Góc nhìn 365: Di sản là… của ai?

09/01/2020 07:24 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về cách đánh giá các di sản văn hóa phi vật thể bỗng trở thành một vấn đề thời sự trong những ngày qua, sau phát ngôn của TS Frank Proschan - một chuyên gia từ UNESCO.

Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 

Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 

- Lần đầu tiên, các  Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tiêu biểu của Việt Nam sẽ được diễn xướng giới thiệu với người xem qua một Liên hoan cấp quốc gia.

Vắn tắt, ông khẳng định: UNESCO không hề “công nhận” các di sản văn hóa phi vật thể ở “tầm thế giới” như nhiều người lầm tưởng, khi mà những di sản này hoàn toàn thuộc về cộng đồng đã sinh ra nó. Và, việc ghi danh của UNESCO chỉ nhằm giúp thế giới biết tới và trân trọng những “tài sản văn hóa” của một cộng đồng bản địa đang cùng tồn tại với các cộng đồng bản địa khác ở một hành tinh chung.

Thực chất, những gì TS Frank Proschan nhắc tới đều gắn với yêu cầu đề cao tối đa vai trò của cộng đồng sở hữu di sản văn hóa phi vật thể.Và, các chuyên gia về di sản của chúng ta cũng không lạ gì điều này, khi đó là nguyên tắc cơ bản nhất của loại hình di sản này.

Về bản chất, là sản phẩm được cộng đồng bản địa sáng tạo và phát triển theo thời gian, những di sản văn hóa phi vật thể luôn có các quy luật rất đặc thù khi vận hành, cũng như bảo tồn. Chúng chỉ có thể “sống” được bởi cộng đồng bản địa và sẽ dần mất đi khi những chủ thể sáng tạo ấy thay đổi - hoặc đơn giản là…không còn muốn bảo tồn nữa.

***

Vậy nhưng, tại Việt Nam, vai trò của cộng đồng đối với di sản văn hóa phi vật thể đã được chú ý đúng mức chưa?

Thực tế, để vận hành và bảo tồn một di sản văn hóa phi vật thể, cộng đồng sở hữu nó rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước - chủ yếu là qua chính quyền địa phương. Đặc biệt, để thuận tiện cho việc kiểm kê và bảo tồn, từ năm 2012, ngành văn hóa đã lần lượt công bố265 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên toàn quốc. Thực ra, có thể hiểu đây không hẳn là một sự “phân cấp” thành “cấp quốc gia” (vì bên cạnh đó cũng không có “cấp tỉnh”), mà chỉ là một danh mục di sản văn hóa phi vật thể củaquốc gia, đã được kiểm kê và đáp ứng được những tiêu chí nhất định.

Chú thích ảnh
Đông đảo du khách thập phương về dự lễ khai hội Gióng đền Sóc năm 2019. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Nhưng như phân tích của nhiều chuyên gia, vô tình cách hiểu về sự “xếp hạng”, “phân cấp” quốc gia - quốc tế ấy khiến nhiều địa phương mang tâm lý “chuộng danh hiệu”, khi quá chú trọng việc vận động để có thêm nhiều di sản văn hóa phi vật thể cho mình.

“Ở nhiều trường hợp, chúng ta nói quá nhiều về vinh dự khi được UNESCO ghi danh cũng như giá trị của di sản, nhưng lại có phần quên đi trách nhiệm cùng cộng đồng bảo tồn di sản” - PGS Nguyễn Văn Huy (nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia) từng chia sẻ với người viết.

Thậm chí, theo lời ông, nhiều khi, việc vận hành các di sản văn hóa phi vật thể lại nguy cơ bị thay đổi chính bởi cách tư duy thiếu hợp lý của chính quyền địa phương.Việc chính quyền can thiệp quá sâu vào khâu tổ chức lễ hội, hoặc thúc đẩy xu hướng du lịch hóa (với tâm lý rằng như vậy là… phát huy giá trị) là các ví dụ điển hình.

Và có cả trường hợp, việc tác động tới di sản lại bắt nguồn từ sự… nhiệt tình, sốt sắng nhưng tiếp cận thiếu hợp lý của địa phương. Chẳng hạn, khi Hội Gióng được UNESCO ghi danh, đã có ý kiến đề xuất hỗ trợ… mỗi người dân địa phương một chút kinh phí khi tham gia lễ hội. Điều này may mắn không thành hiện thực - bởi cách làm vậy dễ tạo cho cộng đồng bản địa tâm lý “di sản của nhà nước, nhà nước sẽ đầu tư” và họ không còn hào hứng với vai trò chủ thể lễ hội của mình.

***

Di sản văn hóa phi vật thể thuộc về cộng đồng sinh ra nó, và cần được cộng đồng ấy bảo vệ. Nhưng, để có thể làm được điều ấy, rõ ràng, cộng đồng chủ thể của di sản lại bắt buộc phải có sự hỗ trợ về nguồn lực của Nhà nước - và xa hơn, phải là của toàn xã hội. Bởi chắc chắn, nguồn lực chỉ của Nhà nước thì không thể đủ cho việc bảo tồn một hệ thống vô cùng phong phú các di sản phi vật thể tại Việt Nam.

Mối quan hệ tưởng như phức tạp ấy thực ra rất đơn giản, nếu người ta tiếp cận nó với một tư duy đủ khoa học và không chạy theo căn bệnh thành tích - khi ý thức được rằng: Ngoài cộng đồng bản địa và địa phương nơi cộng đồng này tồn tại, bất cứ ai cũng vẫn có quyền tự hào một cách chính đáng về những di sản văn hóa trên đất nước mình.

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm