Góc nhìn 365: Liverpool và bài học cho di sản Việt

12/08/2021 06:36 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vài tháng qua, cả thế giới vẫn đang dồn sự chú ý cho dòng thông tin chủ lưu về những diễn biến của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Và, giữa bối cảnh ấy, việc thành phố cảng Liverpool tại Anh bị UNESCO đưa ra khỏi danh sách các Di sản Thế giới vào ít ngày trước có thể không phải là thông tin thiết thân với nhiều độc giả Việt Nam – những người cũng đang mải dõi theo tình hình bệnh dịch.

Bị thu hồi danh hiệu Di sản Thế giới: Nỗi đau mang tên Liverpool

Bị thu hồi danh hiệu Di sản Thế giới: Nỗi đau mang tên Liverpool

Ngày 24/7, Liverpool đã bị loại khỏi danh sách các Di sản Thế giới của UNESCO sau khi được trao danh hiệu cách đây 17 năm. Thành phố này bị tước danh hiệu bởi các dự án phát triển đô thị, đặc biệt là trên bờ sông gắn với những bến cảng nổi tiếng của nó.

Nhưng, cách nhìn ấy hẳn sẽ có chút thay đổi, nếu chúng ta nhìn lại và nhớ rằng: vài năm trước, nỗi lo rơi vào cảnh ngộ tương tự cũng đã từng đặt ra với một vài Di sản Thế giới tại Việt Nam.

Hãy nói tới câu chuyện của Liverpood trước. Thực tế, nhiều năm qua, khu bến cảng cũ tại đây - một trong những kiến trúc tiêu biểu góp phần mang về danh hiệu Di sản Thế giới cho thành phố - đã và đang được tái tạo với những dự án xây dựng các công trình mới bao gồm căn hộ, văn phòng, khách sạn sân vận động.... Điều này được coi là một trong những yếu tố phá vỡ "tính xác thực và toàn vẹn của di sản", dẫn đến việc UNESCO thu hồi danh hiệu từng được công nhận vào năm 2004 cho Liverpool.

Chú thích ảnh
Thành phố cảng Liverpool 

Đáng nói, từ năm 2012, Liverpool đã có tên trong danh sách các Di sản Thế giới bị đe dọa của UNESCO. Theo tiêu chí hiện có, khi đứng trước nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng, các di sản bị đưa vào danh sách này cần được phía sở hữu cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ. Và sau một thời gian nhất định, UNESCO sẽ tiến hành đánh giá kết quả từ các biện pháp này và thu hồi danh hiệu nếu không đạt yêu cầu. (Thống kê hiện tại cho thấy, có 53 trong tổng số 1121 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận đang nằm trong danh sách này).

***

“Kịch bản” về việc xây dựng các công trình hiện đại quá sát – và đe dọa phá vỡ - nguyên trạng di sản tại Liverpool có gần với Việt Nam? Câu trả lời thẳng thắn là có.

Đó không chỉ là câu chuyện muôn thủa về mâu thuẫn bảo tồn – phát triển trong xã hội hiện đại. Xa hơn, ai cũng biết, việc sở hữu một danh hiệu cấp thế giới luôn có khả năng thu hút một lượng khách du lịch khổng lồ tại bất cứ di sản nào – để từ đó, các bài toán về cơ sở lưu trú, hệ thống giao thông tiếp cận, các công trình phụ trợ nhằm tăng sức hấp dẫn… luôn được đặt ra.

Và, khi mà công tác bảo tồn chưa được chú trọng, tâm lý nóng vội muốn khai thác hết tiềm năng du lịch đã khiến nhiều Di sản Thế giới tại Việt Nam đã gặp khó từ cách làm của mình. Nhìn lại, chúng ta không thiếu những ví dụ cho câu chuyện ấy – điển hình là ý tưởng dùng cáp treo để "đại trà hóa" lượng du khách tới hang Sơn Đoòng ở Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, hoặc những sai phạm khi xây dựng công trình Tràng An cổ tại Khu danh thắng Tràng An...

Xa hơn thế, dù chưa có trường hợp nào bị đưa vào trong danh sách các Di sản Thế giới bị đe dọa, cố đô Huế và vịnh Hạ Long cũng từng gặp những “rắc rối” với UNESCO ở mức độ thấp hơn.

Cụ thể, sau khi UNESCO có khuyến nghị về tình trạng phát triển đô thị tác động tới cố đô Huế vào năm 2004, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phải mất gần 10 năm thực hiện nhiều biện pháp khắc phục, trước khi di sản này được rút ra khỏi danh sách bị khuyến nghị năm 2013.

Tương tự, từ năm 2009, Vịnh Hạ Long liên tục bị UNESCO khuyến nghị trong các kì họp về những vấn đề liên quan đến công tác quản lý di sản, nhất là việc đổ đất lấn biển, mở rộng đô thị, và ảnh hưởng tới giá trị di sản. Thậm chí, cuối năm 2013, UNESCO còn cử một phái đoàn tới Quảng Ninh để đánh giá việc triển khai các biện pháp bảo tồn di sản này, trước khi đưa vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách cần giải trình khuyến nghị năm 2014.

Bây giờ, với câu chuyện thời sự về trường hợp của thành phố Liverpool, một lần nữa chúng ta được ý thức rất rõ: việc sở hữu một danh hiệu Di sản cấp Thế giới cũng là bước mở đầu của những đòi hỏi mới về ý thức và năng lực trong việc bảo tồn di sản ấy.

Bài học đó không mới, nhưng vẫn sẽ là nỗi ám ảnh, nếu chúng ta chỉ luôn nóng vội và muốn “tận thu” theo cách nhanh nhất với những di sản của mình.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm