độ hình thành thêm một đường sách tại đường Nguyễn Đổng Chi, quận 7. Như vậy đang có một hiệu ứng mang tên đường sách, mà khởi đầu của câu chuyện này đến từ một nhóm người mơ mộng với sách, để rồi trải qua vô số ngăn trở, thách thức trước khi thông qua được dự án Đường sách TP.HCM.

Chú thích ảnh
Đường sách TP.HCM. Ảnh: Internet

Còn nhớ, khi kế hoạch xây dựng Đường sách TP.HCM (Nguyễn Văn Bình) được công bố và cả khi nó được đưa vào hoạt động ngày 9/1/2016, trong thời gian đầu, rất nhiều người vẫn tỏ ra thái độ dè chừng hoặc nghi ngại về tính hiệu quả của mô hình khá mới mẻ này ở nước ta.

 Thêm vào đó, còn có ý kiến cho rằng việc mở những không gian đường sách sẽ chiếm dụng không gian của người đi bộ trong thành phố vốn có dân số quá đông. Nghi ngại vì mô hình này được cho là đã học tập ở các nước châu Âu phát triển, nơi có văn hóa đọc cũng như tỷ lệ quan tâm sách vở khá cao, trong khi đó, tỷ lệ đọc sách của mỗi người Việt nếu chia đều ra cho hơn 90 triệu dân là gần 1 quyển/1 người/ 1 năm - theo Hiệp hội Xuất bản Việt Nam. Mà đâu phải nước phát triển nào cũng có đường sách, châu Âu, Mỹ cũng đâu có nhiều đường sách, nên riêng khía cạnh này, Đường sách TP.HCM là một cảm hứng lớn.

Khi đến thăm Đường sách TP.HCM, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ cho rằng đây là một trong vài địa chỉ bất ngờ và thú vị với bà, không phải nước nào cũng có thể có được. Ngoại trưởng Anh khi đến thăm thì cho biết đây là một mô hình gây cảm hứng. Trong tương lai, chắc những chính khách quốc tế sẽ còn chọn Đường sách TP.HCM để đến thăm, và biết đâu ý tưởng này còn lan toả xa hơn nữa.

Sau gần 2 năm nhìn lại, có thể thấy một mô hình như Đường sách TP.HCM thật sự đã mang lại nhiều hiệu quả và hiệu ứng. Chỉ ước tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, tại đây đã tiêu thụ gần 300.000 bản sách với doanh thu 19 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là chưa kể doanh thu từ các gian hàng sách cũ và các đơn vị dịch vụ khác ngoài sách. Và lượt người đến đường sách vào các ngày cuối tuần cũng tăng hơn năm ngoái - từ 6.000 đến 10.000 người (năm 2016 là từ 4.000 đến 5.000 người).

Đường sách TP.HCM đã thật sự trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa: giao lưu với tác giả, giới thiệu tác phẩm, biểu diễn ca nhạc, hẹn hò cà phê, dạo mát, chụp ảnh lưu niệm… Nó đã thật sự trở thành nét văn hóa đặc trưng của thành phố này.

Có lẽ cũng chính vì vậy mà hiệu ứng lan tỏa của đường sách đã đến với nhiều địa phương trong nước, góp phần thiết thực vào việc nâng cao văn hóa sách vở đối với công chúng.

Đường sách đang 'vươn mình' thành không gian văn hóa

Đường sách đang 'vươn mình' thành không gian văn hóa

Sau hơn một năm rưỡi hoạt động, Đường sách TP.HCM tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Bình, Q.1 trở thành điểm sáng văn hóa không chỉ của thành phố phương Nam, mà còn là mô hình để nhiều tỉnh, thành khác noi theo.

Tiểu Mục Đồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm