Góc nhìn 365: Hà Nội luôn cần những cây cầu đẹp

16/09/2021 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Hai ngày qua, những hình ảnh về phối cảnh dự kiến của cây cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng (Hà Nội) đang tràn ngập trên mạng xã hội, sau khi thông tin về nó được chính thức công bố.

Hà Nội sẽ có thêm 10 cây cầu vượt sông Hồng

Hà Nội sẽ có thêm 10 cây cầu vượt sông Hồng

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri Tp. Hà Nội về đề nghị xem xét, thay đổi kết cấu kỹ thuật và tên gọi cầu Mễ Sở (kết nối huyện Thường Tín, Hà Nội với huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) thành cầu Đại Bình hoặc Chí Nghĩa.

Cụ thể, sau quá trình tuyển chọn, các cơ quan chức năng đã trình thành phố xem xét, phê duyệt phương án kiến trúc số 3 cho cây cầu này, với ý tưởng mang tên “Xứ Đông Dương”. Như kết quả được đưa ra, phương án này được Hội đồng tuyển chọn đánh giá cao nhất với 13/15 phiếu bình chọn - trong khi 2 phương án khác là “Người chủ soái” và “Cánh hạc bay” đều chỉ giành được 1/15 phiếu.

Nối từ trục Trần Hưng Đạo - một trong những tuyến phố đẹp nhất Hà Nội với những dấu ấn còn lại từ kiến trúc Pháp - sang bờ kia sông Hồng, không phải ngẫu nhiên mà những ý tưởng quanh cây cầu này đã được chú ý đặc biệt trong vài năm qua. Điển hình, vài năm trước, khi ý tưởng xây dựng một hầm giao thông xuyên sông Hồng tại đây được nhắc tới, đã có nhiều chuyên gia lên tiếng phản đối và đề xuất: Hà Nội nên thay hầm giao thông bằng một cây cầu đẹp, có giá trị biểu tượng, ở vị trí trung tâm này.

Để rồi, nhìn sang các phương án được đề xuất vừa qua cho cây cầu này, có thể thấy: yếu tố tạo hình của cầu đã được phía thiết kế rất chú trọng với những sáng tạo khác nhau.

Chú thích ảnh
Phối cảnh phương án thiết kế số 3 mang tên "Xứ Đông Dương" vừa được phê duyệt cho cầu Trần Hưng Đạo. Ảnh: TEDI

Chẳng hạn, phương án “Người chủ soái” lấy ý tưởng từ cái tên của người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo với các kiến trúc khỏe khoắn mạnh lạc, cách điệu từ đường nét võ khí và quân phục Việt cổ; trụ tháp giữa có kiến trúc khác biệt với 4 trụ tháp còn lại để gợi nhớ về 5 vị tướng giỏi nhất thời Trần (Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư). Trong khi đó, phương án “Cánh hạc bay” lại lấy cảm hứng từ câu nói nổi tiếng “Chim hồng hạc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh” của Trần Hưng Đạo với kết cấu vừa phóng khoáng, vừa hài hòa giữa hệ thống tháp nghiêng, mái vòm và các công trình phụ trợ.

Đặc biệt, phương án "Xứ Đông Dương" cho thấy rõ ý tưởng về việc khai thác phong cách kiến trúc Đông Dương để tạo sự “ăn nhập” với nhiều kiến trúc còn được giữ lại trên phố Trần Hưng Đạo – vốn là Đại lộ Gambetta thời Pháp thuộc. Theo đó, điểm nhấn đặc biệt của cây cầu là 2 trụ dạng tháp cao ở giữa, có cầu thang lên xuống để phục vụ người dân và khách du lịch tản bộ khi lên cầu, kèm theo là các họa tiết đắp tạo kiểu. Như thuyết minh, phương án này hướng tới dáng vẻ cổ điển, thơ mộng, sự gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính, nét xưa cũ của Hà Nội vào giai đoạn là thủ phủ xứ Đông Dương trong lịch sử....

***

Trong xu thế phát triển của đô thị, những cây cầu không chỉ đơn thuần giữ gánh nặng giao thông. Ý nghĩa về phương án thiết kế, đặc điểm kiến trúc - tạo hình, khả năng gây ấn tượng về thị giác... là những yếu tố khiến chúng dần trở thành những công trình có giá trị thu hút cộng đồng, thậm chí là những biểu tượng về văn hóa - lịch sử theo chiều dài phát triển của từng thành phố.

Chưa cần nói tới những đô thị lớn trên thế giới, chỉ nhìn lại, các thành phố tại Việt Nam trong khoảng 20 năm qua cũng đã và đang đi theo xu hướng này. Cây cầu dây văng Bãi Cháy ở Quảng Ninh – từng được nhiều người gọi là cây đàn bắc qua mặt vịnh Hạ Long – hay cầu xoay sông Hàn và cầu Rồng, những công trình rất đặc biệt tại Đà Nẵng, là các ví dụ điển hình.

Và nếu so sánh với những trường hợp ấy, những cây cầu bắc qua sông Hồng tại Hà Nội vẫn có cách tạo hình khá... khiêm tốn, khi 4 trong số đó là các cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Thăng Long đều đặt chức năng giao thông lên trên hết. Để rồi, ngoại trừ một cầu sắt Long Biên từ thời Pháp đã không còn nguyên vẹn, cây cầu đẹp nhất của chúng ta đến giờ vẫn là trường hợp cầu Nhật Tân được hoàn thành cách đây 6 năm, với 5 nhịp dây văng biểu trưng cho 5 cửa ô của thành phố.

Thực tế ấy bắt nguồn từ nhiều lý do, trong đó không thể bỏ qua yếu tố kinh tế - khi so với nhiều thành phố khác, các cây cầu tại Hà Nội đều đòi hỏi quy mô lớn, với chiều dài cầu trên dưới 1000 mét để bắc qua sông Hồng. Còn bây giờ, khi đặt ở vị trí trung tâm đẹp nhất của Hà Nội, việc đề cao yếu tố thẩm mỹ và giá trị biểu tượng của cầu Trần Hưng Đạo trong tương lai cần được công nhận là một bước đi quan trọng trong tư duy về phát triển đô thị của thành phố.

Tất nhiên, trong tương lai, thiết kế dự kiến của cây cầu “điểm nhấn” ấy - cũng như sự phù hợp với cảnh quan xung quanh - sẽ còn được tiếp tục được cộng đồng và các chuyên gia đánh giá. Nhưng, chắc chắn, đó sẽ là một tiền đề tốt, để chúng ta chờ Hà Nội có thêm những cây cầu đủ sức trở thành biểu tượng văn hóa của mình...

Đức Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm