Gene = gen: Không theo quy luật tiếng Việt

04/03/2020 06:56 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chắc là nhiều người, nhất là học sinh phổ thông không lạ gì từ gen - một từ rất quen thuộc trong lĩnh vực sinh học.

Chữ và nghĩa: Corona - Từ 'vương miện' hóa ra 'đại dịch'

Chữ và nghĩa: Corona - Từ 'vương miện' hóa ra 'đại dịch'

Gần như cả thế giới, trong đó có Việt Nam đang quay cuồng vì chủng mới của virus corona. Chỉ cần vào Google đánh 6 chữ cái này (corona) là ta sẽ có ngay khoảng 700 triệu kết quả trong vòng chưa đến 1 giây.

"Gene" là viết theo tiếng Anh, tiếng Pháp viết là "gène", xuất phát từ tiếng Hy Lạp: “genos”, có nghĩa là "gốc, nguồn gốc". Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2017) định nghĩa, “gen” là "đơn vị di truyền được phân bố trên nhiễm sắc thể, quy định các đặc tính cụ thể của sinh vật".

Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 2 (NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2007) giải thích rõ hơn, cho “gen” là "một đoạn của phân tử acid nucleic (ADN hoặc ở một số virus là ARN) có chiều dài tối thiểu đủ lớn để xác định một chức năng sinh học. Chức năng đó là mã hóa cấu trúc sơ cấp của một polipeptit (hay protein) hoặc của một phân tử ARN, theo cơ chế trình tự: 4 nucleotit A, U, G và X trong ARN...".

Từ gen này còn phái sinh ra một loạt từ khác: gen bào chất, gen bổ trợ, gen chỉ huy, gen hoá, gen học, gen liên kết, gen miễn dịch học, gen tăng đột biến... Điều lạ là từ này đã được Việt hóa cả về cách đọc và cách viết. Phiên âm tiếng Anh "gene = ʤi:n" lẽ phải đọc là "dzin", nhưng gen hiện nay người Việt vẫn đọc là "gien", cũng không đọc "ghen" như trong "ghen tị". Như vậy, giữa âm và chữ có điều gì không ổn? Chữ “gen” này là một trường hợp bất hợp lý so với cách viết tiếng Việt theo tự dạng Quốc ngữ.

Không ổn là tại sao không có sự tương thích chữ và âm? Lấy ví dụ từ "German" (người Đức, thuộc nước Đức), phiên âm cách đọc tiếng Anh "ʤə:mən" (giơ-mơn/dzơ-mơn) mà tiếng Việt ta thường đọc là "Giéc-man" hay "Giéc-manh" (tương tự như đọc tên đội bóng Pháp PSG (Paris Saint-Germain) là "Pa-ri Xanh Giéc-manh). Như thế, "gen" đọc thành "gien" là đã mất đi chữ cái "i" trong cách viết âm tiết này.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong hệ thống 22 âm vị phụ âm đầu, có âm vị [ʐ,], viết bằng con chữ "gi" (trong "gia đình", "giường chiếu", "giã gạo"...). Hơi lạ (và bất hợp lý) là "gi" kết hợp với nguyên âm "i" thì nó cũng tự nhiên "bay" mất một chữ cái "i", như "gì" trong "làm gì" phải viết là "giì" mới đúng (vì "gi" mới chỉ tương đương âm vị [ʐ], thứ tự hai âm vị trong âm tiết này là: gi|ì), "giết" trong "giết chóc" phải viết là "giiết" mới đúng (thứ tự 4 âm vị là: gi|i|ế|t). Nhưng có lẽ, thêm một chữ "i" làm cho chữ này hơi kỳ (!), nom thiếu thẩm mỹ, nên những người chế tác chữ Quốc ngữ đã bỏ đi ngay từ khi sáng tạo ra nó.

Từ "gene" chuyển thành "gen" cũng giống như vậy. Một chữ cái "i" đã bị lược bỏ. Vô hình trung, chúng ta đã tước đi quyền "đại diện" chính đáng của âm vị "i" cần tường minh trong văn bản.

Thời gian cứ thế trôi qua và cộng đồng nói và viết tiếng Việt đã quá quen với cách viết “gen” đến nỗi không nhận ra sự bất hợp lý này. Lỗ Tấn từng nói "Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi mà thành đường". Thói quen làm nên quy luật là một "nguyên lý bất thành văn", nhưng lại trở thành hiện tượng rất phổ biến trong ngôn ngữ. Không chỉ tiếng Việt ta đâu. Nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới cũng có tình trạng không tương hợp giữa âm và chữ. Đó không biết có phải là sự đa dạng, phong phú hay không, chỉ biết là chính nó đã làm cho các thầy cô giáo đứng lớp lúng túng khi các em học sinh "vỡ lòng" bất ngờ đứng lên thắc mắc. Tôi biết là nhiều cô giáo đã không có phương án giải thích thỏa đáng cho các em. Điều này cũng dễ thông cảm. Bởi ngay cả giới ngôn ngữ học cũng đau đầu vì những hiện tượng vượt ra ngoài quy luật của hệ thống, phải "cay đắng" chấp nhận như một trong những sự cố của Ngôn ngữ học Lịch đại.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm