Góc nhìn 365: Chờ một cái Tết đặc biệt

04/02/2021 06:15 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày cúng ông Táo của năm Canh Tý đã bắt đầu vào hôm nay, 4/2. Như thế, chỉ còn một tuần lễ nữa, chúng ta sẽ đón năm Tân Sửu 2021.

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Tân Sửu

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Tân Sửu

Trong dịp Tết Tân Sửu ít có khả năng xảy ra thiên tai nguy hiểm, ít khả năng xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá như Tết Canh Tý. Trên biển Đông chưa có dấu hiệu xuất hiện của bão, áp thấp nhiệt đới.

Với rất nhiều người, tuần lễ cuối cùng tháng Chạp mỗi năm chính là tuần lễ bận rộn nhất – và cũng là vui nhất – khi Tết về. Bận rộn, bởi chúng ta phải tất bật chuẩn bị cho một cái Tết Nguyên đán đang nhích dần tới theo từng ngày. Và vui nhất, cũng bởi sự tất bật ấy gắn kèm bao kế hoạch và hi vọng được mỗi gia đình đặt ra trong dịp đón năm mới.

Nhưng cái Tết năm 2021 này sẽ là một cái Tết khá đặc biệt: Chúng ta chờ nó trong bối cảnh làn sóng mới của dịch Covid-19 lại bùng phát.

Thực ra, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cũng là thời điểm dịch Covid- 19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Nhưng, sau một năm đối phó với đại dịch này, rõ ràng, tâm thế của mỗi người trong cộng đồng sẽ khác trước rất nhiều, khi lần thứ 2 đón cái Tết vẫn được gọi đùa là “Tết Covid”.

Chú thích ảnh

Đùa, nhưng không mấy vui. Bởi, vào thời điểm người dân Việt Nam trên cả nước đón Tết, một số gia đình tại Hải Dương, Quảng Ninh hay một số nơi bị phong tỏa sẽ phải chấp nhận hi sinh, đón Tết trong trạng thái giãn cách - thậm chí là trong các khu cách ly - để gìn giữ sự an toàn cho cộng đồng.

Rồi, với những diễn biến như hiện tại, kế hoạch về thăm quê, du Xuân hoặc vui chơi trong dịp Tết của nhiều gia đình cũng sẽ phải thay đổi. Bởi, song song với nỗ lực dập dịch của Chính phủ và các cơ quan chức năng, mỗi thành phần trong xã hội cũng phải thực hiện trách nhiệm của mình với việc hạn chế di chuyển, hạn chế tụ tập đông người và tuân thủ các biện pháp y tế phòng dịch.

Bù lại, nếu nói về những điểm sáng khi phải đón cái “Tết Covid” thứ hai, chắc chắn nhiều người sẽ nhắc tới kinh nghiệm và sự tự tin - những “vũ khí” vô giá mà Việt Nam có được trong cuộc chiến chống dịch năm qua. Những gì đã làm được trong cuộc chiến ấy đủ để chúng ta hiểu rằng: Việc khống chế thành công dịch Covid -19 trong mùa Xuân này là điều chắc chắn, như nó phải thế và vẫn thế.

***

Nhưng, tôi tin, chúng ta sẽ không đón một cái Tết đáng quên trong cuộc đời mình vào năm 2021 này. Bởi, khi những hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí bị hủy bỏ hoặc giảm quy mô, nếu các chuyến du lịch trong dự liệu của chúng ta phải tạm hoãn vì lý do an toàn, thì một cách tất yếu chúng ta sẽ lại có thêm quỹ thời gian dành cho gia đình và người thân trong dịp Tết.

Và nếu phải bàn cho hết lẽ, với người Việt, đặc trưng của ngày Tết vẫn luôn là sự sum họp. Đó là sự sum họp giữa các thành viên trong gia đình với nhau, giữa các thế hệ ông bà, bố mẹ và con cháu, giữa người ở nhà với người quanh năm phải bươn trải phương xa. Và hơn thế, đó còn là sự sum họp giữa “thế giới người sống” với “thế giới người đã khuất” qua mâm cơm cúng Tất niên ngày 30 Tết, để các thế hệ sau có dịp tri ân và nhớ về tổ tiên, dòng tộc của mình.

Sự sum họp, vui vầy ấy là đạo lý, và cũng là hạt nhân trong cái Tết của người Việt. Những năm qua, nhịp sống của xã hội hiện đại, cũng như nhu cầu được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm căng thẳng, phần nào khiến chúng ta có xu hướng giản lược và rút ngắn sự sum họp ấy để nhường chỗ cho nhu cầu của bản thân. Nếu chiếu theo logic của cuộc sống, đó chưa hẳn là một sự lựa chọn sai. Nhưng, cũng sẽ rất logic và hợp lý, nếu bên cạnh dòng chảy hiện đại, chúng ta lại dành cho mình những quãng lặng cần thiết, để thêm thấm thía những giá trị vĩnh hằng và bất biến.
Và hãy nhớ, nếu không thể sum họp bởi những lý do bất khả kháng trong dịp Tết này, sự hiện đại của công nghệ cũng phần nào giúp khoảng cách về không gian bị xóa nhòa. Thực tế, vài năm qua, toàn bộ việc ăn Tết, quang cảnh ngày Tết, sự đầm ấm gia ,đình… ở nhiều gia đình vẫn được nối mạng thông qua các hình thức Facetime, Zalo Messenger, Viber, Video Calls… để xua đi sự trống vắng và mong mỏi.

Chẳng thể có chuyện “mất Tết”, dù bạn đang sống tại nơi giãn cách, khu cách ly hay bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S trong những ngày này. Và khi ăn cái Tết đặc biệt năm nay, chúng ta hãy trân trọng những giá trị về gia đình, tổ tiên, dòng tộc - để rồi hiểu thêm rằng: Cuộc chiến chống bệnh dịch rất cần được tiếp sức từ những giá trị giữa người với người như thế.

Anh Bảo

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm