Góc nhìn 365: Dùng dằng làng cổ

13/08/2020 06:56 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần trước, một cuộc triển lãm nhỏ vừa diễn ra tại Viện Bảo tồn di tích (Hà Nội) với những tư liệu kiến trúc và hình ảnh về 6 làng cổ ở các vùng Bắc Bộ và Trung Bộ.

Xem triển lãm đặc biệt về kiến trúc 6 ngôi làng Việt cổ

Xem triển lãm đặc biệt về kiến trúc 6 ngôi làng Việt cổ

"Kiến trúc làng Việt truyền thống" là tên gọi cuộc triển lãm khai mạc vào chiều 5/8 tại Hà Nội, do Viện Bảo tồn di tích (thuộc Bộ VH,TT&DL) tổ chức.

Và chủ yếu hướng tới người làm nghề, cuộc triển lãm ấy vẫn được dư luận chú tâm - khi mà để có thể giới thiệu tổng quát về lịch sử, văn hóa, quỹ di sản kiến trúc hiện có (kèm bản vẽ chi tiết), các chuyên gia của Viện Bảo tồn di tích đã phải có một quãng thời gian dài để nghiên cứu tư liệu và khảo sát thực địa.

Và điểm đặc biệt ấy ở triển lãm ấy không chỉ là vẻ đẹp của các làng cổ Việt Nam - điều vốn đã được nói đến từ khá lâu.

Xa hơn, sau vẻ đẹp của thời gian ấy, những gì được nghiên cứu và trưng bày đã đưa người xem đến với những ngôi làng Việt truyền thống ở góc độ một cấu trúc chặt chẽ về tổ chức và điều hành xã hội. Tại đó, tùy thuộc vào điều kiện hiện có, mỗi ngôi làng như Thổ Hà (Bắc Giang), Cự Đà (Hà Nội), Phước Tích (Huế)… lại có một cách thức tổ chức khác nhau - để rồi đi sâu vào tìm hiểu, người ta có thể nhận thấy sự sắp xếp, bố trí rất khoa học của người xưa với từng ngôi làng, trong sự hòa quyện của đường đi, không gian sống hay môi trường thân thiện giữa con người với thiên nhiên.

Những sáng tạo được hình thành và chắt lọc theo thời gian ấy, nói như lời GS-KTS Hoàng Đạo Kính, là những tích lũy vật chất và nhân văn đồ sộ, bất tận của người Việt. Tại đó, có những tinh hoa cần nhận ra và kế thừa, và cũng có những kiến tạo đặc sắc đang trước nguy cơ tan biến rình rập, cần phải được giữ lại cho ngày nay và mai sau.

***

Cũng cần nhắc lại, câu chuyện bảo tồn làng cổ không hề mới. Điều được quan tâm - và cũng là câu hỏi đang cần lời giải cuối cùng - chính là cách tiếp cận để giữ được giá trị từng có của những thiết chế cộng cư đặc biệt này. Bởi, những làng cổ ấy chính là nơi duy trì những hoạt động bình thường và tiếp nối nhau của cuộc sống. Chúng không thể được bảo tồn như những miếu, đình, chùa… để rồi khung cảnh sống của dân cư trong làng và trong nhà biến thành kiểu trưng bày bảo tàng, trong khi chủ nhân của những căn nhà cổ, nhà cũ lại trở thành những người trông nom và giới thiệu di tích. Làng cổ mất hẳn phần hồn, trong khi giữa nhu cầu tự nhiên của cộng đồng và đòi hỏi về bảo tồn, giữa quyền lợi thực tế của người dân và kinh doanh du lịch lại có thể được nhen lên.

Chú thích ảnh
Khách tham quan triển lãm. Nguồn: Báo Văn hóa

Thực tế, xã hội vẫn luôn có sự đào thải trong quá trình phát triển của nó. Không có gì lạ, nếu những gì mà thế hệ trước tạo ra - dù hấp dẫn - vẫn có thể bị thế hệ sau dần gạt bỏ nếu không còn phù hợp với sự phát triển của mình. Và trong câu chuyện của làng cổ, dường như đã có thời điểm, chúng ta đã có quá nhiều những người đặt nó trong một khoảng cách lý tưởng rồi đứng ở xa mà xuýt xoa ca ngợi - trong khi lại quá ít những chuyên gia tìm cách “đứng gần” và tiếp cận làng cổ bằng một cái nhìn văn hóa cần thiết.

Bởi thế, cũng không khó hiểu khi mà trong xu hướng đô thị hóa như một dòng nước đang tự chảy về nông thôn, chúng ta đã có nhiều bài học về những làng cổ đang mất dần cấu trúc vốn có - cho dù những người quản lý đã cố gắng đặt ra mục tiêu lưu giữ chúng, vì những giá trị truyền thống vốn có và cả vì tiềm năng phục vụ du lịch.

Có lẽ, đã đến lúc tất cả những làng cổ của chúng ta cần được đặt trong một cuộc tổng kiểm kê và khảo sát đủ khoa học, như công việc mà Viện Bảo tồn di tích đã làm với 6 làng cổ. Để rồi, trên cơ sở lựa chọn những gì tiêu biểu và khả thi nhất, việc bảo tồn mỗi làng cổ lại cần được nghiên cứu theo những phương án riêng, để giữ được hồn cốt, nếp sống và những giá trị văn hóa phi vật thể rất riêng của mình.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm